Vì sao Việt Nam sẽ giành ngôi nhất tuyệt đối tại SEA Games 31?
Nếu tính từ SEA Games 2003 đến giờ, Việt Nam và Thái Lan là hai đoàn duy nhất luôn đứng trong Top 3 toàn đoàn trong mọi hoàn cảnh, kể cả việc chương trình thi đấu “biến dạng” tới phân nửa sau mỗi kỳ Đại hội. Có nghĩa là, xét riêng sân chơi khu vực, nếu bỏ qua lợi thế “khủng khiếp” của đoàn chủ nhà khi toàn quyền quyết định chương trình thi đấu, Việt Nam và Thái Lan có thực lực nhất, phần nào vượt trội so với phần còn lại.
Khi Việt Nam đăng cai SEA Games 31, với một chương trình thi đấu được đánh giá là “ổn” nhất theo hướng Olympic và ASIAD, có thể dự báo sẵn Việt Nam sẽ cùng Thái Lan giành hai vị trí dẫn đầu toàn đoàn một cách dễ dàng, thuyết phục. Và ngôi nhất tuyệt đối cũng coi như đang chờ sẵn Việt Nam, với sự hội tụ của mọi yếu tố.
Trong đó, điều quan trọng nhất, đúng như lời Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang “Chúng ta đủ mạnh ở các môn Olympic để tranh chấp sòng phẳng ngôi đầu toàn đoàn”. Tại SEA Games 30, Việt Nam chính là đoàn dẫn đầu ở các môn Olympic với 71 HCV, hơn Thái Lan đứng sau tới 20 chiếc. Thành quả này của Việt Nam chắc chắn sẽ còn lớn hơn nhiều ở SEA Games 31 với một chương trình có sự áp đảo của các môn, nội dung Olympic.
Trong 36 môn đã được chốt lại với tổng số 450 nội dung (chưa kể 4 môn với 50 nội dung sẽ được bổ sung), thể thao Việt Nam có thể đoạt HCV ở khoảng 30 môn, đứng đầu ít nhất 20 môn tại SEA Games 30. So trực tiếp với Thái Lan, Việt Nam sẽ có thế “cửa trên” rõ rệt ở hàng loạt môn Olympic, nhất là hai môn cơ bản nhất điền kinh, bơi hay vật, thể dục dụng cụ. Việc môn mũi nhọn hàng đầu cử tạ tiếp tục bị cấm vì liên quan đến doping sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng đua tranh thành tích của Thái Lan. Ngược lại, cũng chính điều đó lại mở ra cơ hội hiếm có cho cử tạ Việt Nam bứt lên, giống như từng làm được tại SEA Games 30.
Ngoài ra, cũng phải thấy rằng, thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 còn có “vũ khí tạo khác biệt” với sự tái xuất của hai “mỏ” Vàng Vovinam và đặc biệt là lặn sau nhiều kỳ vắng bóng. Riêng hai môn này đã có thể mang về cho Việt Nam tối thiểu 20 HCV.
Như vậy, dự báo tại SEA Games 31 Việt Nam sẽ đủ sức đoạt 130- 150 HCV, thậm chí có thể vượt qua kỷ lục 158 HCV ở lần đăng cai cách đây 17 năm để giành ngôi nhất toàn đoàn tuyệt đối, với khoảng cách vài chục HCV bỏ xa người Thái.
Với thực lực, khả năng và những lợi thế quá rõ để bước lên ngôi cao nhất của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, có cơ sở để tin vào tuyên bố của lãnh đạo ngành thể thao về việc tổ chức một kỳ Đại hội fair-play. Trên thực tế, Việt Nam đã phần nào chứng tỏ điều đó ngay từ “gốc” với một chương trình thi đấu 36 môn có sự áp đảo của các môn Olympic, và không môn Olympic nào bị cắt nội dung.
Có lẽ về mặt thành tích, tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam sẽ chỉ lo bóng đá nam có thể bảo vệ được tấm HCV?
Và trước đó mấy tháng là Olympic Tokyo, đấu trường quốc tế đỉnh cao nhất, mà đến thời điểm này vẫn chưa có gương mặt nào đạt tới đẳng cấp có thể tranh chấp huy chương.
***
SEA Games 31, 2021 sẽ gồm 40 môn với tổng số 500 nội dung thi đấu. Hiện tại, đã có 36 môn với 450 nội dung theo đề án đăng của Việt Nam. Vào tháng 11 tới, Việt Nam sẽ thống nhất việc bổ sung 4 môn với 50 nội dung, từ 20 môn mà các đoàn đề xuất tại Hội nghị Liên đoàn Thể thao ĐNÁ vừa kết thúc. Trong đó, có một số môn được rất nhiều đoàn đề nghị như esport, bowling, jujitsu, ba môn phối hợp,…