Cần gì để vô địch Champions League?
Cả 6 nhà vô địch Champions League gần nhất, từ mùa 2010/11 đến hết mùa trước đều có một điểm chung…
…Đó chính xác là việc họ đã kết thúc vòng bảng ở vị trí số 1. Từ Barcelona mùa 2010/11 rồi 2014/15 đến những Chelsea (2012), Bayern (2013), hay Real Madrid các mùa 2013/14 và 2015/16.
Đương nhiên, việc kết thúc ở vị trí số 1 tại vòng bảng phần lớn là những đội hạt giống, các CLB có máu mặt. Nhưng không thể phủ nhận những lợi thế có được khi dẫn đầu vòng bảng, mà điều dễ thấy nhất đó là họ chỉ phải gặp những đội xếp thứ 2 - hầu hết bị đánh giá là yếm thế hơn - khi bốc thăm vòng knock-out.
Thống kê chỉ ra rằng, từ 2010 đến 2016 (hết mùa trước), đã có tới 39 trên tổng số 48 đội xếp thứ 2 ở vòng bảng đã bị loại ngay sau khi bước chân vào vòng 1/8. Con số này tương ứng với tỷ lệ 81%, quá rủi ro cho những đội “á quân vòng bảng”.
Chưa hết, trong 6 năm qua chỉ có duy nhất một đội xếp thứ 2 ở vòng bảng vào tới trận chung kết, đó là Juventus mùa 2014/15, cũng như một trường hợp duy nhất tương tự vào tới bán kết: Real Madrid 2012/13.
Trong khi đó, chỉ có 9 đội dẫn đầu vòng bảng sớm phải dừng cuộc chơi ngay ở vòng 1/8. Và cả 6 nhà vô địch giải gần nhất đều đã dẫn đầu vòng bảng.
Ở đây cần phải nhắc rõ một điều, tại sao cột mốc 2010 lại được chọn? Chính xác thì đó là năm gần nhất một CLB không dẫn đầu vòng bảng đã bước lên bục cao nhất, đấy là trường hợp Inter của HLV Jose Mourinho.
Thực tế, Inter cũng là một tên tuổi lớn của bóng đá Italia và châu Âu. Nhưng cùng với đà suy thoái chung của Serie A, việc Inter đăng quang mùa đó cũng là một bất ngờ, một chiến tích xuất thần, khi trên hành trình vô địch họ đã loại những ứng viên vô địch nặng ký như Chelsea hay Barcelona.
Bayern có 10 điểm/6 trận, kém xa Bordeaux 6 điểm. Còn Inter có 9 điểm/6 trận, ít hơn Barca 2 điểm".
Tuy vậy, kể từ sau chiến thắng của Inter, giai đoạn thống trị của những Super Club - Siêu CLB, đã nhanh chóng được thiết lập lại, ngay từ vòng đấu bảng.
Đó là những Barcelona, Bayern và Real Madrid, những đội đã giành 5/6 chức VĐ gần nhất, luôn xuất hiện ở bán kết và đương nhiên cũng luôn dẫn đầu vòng bảng.
Để so sánh, trong giai đoạn 6 năm trước đó, từ 2003 đến 2009, ở vòng knock-out số lượng các đội xếp thứ 2 vòng bảng bị loại chỉ là 31. Trong khi 17 CLB dẫn đầu vòng bảng cũng đã phải sớm dừng cuộc chơi.
Đó là khi Porto (2004) hay Liverpool (2005) đã đăng quang dù không dẫn đầu vòng bảng. Còn những Deportivo (2004), PSV Einhoven (2005), Villarreal (2006) cũng viết lên những câu chuyện cổ tích ấn tượng khi vào đến bán kết, dù chỉ xếp thứ 2 tại vòng bảng.
Tuy nhiên, 6 mùa giải trở lại đây gần như không còn những hiện tượng như thế nữa. Chelsea đã tạo ra bất ngờ khi đăng quang ở mùa 2011/12, nhưng họ cũng dẫn đầu vòng bảng và đã trải qua nhiều năm ròng được tỷ phú Abramovich bơm đẫy tiền giúp mua sắm ngôi sao.
