10 câu hỏi về đồ tập người mới chạy bộ hay thắc mắc
Người mới chạy bộ thường phải trả giá đắt khi không biết cách sử dụng đồ đúng, thậm chí bị chấn thương. 10 câu hỏi phổ biến dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế rủi ro.
1. Tôi có cần phải “bóc tem" giày mới trước ngày chạy đua?
Có lẽ bạn nghĩ rằng sẽ không vấn đề gì xảy ra khi chọn mua một đôi giày giống hệt với đôi giày mình đang mang để tham gia đường chạy sắp tới. Nó sẽ là đôi giày cùng nhãn hiệu, cùng kiểu dáng. Bạn bảo quản nó cẩn thận trong hộp giày, chờ đợi ngày race để mang ra chạy và bạn tin rằng nó sẽ chẳng có gì khác biệt.
>> Infographic: Cách chọn giày chạy bộ tốt nhất
Tuy nhiên, tốt nhất là bạn chạy thử trước vài kilomet với đôi giày mới này trước khi cùng nó chinh phục đường chạy 5km. Đối với những cuộc đua đường dài marathon hay half marathon, bạn cần phải bỏ ra nhiều thời gian hơn để hiểu về chúng. Chạy thử với đôi giày mới một cách thường xuyên sẽ giúp bạn yên tâm rằng mình sẽ không gặp bất cứ vấn đề gì với đôi giày mới khi xỏ giày vào chân trong ngày race.
2. Tôi quen liếc đồng hồ chạy bộ, liệu nó có ảnh hưởng đến thành tích chạy bộ của tôi không?
Đồng hồ chạy bộ để đo đường chạy và tính tốc độ (pace) thật sự rất hữu ích cho các runner. Tuy vậy, khi tham gia giải chạy, bạn nên...để nó ở nhà vì nhiều lí do. Thứ nhất, đồng hồ chạy bộ có hệ thống định vị toàn cầu (GPS) dù có thể đo lường khá chính xác nhưng chỉ số của nó không hoàn toàn khớp với các cột mốc km trên đường chạy.
Sự chênh lệch này sẽ làm cho đầu óc bạn phải phân tâm suy nghĩ nhiều khi đang thi đấu. Thứ hai, đáng nói hơn, những người chạy bộ đều có thói quen chú ý nhìn vào các con số đang hiển thị trên đồng hồ thay vì tìm cách điều chỉnh tư thế chạy, tốc độ chạy phù hợp để hoàn thành tốt cuộc đua của mình.
>> 5 đồng hồ GPS giá "bình dân" cho người nhập môn chạy bộ
3. Đôi giày nào phù hợp để mang sau khi chạy race xong?
Bạn có thể đi dép có kích cỡ rộng hơn cỡ chân sau khi chạy race. Sau khi chạy, chân thường "nở" ra một chút hoặc bị chày xước (chafing) nên một đôi dép sẽ giúp đôi bàn chân của bạn có không gian để thở, các ngón chân không bị va chạm vào mũi giày, dép.
4. Tôi phải vệ sinh túi đựng nước như thế nào?
Nấm mốc dễ phát triển trong môi trường nóng ẩm. Việc bạn để nước còn thừa trong túi đựng nước (hydration-pack) lâu ngày không vệ sinh chính là một điều kiện thuận lợi để chúng phát triển. Đừng bao giờ để điều đáng buồn ấy xảy ra bằng cách đổ hết nước còn thừa trong bình, rửa sạch, lau khô rồi bảo quản nơi thoáng mát.
Nếu bạn sử dụng bình nước thường xuyên, hãy bảo quản bình nước trong ngăn đá, nhiệt độ trong tủ đá sẽ ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi.
5. Chọn vớ/tất compression như thế nào cho đúng?
Nhà sản xuất luôn cung cấp chi tiết về kích cỡ sản phẩm dựa vào chiều cao, cân nặng, chiều dài ống chân,... Hãy đo lại kích cỡ chân của bạn để chọn ra bộ vớ vừa vặn nhất.
Thông thường, bạn hãy chọn 1 đôi ôm sát ống chân của bạn và dĩ nhiên nó sẽ không làm bạn đau hay khó chịu khi di chuyển.
