"Màn ảo thuật 146 triệu bảng" và duyên nợ tay ba Liverpool-Coutinho-Barca đến hồi phán xét
...Trở lại những ngày Đông lạnh giá cuối tháng 12/2017, khi HLV Jurgen Klopp liên tục bị tra tấn với những dòng tin chuyển nhượng liên quan đến Coutinho trên các mặt báo và ông thực sự dằn vặt với 3 câu hỏi trong đầu, thứ sẽ dẫn tới quyết định quan trọng nhất với triều đại của ông tại Liverpool.
Đấy là thời điểm Liverpool vừa giành vé vào vòng knock-out C1/Champions League, và CĐV The Kop vẫn còn ngây ngất với hat-trick Coutinho ghi trong trận thắng 7-0 trước Spartak Moscow. Không chỉ tỏa sáng trong sân, mà ngoài sân, ngôi sao người Brazil cũng hút hết ống kính, sự quan tâm của truyền thông, bởi Barcelona đã tìm đến gõ cửa và quan trọng là Coutinho cũng đã ngoảnh đầu hướng về Catalan.
Ở các kỳ chuyển nhượng trước đó, Liverpool đã 3 lần "đuổi khéo" Barcelona cũng như từ chối đề nghị chuyển nhượng từ chính Coutinho. Đội bóng Anh không muốn mất một ngôi sao đẳng cấp như thế. Và Klopp biết rằng bản thân ông, không ai khác có thể giúp đỡ, phải trả lời 3 câu hỏi quan trọng.
Liệu có ý nghĩa khi giữ lại một cầu thủ không còn hạnh phúc cống hiến? Không! Klopp có tin rằng ông vẫn có thể sử dụng Coutinho hiệu quả (khi Salah đã đến và bùng nổ)? Không! Liệu Coutinho có giúp được gì hơn cho Liverool, nếu Barca kiên quyết và gửi tới đề nghị thứ tư? Không!
Rõ ràng Klopp đã tìm thấy câu trả lời và Liverpool biết phải hành động ra sao. Có thể, quyết định ấy không được số đông CĐV tán thành, nhưng hiện tại khó có NHM nào không thấy hài lòng với sự thay đổi tích cực của Liverpool, nhờ việc bán đi Coutinho.
Sự thật, khi Klopp nói rõ rằng ông hài lòng với việc bán đi "ảo thuật gia" - biệt danh NHM đặt cho Coutinho, GĐTT Michael Edwards và Chủ tịch tập đoàn Fenway Sports Group, Mike Gordon cũng đã tạo ra phép màu ảo thuật trên bàn đàm phán.
Barca từng lấy đi những trụ cột của Liverpool. Những Javier Mascherano (20 triệu bảng) hay Luis Suarez (75) còn vươn đến đẳng cấp mới ở Nou Camp và khiến người ta nhìn lại Anfield với khoảng trống mà Liverpool không thể bù đắp. Nhưng điều này không xảy ra với thương vụ Coutinho.
GĐTT Edwards không chỉ vắt kiệt hầu bao Barca với mức phí chuyển nhượng lên tới 146 triệu bảng - vụ chuyển nhượng cao thứ 3 trong lịch sử - mà còn buộc đội bóng TBN phải cõng thêm điều khoản phụ "cắt cổ" mà theo đó Barca phải trả thêm 100 triệu bảng nếu họ mua thêm cầu thủ khác của Liverpool trước mùa Hè 2020.
Như thế, thí dụ, nếu Barca muốn sở hữu trung vệ hay nhất thế giới hiện tại: Virgil van Dijk, người hiện có giá 120 triệu bảng, thì họ sẽ phải trả tới 220 triệu bảng trong Hè này, tương đương số tiền họ thu về khi bán Neymar!
Rõ ràng, bất kỳ cảm giác mất mát, buồn chán, hụt hẫng, hay lo sợ không thể thay thế, với cái tên Coutinho, đã nhanh chóng tan biến khi Liverpool sắp sửa đá trận bán kết Champions League mùa thứ 2 liên tiếp với chính Barca của Coutinho trong khi vẫn còn cơ hội lớn vô địch Ngoại hạng Anh.