Rõ ràng, ranh giới giàu nghèo, chất lượng đội hình giữa nhóm “Siêu CLB” với phần còn lại ngày càng được đào khoét rộng hơn. Nó giúp những “Siêu CLB” dễ dàng vơ vét những ngôi sao sáng nhất, sức mạnh ngày một tăng, giúp củng cố vững chắc vị trí dẫn đầu vòng bảng và tiến đến Chung kết, giành Cúp như… lẽ đương nhiên.
Ở đây cũng cần phải nhắc đến cả hệ thống lựa chọn đội hạt giống khá bất cập của UEFA khi bốc thăm vòng bảng. Thay vì lựa chọn hạt giống dựa trên phong độ những mùa gần nhất ở giải, hiện tại quy chế vẫn được áp dụng đó là nhóm hạt giống số 1 gồm đội ĐKVĐ và 7 đội vô địch từ các giải VĐQG có chỉ số điểm cao nhất trên BXH của UEFA.
Điều này tạo ra những nghịch cảnh trớ trêu, ví như Man City bị đẩy vào bảng đấu có Barcelona, Atletico phải ganh đua với Bayern.
Trong khi đó chất lượng của những bảng B (Napoli, Benfica, D. Kiev, Besiktas), bảng G (Leicester, Porto, Brugge, Copenhagen) hay bảng E (Monaco, Tottenham, Leverkusen, CSKA Moscow) lại bị đặt dấu hỏi cả về chất lượng lẫn sự tương xứng.
Có lẽ, nếu nhắc đến bi kịch cho những đội xếp thứ vòng bảng, dù cũng là tên tuổi đáng gờm ở châu Âu, cần phải nói tới Arsenal. Trong 4/6 mùa gần nhất Arsenal bị ném vào bảng đấu có sự hiện diện của Barcelona hoặc Bayern và “Pháo thủ” chỉ toàn về nhì.
Đương nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc Arsenal đã phải nếm trải tỷ lệ rủi ro cực cao: 81% khả năng bị loại ngay từ vòng knock-out.
Năm nay có vẻ dễ thở hơn cho Arsenal, dù họ bị “nhồi” chung bảng với nhà ĐKVĐ Ligue 1, Paris Saint-Germain. Thực tế, “Pháo thủ” đang dẫn đầu bảng với 10 điểm/4 vòng đấu và quan trọng là họ đã hòa 1-1 trên sân PSG ở lượt đi.
Giờ thì thầy trò Arsene Wenger lắm lợi thế rất lớn để kết thúc vòng bảng với vị trí số 1. Và dù chưa biết “Pháo thủ” có thể tiến đến Chung kết và lần đầu tiên trong lịch sử được ẵm Cúp hay không, ít ra họ cũng thấy dễ chịu hơn nhiều so với đồng hương Man City, đội dù vừa hạ gục Barcelona rạng sáng nay thì vẫn phải xếp sau lưng đội bóng xứ Catalan với 3 điểm ít hơn và cơ hội bứt lên giành ngôi đầu BXH là rất thấp.
Arsenal và PSG ở bảng A, Atletico với Bayern ở bảng D đã giành quyền vào vòng knock-out sau loạt trận thứ 4 rạng sáng nay. Nhưng trận chiến khốc liệt giữa 2 cặp đấu này chưa dừng lại, tất cả vì ngôi đầu bảng.
Arsenal hiện có cùng 10 điểm với PSG nhưng chỉ số phụ tốt hơn hẳn: +9 so với +6, và “Pháo thủ” sẽ được đá trận lượt về trên sân nhà. Còn Atletico đang dẫn Bayern 3 điểm nhờ thắng trận đối đầu lượt đi, tuy nhiên, họ lại thua “Hùm xám” chỉ số phụ: +4 so với +8, và đừng quên vẫn còn 90 phút phải đối mặt ở chảo lửa Allianz Arena.
Video Arsenal và PSG bất phân thắng bại ở lượt đi trong cuộc tranh chấp ngôi đầu bảng A
Video Atletico Madrid tạm dẫn Bayern trong cuộc đua tranh vị trí dẫn đầu bảng D