6. Làm sao tôi có thể mang theo điện thoai trên đường chạy?
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại túi đeo điện thoại dành cho người chạy bộ với nhiều kiểu dáng khác nhau. Túi đựng điện thoại đeo bắp tay, túi đựng điện thoại đeo ở hông có thể kèm bình nước v.v... Tùy mục đích chạy bộ (tập luyện hay chạy race) và điều kiện thời tiết mà bạn chọn sử dụng loại phù hợp.
Chú ý: Nếu chạy bộ ở Sài Gòn hay nơi có tệ nạn cướp giật thì bạn không đeo phía ngoài mà đeo ở tay phía mép đường hoặc sử dụng túi đeo hông để tránh bị cướp giật khi chạy bộ trên đường.
7. Làm thế nào để làm khô giày sau khi chạy trời mưa?
Điều kinh khủng khi bạn chạy vào những ngày mưa là mùi hôi ẩm từ đôi giày chạy. Dẫu vậy, bạn cũng đừng vì thế mà vội vàng ném giày vào máy sấy vì nhiệt độ cao sẽ làm giày biến dạng và hỏng nhanh chóng. Thay vào đó, hãy dùng giấy báo nhét vào phía trong giày (nhớ bỏ lót giày ra ngoài) và ngoài giày để hút ẩm. Khi nào báo bị ẩm hết thì thay lớp báo mới đến khi giày hết ẩm thì thôi.
Nếu giày vẫn còn mùi khó chịu, hãy phơi chúng qua đêm ngoài trời.
>> Những lưu ý khi mua giày chạy bộ dành cho người mới tập chạy
8. Giày chạy bộ phù hợp có giúp tôi khỏi viêm cân gan bàn chân (plantar fasciitis)?
Viêm cân gan bàn chân (Plantar fasciitis) thường gây đau chân như dao đâm vậy. Viêm cân gan bàn chân thường xảy ra phổ biến đối với các runner, nhất là những người chạy bộ tiếp đất bằng gót chân. Đối với những người có tiền sử về chấn thương này, bạn nên chú ý lựa chọn giày chạy bộ có miếng lót êm, có gót cao, độ đàn hồi tốt ở phần liên kết giữa đế giày và gót giày để hỗ trợ tốt cho bàn chân của bạn. Cách khắc phục về lâu dài là bạn cần chỉnh lại tư thế chạy, bàn chân tiếp đất bằng phần giữa hoặc mũi bàn chân.
9. Vì sao đồng hồ chạy bộ (GPS) cho số liệu không chính xác quãng đường tôi chạy?
Đồng hồ GPS hoạt động theo thuật toán đo khoảng cách ước lượng sau một khoảng thời gian nhất định (từ 1 đến 5 giây). Do đó nó không tránh khỏi những sai sót trong cách tính toán. Bạn có thể theo dõi các thông số của đồng hồ chạy bộ để đánh giá quá trình tiến bộ của mình nhưng đừng quá phụ thuộc vào nó. Như đã nói ở trên, bạn có thể để đồng hồ của mình ở nhà để tránh mất tập trung.
>> 3 đồng hồ GPS được runner Việt ưa dùng nhất
10. Có nên thay giày nhẹ hơn khi chạy?
Một số nghiên cứu cho thấy cứ 100g đồ mà mỗi chân phải mang sẽ làm tiêu hao năng lượng của bạn 1%. Hay nói cách khác, bạn sẽ chậm mất 15 giây nếu như bạn định chạy 5km trong 25 phút, hoặc mất gần hai phút rưỡi trong cuộc chạy marathon sub4 (hoàn thành dưới 4 tiếng đồng hồ). Tuy nhiên, đó là lý thuyết. Trên thực tế, việc đệm đàn hồi dù có thể khiến đế giày nặng thêm thì nó vẫn có thể giúp người chạy tiết kiệm năng lượng vào bảo vệ chân khỏi những chấn thương không đáng có. Đừng chọn đôi giày mỏng nhẹ, không có độ đàn hồi hỗ trợ như dòng giày minimal, barefoot nếu như bạn chưa có thời gian luyện tập đầy đủ với chúng.