SEA Games 29: “Top 3 không là chỉ tiêu bắt buộc”

thứ sáu 26-2-2016 22:19:01 +07:00 0 bình luận
Dù TTVN vẫn quyết tâm nỗ lực để đạt thành tích cao nhất tại đấu trường SEA Games song Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng đã khẳng định về sự thay đổi mang tính chiến lược: Top 3 không là chỉ tiêu bắt buộc.
- Thể thao24h: Ông nhìn nhận như thế nào về danh sách các môn, nội dung thi đấu của SEA Games 29 mà theo đánh giá của giới chuyên môn Việt Nam gặp nhiều bất lợi?

Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng

Ông Vương Bích Thắng: Cũng như những Đại hội trước, tại SEA Games 2017, theo tôi TTVN vẫn gặp rất nhiều khó khăn về mặt khách quan với xu hướng nhập tịch VĐV nước ngoài ở nhiều nước, cùng chương trình thi đấu có nhiều biến động. Chúng ta không chỉ bị mất nhiều môn, nội dung thế mạnh hàng đầu mà thực tế không thể tham dự nhiều môn khác do không có lực lượng. Cuộc đua thứ hạng toàn đoàn dự báo sẽ vô cùng quyết liệt và khó lường.

Tuy nhiên ngay từ bây giờ, chúng tôi đã xác định rõ trong tình thế nào cũng sẽ quyết tâm nỗ lực để giành thành tích cao nhất. Trong đó, đích nhắm quan trọng và cụ thể nhất là ở các môn nằm trong hệ thống Olympic và ASIAD.

- Có thể hiểu Top 3 SEA Games sẽ không còn là chỉ tiêu bắt buộc của kỳ SEA Games 29 tới đây dù rằng ở kỳ Đại hội trước Việt Nam vẫn vững vàng ở hạng 3 bất chấp nhiều khó khăn?

Chúng ta sẽ tham dự một cách tích cực, hiệu quả vào đấu trường thể thao lớn nhất khu vực, tiếp tục phấn đấu đạt kết quả tốt nhất trên các mặt song chỉ tiêu Top 3 sẽ không còn bắt buộc. Thực tế ngành thể thao đã có sự điều chỉnh, phân cấp rõ ràng để làm sao SEA Games trở thành một bước “đệm” cho ASIAD và Olympic. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm ở điểm phải đạt thành tích cao nhất ở các môn Olympic và ASIAD để không chỉ khẳng định trình độ, năng lực chuẩn bị tại SEA Games mà còn liên thông trực tiếp cho các đấu trường tầm cao.

- Được biết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo Việt Nam đã đến lúc cần có quan điểm về SEA Games. Ông có thể cho biết, ngành thể thao đã tiếp thu và triển khai như thế nào?

Ngành thể thao đã và đang thực hiện tích cực, mạnh mẽ chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thể hiện ở hai việc.

Thứ nhất, TTVN đang điều chỉnh một cách căn bản mục tiêu và phương thức dự tranh SEA Games theo hướng là bước đệm cho ASIAD và Olympic, ưu tiên tối đa cho các môn cơ bản, đại chúng, cũng như việc đào tạo tập rượt cho các VĐV trẻ.

Thứ hai, ngành thể thao đang cùng một số nước bàn tính để hướng tới việc sớm đổi mới điều lệ, chương trình thi đấu SEA Games làm sao đảm bảo tính quy chuẩn quốc tế, sự công bằng và phát triển chung cho cả thể thao khu vực.

- SEA Games 28 là kỳ Đại hội thành công nhất của TTVN đã chứng tỏ sự khác biệt từ việc tập trung đầu tư trọng điểm cho các VĐV các môn Olympic. Thế nhưng có vẻ như tính liên thông hay bước đệm của SEA Games hãy còn quá hạn chế, nếu nhìn vào quá trình giành suất dự tranh Olympic quá nhọc nhằn hiện tại, thưa ông?

Phải thừa nhận Olympic vẫn là đấu trường rất cao so với trình độ của TTVN. Chúng ta đã có sự thay đổi rõ nét cả về nền tảng, mũi nhọn song chưa thể tạo đột phá. Theo tính toán của ngành thể thao có khoảng 40 tuyển thủ của 16 môn có khả năng tranh chấp suất dự tranh Olympic, và chúng tôi đặt chỉ tiêu phấn đấu đạt từ 16-20 suất.

Thực tế chúng tôi đã có hẳn một kế hoạch đầu tư riêng cho chiến dịch Olympic, với giải pháp tập huấn thi đấu cùng nguồn kinh phí đảm bảo kỹ lưỡng đến từng môn, nội dung, tuyển thủ. Tuy nhiên, mục tiêu Olympic đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nhiều tuyển thủ trụ cột bị chấn thương ở các mức độ khác nhau, điển hình như trường hợp của Kim Tuấn (cử tạ), Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Huyền (điền kinh).

- Có thể chỉ tiêu giành 16-20 suất chính thức tới Olympic sẽ bị hao hụt. Thế còn về mục tiêu giành huy chương Olympic của TTVN sẽ ra sao thưa ông?

Mục tiêu của TTVN vẫn là phấn đấu giành huy chương trên đất Brazil. Ngành thể thao đang triển khai một kế hoạch đầu tư chuyên biệt cho một số niềm hy vọng, với giải pháp quan trọng bậc nhất là tăng cường tập huấn tại các trung tâm hàng đầu thế giới, thi đấu cọ xát các giải đỉnh cao trong hệ thống.

Xin cảm ơn ông

Đá cầu và lặn là 2 môn có  thế mạnh tuyệt đối của TTVN tại các kỳ SEA Games. Tuy nhiên, đây chỉ là 2 môn có tính phổ thông quá thấp, ngay cả tại khu vực, và chỉ được đưa vào chương trình SEA Games mỗi khi Việt Nam hay Lào đăng cai.

Thực tế hai môn này mới chỉ xuất hiện ở SEA Games 2003 (tại Việt Nam) và SEA Games 2009 (tại Lào), còn lại đều bị các nước chủ nhà khác gạch tên ngay từ đầu. Và vì không có mục tiêu, động lực cần thiết nên cả 2 môn này đều chỉ được đầu tư kiểu duy trì trong sự nửa vời.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội