Thể thao Việt Nam năm 2016: 1 đích nhắm & 4 bài toán khó

thứ năm 31-12-2015 21:24:40 +07:00 0 bình luận
Olympic 2016 sẽ là một cơ hội và thử thách quyết định cho cuộc nâng tầm của TTVN với mục tiêu lớn nhất: Giành huy chương. Nhưng, có 4 bài toán khó đang đặt ra cho cả ngành thể thao trong 8 tháng còn lại.

Giành tối thiểu 15 suất chính thức

Olympic 2012, Thể thao Việt Nam (TTVN) có 18 tuyển thủ của 14 môn vượt qua vòng loại, giành quyền dự tranh. Lần này, đích nhắm của ngành thể thao chỉ là: Phấn đấu có 15 đại diện. Kết thúc năm 2015, Việt Nam có 6 suất chính thức tới Brazil, gồm: Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường (bắn súng) cùng 3 đại diện của cử tạ nam. Từ giờ đến khi các cuộc tuyển chọn khép lại, ngành thể thao có thể trông chờ ở gần chục môn khác, theo các mức độ khác nhau.

Niềm hy vọng được đặt vào điền kinh: 2 suất; bơi: 1-2; bắn súng: 2-3; cử tạ: 3-4; taekwondo: 1-2; cầu lông: 1-2; thể dục dụng cụ: 1-2; judo: 1; vật nữ: 1; boxing nữ: 1; đấu kiếm: 1; canoeing: 1; rowing: 1.

Trên lý thuyết, khả năng các tuyển thủ đạt, thậm chí vượt con số 15 vẫn có. Tuy nhiên trên thực tế, việc có thêm 9 suất chính thức nữa là rất khó, nếu không muốn nói không thể. Theo tính toán từ giới chuyên môn, mức khả thi nhất sẽ là 11-12 suất.

Chấn thương nặng của Kim Tuấn

Cuộc hội chẩn ngay sau giải VĐTG đã khiến thầy trò Thạch Kim Tuấn cùng lãnh đạo ngành choáng vàng vì chấn thương của đô cử này nặng hơn nhiều so với dự báo. Tuấn bị giãn dây chằng cột sống, đứt gân bánh chè độ 1. Hiện tại, anh đang tích cực chuẩn bị cho ca phẫu thuật “định mệnh” ngay ở trong nước, được thực hiện bởi các bác sĩ đầu ngành cùng sự hỗ trợ của chuyên gia quốc tế.

Tình thế đang rất nguy nan, bởi Tuấn cần hồi phục hoàn toàn ít nhất 5 tháng may ra mới kịp lấy lại phong độ vốn có, trong khi chưa thể biết chấn thương của anh sẽ diễn biến phức tạp, khó lường như thế nào.

Nếu tài năng xuất chúng này không kịp trở lại đẳng cấp hàng đầu chứ chưa nói đến phương án tiêu cực khác, TTVN sẽ đứng trước nguy cơ trắng tay tại Brazil. Đơn giản vì Tuấn vẫn là gương mặt duy nhất đủ sức tranh chấp sòng phẳng một tấm huy chương Olympic.

Ánh Viên tiến tới đâu?

Có thể tin tưởng siêu kình ngư Ánh Viên sẽ tiếp tục tạo nên một cuộc đột phá mới tại Olympic, đấu trường mà chị đang có một quy trình chuẩn bị chuyên biệt, cũng như “điểm rơi” cho cả 4 năm ăn tập tại Mỹ. Chuyện cô gái 19 tuổi quê Cần Thơ lọt vào chung kết, tương ứng với Top 8 ở một vài nội dung sở trường là nhìn thấy trước, rõ nhất ở hai nội dung 200m và 400m hỗn hợp.

Mọi người đang kỳ vọng Ánh Viên sẽ còn làm nên điều thần kỳ, với 1 tấm huy chương lịch sử. Thầy trò Ánh Viên cũng đang “nuôi” giấc mơ lớn với quyết tâm, nỗ lực cao độ được đặt vào đường bơi 400m tự do, nơi Ánh Viên rất mạnh, còn nhiều tiềm năng khai phá.