Và liều doping giúp Liverpool của Klopp tiếp tục thăng hoa mà không cần "chất ảo thuật" không chỉ đến từ cái tên Van Dijk, mà còn từ những người đồng hương của chính Coutinho, đó là thủ môn Alisson Becker cùng tiền vệ đa năng Fabinho, những người đã gia nhập sân Anfield nhờ "hiệu ứng kinh tế Coutinho".
Van Dijk đến Anfield với phí 75 triệu bảng, biến anh thành trung vệ đắt nhất thế giới, ngay sau khi Liverpool đạt được thỏa thuận bán Coutinho (146) và giờ giá trị ngôi sao người Hà Lan tăng gần gấp đôi.
Alisson tới hồi Hè năm ngoái, với mức phí kỷ lục cho thủ môn, 67 triệu bảng. Thủ môn người Brazil ngay lập tức cân bằng và rất có thể sẽ xô đổ kỷ lục giữ sạch lưới ở giải Ngoại hạng (18 trận) của De Gea, Joe Hart. Và khi chứng kiến Alisson có pha cứu thua quyết định trước Napoli giúp Liverpool vượt qua vòng bảng C1 mùa này, có lẽ, sẽ chỉ khó hiểu nếu nhìn sang con số 72 triệu bảng Chelsea bỏ ra mua thủ môn Kepa.
"Các bà vợ, gia đình chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau và họ (nhà Coutinho) vẫn luôn nhắc lại quãng thời gian hạnh phúc tuyệt vời ở Liverpool. Những gì Coutinho kể lại cũng chính là điều tôi đang chứng kiến và trải nghiệm ở đây, Anfield, Liverpool, tất cả đều tuyệt và ý nghĩa", Alisson chia sẻ.
Có thể ai đó vẫn phân vân, rằng Coutinho đã nghĩ gì khi quyết dứt áo ra đi. Nếu ngôi sao Brazil muốn đi để giành những danh hiệu, giờ ít nhiều anh đã thỏa mãn. Coutinho tỏa sáng ở CK Cúp nhà Vua hồi tháng 5/2018 khi Barca nghiền nát Sevilla 5-0, giành chức VĐ Liga và có thêm Siêu Cúp TBN chỉ sau 8 tháng chia tay màu áo đỏ. Nhưng liệu Camp Nou có phải sân khấu thiên đường cho "nhà ảo thuật"?
"Barca đã là giấc mơ của cậu ấy, ngay khi Liverpool nhận được đề nghị hỏi mua đầu tiên", Klopp hé lộ ở cuộc họp báo trong tour du đấu tại Hong Kong đầu mùa này.
Nhưng từ hiện thực đến như mơ luôn là một trời cách biệt, mà mức phí chuyển nhượng khổng lồ 146 triệu bảng như thứ hào nhoáng tô điểm và cùng với việc trầy trật thích nghi cuộc sống mới, đồng đội và lối chơi mới, có lẽ đang khiến Coutinho vỡ mộng.
Nếu cần điều gì đó để chứng minh điều ấy, hãy nhìn lại siêu phẩm Coutinho ghi vào lưới MU và cách ăn mừng đêm thứ Tư vừa qua.
"Siêu phẩm bàn thắng, ăn mừng xấu xí", tờ Diario Sport bình luận pha lập công của Coutinho và cách anh dùng hai tay bịt lỗ tai với hàm ý đáp trả những lời chỉ trích liên miên.
Tất nhiên, dòng tít ấy cũng bao hàm rằng "nhà ảo thuật" chưa bao giờ chinh phục được trái tim và lý trí NHM xứ Catalan. Chưa bao giờ cả!
Liệu "ác cảm" có biến mất - thay vào đó những vòng tay mở rộng ra chào đón Coutinho nhiều hơn - nếu anh lại lập những siêu phẩm không lẫn vào đâu từ những cú sút xa xoáy hiểm hoặc sút phạt, hay chí ít kỹ năng chuyền bóng sáng tạo nhờ nhãn quan tuyệt vời, và giúp Barca vượt qua Liverpool?
Không ai dám chắc! Nhưng tất cả biết chắc rằng Klopp sẽ có "kế hoạch hoàn hảo" dành tặng cho Coutinho và đặc biệt là Messi. Và nếu nó tính toán chuẩn xác như khi Klopp đi "nước cờ Coutinho" vào tháng 12/2017, Liverpool sẽ thấy rõ hơn cơ hội vô địch Champions League mùa này...