Quyền anh Hải Phòng: Thế hệ thứ 3 cùng những mốc son (Kỳ 2)
(Thethao24.tv) – Với môn quyền Anh tại Việt Nam, Hải Phòng thực sự là một cái nôi, với hàng loạt sự kiện, chiến tích, tên tuổi mà trong đó nổi bật là anh em Đinh Bảng, Đinh Môn. Trong tiềm thức của người dân đất cảnh cái tên Đinh Bảng, Đinh Môn là biểu tượng sống của môn quyền anh nơi đây. Họ không chỉ là những võ sĩ tiêu biểu cho “trường phái Hải Phòng” mà còn là sự bổ khuyết hoàn hảo cho nhau để tạo một cặp bài trùng trong nghiệp làm thầy với những học trò sau này là đại diện xứng đáng cho lớp quyền Anh thứ 3.
Quyền anh Hải Phòng: “Cái nôi” độc nhất vô nhị trên đất Cảng (Kỳ 1)
Sàn tập quyền Anh trên… bể bơi
Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, Hải Phòng tổ chức lại môn thể thao này. 10 năm là quãng thời gian đủ để xóa hết những tiền đề đã nhen nhóm trước đó nhưng thể thao Hải Phòng còn đấy những con người có trách nhiệm. Sau khi cụ Nguyễn Lan chuyển hẳn sang dạy bóng đá thì ông Nguyễn Văn Sự (Trưởng bộ môn, nguyên VĐV bóng bàn có tiếng ở Hải Phòng) được giao nhiệm vụ thành lâp lại môn quyền Anh trên cơ sở thuộc các môn võ với địa điểm tập đầu tiên là… bể bơi bến Bính.
Thời đó điều kiện khó khăn, bể bơi không có nước nên ông Sự chọn bể bơi bến Bính là sàn tập. Phải dùng dây thừng, tăng đơ để tạo ring (khung đấu) nhưng chừng đó không làm những người nơi đây nản lòng, hầu hết những võ sỹ thuộc lớp thứ 2 như Đinh Bảng, Đinh Môn, Phùng Gia Thành (sau này là trọng tài quốc gia), Trần Toàn… đã đến, hưởng ứng và gây dựng lại phòng trào vốn phải xuất phát lại. Và trời không phụ lòng người khi đam mê, lòng nhiệt huyết với nghề đã được đền đáp. Chỉ sau 3 năm, phong trào quyền Anh đã được phổ biến rộng khắp không chỉ ở nội thành mà các huyện của thành phố, với điểm nhấn là việc hình thành các lò tập tại Đồ Sơn, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Kiến An…
“Ngũ hổ tướng” của lứa thứ 3
Với bề rộng như vậy nên sau 5 năm, Hải Phòng đã tuyển lựa, sàng lọc được lớp VĐV đầy triển vọng, có thể kế tục được sự nghiệp, truyền thống của cha anh. Lứa võ sỹ thứ 3 với những cái tên như Đỗ Tiến Tuấn, Đinh Nghĩa (con Đinh Môn), Phùng Bảo Anh (con Phùng Gia Thành), Tạ Duy Đông, Bùi Tiến Thủy, Trần Vinh (con Trần Toàn)… Họ đều là sản phẩm của công thức “2 trong 1” với sự phối hợp, bổ khuyết cho nhau của 2 ông thầy là anh em Đinh Bảng, Đinh Môn. Sau này Hải Phòng nhận được hỗ trợ của chuyên gia Cuba, cường quốc quyền Anh thế giới nên đã được giúp ích rất nhiều cho công tác huấn luyện, đặc biệt trong việc xây dựng giáo án của ông Đinh Môn.
Nếu như thế hệ thứ nhất và thứ 2 của lớp võ sỹ Hải Phòng đã khẳng định rằng quyền Anh chắc chắn sẽ có đất sống và sống tốt tại Hải Phòng thì nhóm “ngũ hổ tướng” đã thực sự kế thừa và làm rạng danh truyền thống của đất Cảng.
Tất cả được hội tụ đỉnh cao ở giải VĐQG đầu tiên tổ chức tại Hà Nội năm 1985 khi Hải Phòng đã giành được 1 HCV của Bùi Tiến Thủy, HCB của Đỗ Tiến Tuấn, 2HCĐ của Lê Khôi (cháu ruột Đinh Bảng), Tạ Duy Đông. Trong những năm sau đó, Hải Phòng luôn là một trong những trung tâm hàng đầu của cả nước cùng với Hà Nội, TP.HCM và Nghĩa Bình (nay là Bình Định).
Nếu như Hà Nội có Đỗ Đức Dũng, Phùng Tử Anh, Nguyễn Như Cường; Nghĩa Bình có Đặng Hiếu Hiền; TP.HCM có Huỳnh Viết Khánh, An Giang có Tạ Quang thì Hải Phòng thực sự nổi bật với 5 cái tên trên. Trong số đó Đỗ Tiến Tuấn (Tuấn “bò”) thực sự là “độc cô cầu bại” với 7 tấm HCV quốc gia, là cái tên xứng đáng nhất của lớp võ sỹ thứ 3 của thành phố Cảng. Trong khi Tuấn tiêu biểu cho trường phái sức mạnh, Đinh Nghĩa, Phùng Bảo Anh lại giỏi trong đòn xa và trung bình. Họ đều đã giành HCV ở các giải toàn quốc tổ chức từ năm 1985-1994 ở hạng cân của mình.
Về sau Hải Phòng còn có thêm Đinh Hiếu (em trai Đinh Nghĩa) hạng 48 kg, Nguyễn Đình Thọ hạng 45 kg, Lê Văn Dương hạng 54 kg… cũng tiếp nối được truyền thống với những tấm HCV ở giải VĐQG song lệnh cấm chơi môn thể thao này lần thứ 2 sau giải VĐQG năm 1994 đã không cho họ có cơ hội thể hiện hơn nữa. Trong quãng thời gian vàng son này của quyền Anh Hải Phòng, ông Đinh Môn đã nhiều lần tham gia huấn luyện, dẫn dắt ĐTQG ở các giải đấu của 3 nước Đông Dương hay tập huấn ở các nước XHCN.
Thu Ngân