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng khó bởi khoảng cách trình độ với nhóm hàng đầu cùng quỹ thời gian ngắn không đủ để Viên làm nên chuyện. Thế nhưng, một số khác lại rất tin vào nội lực, sức vươn phi phàm của Viên.

“Ẩn số” Xuân Vinh

Xạ thủ kỳ cựu Hoàng Xuân Vinh đã sớm có suất chính thức tới Brazil. Sau Kim Tuấn vượt trội trong trường hợp hồi phục chấn thương để đạt phong độ cao nhất, TTVN chỉ còn hy vọng tranh huy chương ở bộ ba Xuân Vinh, Hà Thanh và Ánh Viên. Trong đó, Vinh chính là nhân tố đáng chờ đợi nhất khi từng nhiều lần đoạt HCV Cúp thế giới và châu Á, vượt cả kỷ lục thế giới, suýt đoạt huy chương Olympic 2012.

Chỉ có điều, anh chưa bao giờ thể hiện được đúng năng lực ở những cuộc đấu quyết định. Điển hình như Olympic 2012, nơi tuyển thủ khoác áo lính đã để thua tức tưởi người đứng hạng 3 nội dung 50m súng ngắn hơi vỏn vẹn 0,01 điểm.

Vấn đề đặt ra với Vinh, cũng như cả bắn súng Việt Nam là làm sao để anh thoát được vai của một “ẩn số”chuyên nghiệp, luôn đen đủi và phập phù. Ngoài nỗ lực tự thân, có lẽ vị Đại tá Quân đội sẽ bó tay một khi tiếp tục tập luyện thi đấu trong điều kiện chưa bằng bằng 1/3 so với các đấu thủ quốc tế. 

Tiến Minh có lần thứ 3 liên tiếp dự Olympic

Kết thúc năm 2015 với vị trí thứ 40 đơn nam thế giới, tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh coi như đã giành quyền tới Olympic 2016. Thậm chí, trường hợp chỉ giữ được một thứ hạng ở Top 50 hay 55 thế giới, anh vẫn sẽ lọt vào danh sách 32 tay vợt nam tới Brazil tranh tài nhờ quy định khống chế số VĐV mỗi nước.

Tuyển thủ 32 tuổi đang đứng trước cơ hội trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên tranh tài ở 3 kỳ Olympic, đáng nói hơn còn là 3 kỳ liên tiếp. Đây cũng sẽ lần cuối cùng tay vợt từng đoạt HCĐ thế giới xuất hiện ở một sự kiện quốc tế lớn, trước khi giã từ nghiệp đấu để chuyển sang làm HLV.

50 tỷ đồng & 1 tấm huy chương

Ngay từ đầu năm ngoái, ngành thể thao đã xác lập một kế hoạch đầu tư trọng điểm cho Olympic 2016, với mục tiêu có 15 suất chính thức và giành được huy chương tại Brazil. Nếu tính thêm các nguồn khác, tổng đầu tư có thể lên tới 50 tỷ đồng. Tuy chưa thể so với quốc tế, còn thua xa một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia song đây cũng đã là chiến dịch Olympic tốn kém nhất lịch sử TTVN. Và suy cho cùng, chiến dịch ấy sẽ chỉ có thể được coi là hiệu quả, chứ chưa nói đến thành công, chỉ khi Việt Nam tái chiếm được ít nhất 1 tấm huy chương.

"Kế hoạch và mục tiêu Olympic của TTVN đang rất khó khăn vì nhiều lý do khác nhau, mà đáng lo nhất chính là vấn đề chấn thương, điển hình như trường hợp của Kim Tuấn, Hà Thanh hay Nguyễn Thị Huyền. Rất đáng tiếc vì Kim Tuấn đã gặp phải chấn thương nặng đúng khi tài năng bước vào độ chín và quá cận kề với Olympic. Thời gian còn lại, chúng tôi sẽ tập trung mọi nguồn lực, khả năng ở mức cao nhất để chăm lo tốt nhất cho các các tuyển thủ mũi nhọn, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc phòng ngừa, chữa trị chấn thương, tập huấn thi đấu quốc tế, nhất là các cuộc đấu tuyển chọn. Đích nhắm giành tối thiểu 15 suất và có huy chương tại Olympic đã được đặt ra. Và, chúng tôi sẽ phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu tới cùng để hoàn thành”. Tổng cục phó Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội