Việt Nam - Spartan Race, nơi học cách vượt qua nghịch cảnh
Theo cô Vũ Thị Hoài Thương - Giám đốc điều hành của Vietnam OCR Joint Stock Company (đơn vị sở hữu bản quyền Spartan Race tại Việt Nam), Việt Nam - Spartan Race vẫn giữ nguyên format của cuộc thi chứ không thay đổi theo từng vùng, khu vực hay quốc gia... Vì đối với các Spartan, việc hoàn thành các mục thi chỉ là một phần của cuộc chơi, bởi nếu không vượt qua được những chướng ngại vật thì còn có hình thức phạt để được thông qua như 30 cái “thục xì dầu”.
Do đó, điều quan trọng hơn khi Spartan đến Việt Nam với mong muốn đem tới cho mọi người suy nghĩ tích cực về việc tập luyện hàng ngày, để với những người nghĩ rằng mình có thể không chạy nổi 5 cây số hoặc không đạp xe nổi 20 cây số vẫn có thể hoàn thành được một thử thách nào đó trong cuộc đời.
"Điều đó sẽ đem đến cho mỗi người suy nghĩ tích cực, để khi gặp khó khăn trong cuộc sống thì luôn nhớ rằng từng có những việc mình nghĩ rằng không làm được mà vẫn hoàn thành." - cô Vũ Thị Hoài Thương chốt lại.
Tham dự cuộc họp báo sáng nay của Việt Nam - Spartan Race còn có các khách mời đặc biệt: Trần Ngọc Chính, Phạm Duy Cường và Nguyễn Thanh Lâm đều từng dự Spartan Race ở nước ngoài.
Có cùng cảm nhận như cô Vũ Thị Hoài Thương về Spartan Race, nhưng họ diễn đạt góc nhìn theo cách khác. Trần Ngọc Chính tâm sự: “Tôi chơi Spartan từ tháng 4, chơi cự ly Sprint. Ban đầu tôi không nghĩ đây là một cuộc đua mà chỉ là một hành trình có nhiều thử thách để mình vượt qua.
Kiểu như trước đây khi chạy hay chơi triathlon, tôi chưa bao giờ thử xem lúc hoạt động tất cả nhóm cơ trên thân mình thì cần gì, như thế nào và khả năng ra sao..., nên tôi chỉ đi với tư tưởng vui chơi thôi, do đó tâm lý rất thoải mái.
Sau khi thi Sprint xong thì tháng 8 vừa rồi tôi chuyển sang Super, coi như tự nâng cấp mức độ lên một chút. Do ở VN không có điều kiện tập luyện nên bị phạt nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi không xem đó là một hình phạt. Tôi xem đó như kế hoạch B khi không vượt qua được thử thách."
Phạm Duy Cường đánh giá: Tôi nghĩ rằng môn này pha trộn giữa chạy bộ, sức bền và gym, đòi hỏi chúng ta có rất nhiều kỹ thuật, rất nhiều tố chất như sức mạnh. Chạy 50km (ultra marathon) không đơn giản đâu, vì tôi còn phải vượt qua 60 chướng ngại vật nữa.
Với những chiếc bao nặng khoảng 40kg, để nâng lên cần có sức mạnh. Cần có sự khéo léo để đu bám vượt qua những bức tường. Cần phải có cả khả năng giữ thăng bằng. Spartan Race tổng hợp mọi yếu tố mà một con người toàn năng có thể có được. Tôi nghĩ rằng đấy là điều mà mọi người đều đang hướng tới.
Cái hay của Spartan là đưa ra rất nhiều mức độ, những thang bậc để mọi người có thể hướng tới. Có thể bạn không hướng tới vị trí cao, nhưng khi đã chơi rồi thì bạn không dừng lại được. Như tôi thì đang hướng tới cự ly ultra."
Còn Nguyễn Thanh Lâm cho biết: "Spartan mang đến trải nghiệm rất khác biệt so với các cuộc thi. Tôi còn nhớ có lần gặp một cô gái. Cô gái vận bộ đồ Robin trong chuyện Batman. Cô ta rất nhỏ bé, rất xinh xắn nhưng vượt qua mọi chướng ngại vật. Do đó tôi cảm thấy rất xấu hổ khi có những chướng ngại vật mà tôi không thể vượt qua. Tôi học hỏi được nhiều từ những câu chuyện nhỏ như thế.
Khi tôi gặp các chướng ngại vật, các bạn bè quốc tế đều sẵn sàng giúp đỡ, nhưng họ không giúp trực tiếp mà chỉ chia sẻ kinh nghiệm để tôi vượt qua. Đó là những trải nghiệm mà tôi cho rằng những ai đam mê thể thao và hướng tới những điều tốt đẹp nên có. Rất là tuyệt vời nên tôi không thể chờ được đến tháng 2 năm sau."
Nói cách khác, Spartan có nét riêng là đem đến cho người chơi không chỉ một cuộc thi, mà là cả cộng đồng những người yêu thích khám phá bản thân và cố gắng nâng cao khả năng lên những mức độ cao hơn.
Mọi người có thể bắt đầu từ mức 5km rồi nâng dần giới hạn của mình lên. Mọi người chơi ở Việt Nam rồi có thể tiếp tục khám phá ở những nước khác. Bởi lẽ, Spartan có cộng đồng rất lớn, với mạng lưới những giải đấu để những người Spartan có thể chơi ở nhiều nước như Malaysia, Hawaii hay Dubai nếu muốn chạy trên sa mạc.