Mối duyên giữa Man City và Pep: Rổ giá cạp lại hay sự kết hợp hoàn hảo?
Một Manchester City nhút nhát
Lần đầu đặt chân tới bán kết Champions League, lại đối đầu với "ông kẹ" Real Madrid nhưng thất bại của Manchester City chỉ là bàn thua đến từ cái chân ngáng ra của Fernando. Sau trận đấu, từ ông thầy Manuel Pellegrini đến học trò Joe Hart đều chưa hết tiếc nuối và cho rằng Real đâu có xứng đáng đi tiếp. Nhưng khi vẫn còn đang tơ tưởng tại trời Âu thì cuối tuần này, trước mắt Man City sẽ là màn chạm trán với Arsenal - trận đấu mà nếu thua thì khả năng mùa tới họ còn không được góp mặt tại sân chơi này nữa chứ chưa nói đến việc đặt tham vọng cao xa hơn. Nghe thì có vẻ khôi hài, nhưng thực tế là Man City gần như đã chấp nhận buông Premier League, điển hình là trận thua 2-4 trước Southampton cuối tuần trước, để dồn toàn lực cho Champions League, giải đấu mà cửa đi tiếp của họ bị đánh giá là hẹp nhất. Và giờ đây, khi đã đánh rơi chài, chưa biết chừng có khi Manchester City sẽ còn để mất luôn cả chì.
Cầm hòa Real 0-0 tại sân nhà Etihad ở trận lượt đi, nói gì thì nói Man City cũng có cơ sở để mà hy vọng sẽ tạo nên được điều bất ngờ trên đất Tây Ban Nha. Chỉ cần tận dụng thành công một tình huống thôi, sân đấu huyền thoại Bernabeu rất có thể đã trở thành địa điểm ghi dấu bước chân lịch sử của Manchester City. Nhưng khó hiểu ở chỗ, 90 phút tại Madrid, đại diện của nước Anh lại không cho thấy họ muốn (hay dám) làm điều đó. Cả trận chỉ có 5 cú sút về phía khung thành của Keylor Navas, trong đó chỉ có một tình huống được coi là nguy hiểm với cú đá chạm cột dọc của Fernandinho. Chân sút số 1, Sergio Aguero tiếp tục đóng vai "bình vôi" khi tự kéo dài quãng thời gian không có lấy một cú sút trúng đích tại cúp châu Âu lên hơn 600 phút dù không phải ra sân một phút nào ở trận đấu cuối tuần. Những sự tăng cường của Raheem Sterling và Kelechi Iheanacho cũng chẳng cho thấy bất cứ nét đổi khác nào trong lối chơi. Man City chỉ thực sự dồn lên và khiến các Madridista cảm thấy có đôi chút hồi hộp khi thời gian trận đấu còn lại chưa đầy 10 phút. Có thể nói, Man City có chơi bóng nhưng họ đã không (dám) chiến đấu. Vậy sự nhút nhát này đến từ chính bản thân các cầu thủ Man City hay từ chiến lược gia người Chile?
Có một cách lý giải, đó là các cầu thủ Man City lo sợ nếu ào lên rất có thể sẽ rơi vào bẫy phản công của Real và dẫn tới vỡ trận. Thận trọng không bao giờ là thừa, nhưng thực tế trên sân lại cho thấy, các cầu thủ khách chơi quá dè dặt và dường như đã dành cho Real sự tôn trọng ở mức "quá đáng", giống như của một anh chàng nhà quê bạc nhược và tự ti lần đầu đối diện một gã trọc phú "hổ báo cáo chồn". Real ở đẳng cấp rất cao, Real rất nguy hiểm, đó là điều ai cũng biết nhưng Man City lại tự tầm thường hóa bản thân mình và để đối thủ dễ dàng quyết định cuộc chơi. Còn với HLV Manuel Pellegrini, trong tư tưởng của ông liệu có phải là suy nghĩ "chỉ" thua với tỷ số 1-0 trước một đội bóng lớn sẽ là cái kết đủ đẹp với đội bóng lần đầu vào bán kết và cả nhiệm kỳ sắp đi đến hồi kết của ông.
