25 tỷ đồng và chuyện bài học chưa thuộc của TTVN
Chi 100 triệu USD, thu… 30 tỷ đồng
Để phục vụ công tác chuẩn bị, tổ chức Asian Indoor Games 2019, nhà nước đã đầu tư trên 100 triệu USD, khoảng 2.100 tỷ đồng, với khoản lớn nhất dành cho dự án xây dựng Cung điền kinh trong nhà tại Mỹ Đình (Hà Nội), chiếm tới hơn 540 tỷ đồng.
Rất tương phản với nguồn chi “khủng” ấy, cả mảng tiếp thị - tài trợ khi ấy chỉ thu về được tổng số 30 tỷ đồng, trong đó ít tiền mặt, phần lớn là sản phẩm dịch vụ. Theo lý giải của BTC thì để có được kết quả này đã là nỗ lực lớn trong bối cảnh suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp không mặn mà. Thảm cảnh đó được đổ hết cho các yếu tố khách quan.
Thế nhưng trên thực tế, BTC đã quá chậm chạp và thụ động, thực sự chỉ vận động mấy tháng trước Đại hội, bằng cách dựa vào một đơn vị tư vấn độc quyền thiếu cả danh vị lẫn năng lực và gần như không có kinh nghiệm gì. Quan trọng không kém, bản thân sự kiện vốn rất xa lạ lại gần như bị đóng khung do mảng truyền thông yếu kém.
Trước thềm Asian Indoor Games chỉ mấy ngày, thậm chí ngay chính những địa điểm tổ chức kể cả Hà Nội và TP.HCM, gần như chưa có gì ngoài những băng-rôn được treo mấy tháng trước trên đường phố, rồi các đoạn giới thiệu ngắn trên truyền hình. Một vài hoạt động đồng hành như chạy, đi bộ, phát động 2 triệu chữ ký, gắn với văn hóa - văn nghệ cũng chưa đủ để tạo điểm nhấn cần thiết. Một sự kiện như thế, bộ phận tiếp thị tài trợ có giỏi cỡ nào cũng bó tay hoàn toàn.
Vì sao lần này cũng 25 tỷ?
Đầu tư lớn, trong khi giá trị quảng bá thấp, vận động tài trợ kém, rõ ràng việc đăng cai Asian Indoor Games 2009 đã lãng phí và phải coi như một thất bại. Đó là một bài học mà đáng ra ngành thể thao cần phải tổng kết kỹ lưỡng để chuẩn bị cho việc đăng cai các sự kiện quốc tế như Asian Beach Games 2016.
Chỉ có điều qua 7 năm, mọi chuyện không có gì thay đổi. Mảng truyền thông và tiếp thị - tài trợ đáng ra phải đi trước lại rơi vào đúng “vết xe đổ” của Đại hội trước, với một cách thức cùng hiệu quả rất khó chấp nhận. Asian Beach Games đang giống như việc riêng của ngành thể thao, nặng về tính chuyên môn đặc thù mà chưa thể trở thành một sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục đa mục tiêu, có sức hút mạnh mẽ. Mọi người vẫn có cảm giác “Đại hội do Việt Nam đăng cai mà như ở đâu”, cho dù còn đúng 6 tháng trước ngày khai mạc.
Riêng mảng tiếp thị- tài trợ, BTC mới vừa công bố 2 đối tác, một doanh nghiệp của Thái Lan và một doanh nghiệp trong nước. Sự xuất hiện của thương hiệu FBT đến từ Thái Lan với gói tài trợ bằng sản phẩm có tổng giá trị quy đổi 964.300 USD đã giúp BTC tránh được nguy cơ “tay trắng”. Đích nhắm khiêm tốn 25 tỷ đồng, tính cả tiền mặt và hiện vật, mà ngành thể thao đăng ký với Chính phủ coi như hoàn thành, thậm chí vượt.
BTC lại có thể viện dẫn đủ các lý do để chứng minh sự quyết tâm cùng những nỗ lực vận động để có kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, người ta vẫn phải đặt ra câu hỏi vì sao một sự kiện như Asian Beach Games, có nhiều thuận lợi về quảng bá hơn hẳn Asian Indoor Games lại vẫn chỉ có thể kêu gọi tài trợ được 25 tỷ đồng, và đến giờ vẫn chưa có nổi một đồng tiền mặt?
Có lẽ trong tư duy đăng cai, tổ chức một sự kiện thể thao tại Việt Nam, việc tiếp thị - tài trợ vẫn chỉ đơn giản là “có là tốt rồi”.