Và một Pep Guardiola thất bại
Man City có thể đổ lỗi sự thiếu vắng đội trưởng Vincent Kompany vì chấn thương khi trận đấu chỉ mới trôi qua được 10 phút khiến những toan tính của họ bị phá hỏng. Mùa này, Kompnany thường xuyên phải vắng mặt vì những chấn thương khác nhau và khi đó người ta có thể cảm nhận được hàng thủ Man City mong manh ra sao. Không chỉ những người đá thế anh không khỏa lấp được vai trò mà tuyển thủ Bỉ để lại, cả những nhân tố còn lại trong phòng ngự đều sa sút bất ngờ khi không có một thủ lĩnh như Kompany hiện diện trên sân, có chăng là ngoại trừ thủ thành Joe Hart. Và mùa giải tới, dù có thêm những sự bổ sung chất lượng cao, nhưng nếu tân HLV Pep Guardiola vẫn phải xây dựng hàng thủ với Kompany là trung tâm thì đó cũng là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng dù có tính toán đến phương án thay đổi nào đi chăng nữa, chắc chắn Pep cũng chưa bao giờ tưởng tượng ra viễn cảnh đội bóng do ông dẫn dắt sẽ bắt đầu mùa giải tại Europa League.
Thất bại trước Atletico đã chính thức đặt dấu chấm hết cho chuyện tình 3 năm giữa Pep và Bayern Munich, dù "chương cuối" là Bundesliga và trận chung kết cúp Quốc gia với Dortmund vẫn chưa hoàn thành. Pep đã cùng Bayern thống trị cả nước Đức nhưng việc không thể giúp đội bóng tái lập thành công như mùa 2012/13 dưới thời Jupp Heynckes khiến ông vẫn bị coi là kẻ thất bại. Vì có nói trên trời dưới biển gì đi chăng nữa, điều trước nhất và cuối cùng để đánh giá một Huấn luyện viên có thành công hay không vẫn chính là những kết quả trên sân.
Pep đã thất bại ở ba trận bán kết Champions League liên tiếp và người ta cho rằng ông chẳng còn lý do gì để biện hộ cho thất bại của mình. Nhưng giống như trái bóng tròn, bóng đá là cuộc chơi mà chẳng ai có thể dự đoán trước được điều gì. Chiến thắng và thất bại nhiều khi chỉ được định đoạt bởi một khoảnh khắc mong manh, giống như hai chữ đẳng cấp là thứ mà người ta rất khó để giải thích cho ngọn ngành. Nếu như Thomas Mueller thực hiện thành công cú đá penalty như rất nhiều lần trước đó, kẻ được cười sau cùng chắc gì đã là Atletico và Diego Simeone. Mà trong giải đấu cúp, người ta chỉ vinh danh kẻ giành được vinh quang cuối cùng chứ có bao giờ tung hô những người bị coi là thất bại.
Kết quả nào cho phép cộng giữa Pep và Man City?
Phần đông đều cho rằng, với 2 chức vô địch Champions League trong quãng thời gian gắn bó với Barca, thì theo một nghĩa nào đó, Pep ít ra cũng là sự bảo chứng cho ngôi vô địch. Nhưng đó có phải là lý do mà Man City lựa chọn Pep Guardiola hay không. Vì đến một Barca được mệnh danh là bất khả chiến bại với sức mạnh được ví không gì ngăn cản nổi, cũng không thể vượt qua được lời nguyền dành cho nhà vô địch Champions League.
Bình luận sau trận thua của Bayern trước Atletico, cựu danh thủ Rio Ferdinand đưa ra giả thiết BLĐ Man City sẽ chấp nhận để Pep "gò" đội bóng theo triết lý mà ông vẫn luôn tôn thờ hay Pep sẽ phải "uốn mình" để đạt đến mục tiêu tối thượng đó là Champions League. Nhưng Champions League đâu chỉ là mục tiêu mà riêng Man City nhắm đến và thực tế cũng đã chứng minh, dù có xuất sắc đến mấy nhưng nói vui là nếu không "gặp thời" thì cũng chẳng dám chắc là có thể vô địch châu Âu. Bất kỳ chiến lược gia nào cũng có phong cách huấn luyện mà họ đã định hình và gắn liền tên tuổi của mình với lối chơi đó, và người ta vẫn biết đến Pep là tín đồ của lối chơi kiểm soát bóng, điển hình là tỷ lệ 69,5% thời lượng bóng lăn trong trận đấu với Atletico. Để phục vụ cho lối chơi đó, Pep cũng sẽ sử dụng những con người chưa chắc đã là xuất sắc nhất nhưng phải phù hợp và hiểu lối chơi đó nhất, ví dụ như việc cất Thomas Mueller trên băng ghế dự bị. Nhưng một khi đã bắt tay vào công việc tại một đội bóng cụ thể, Huấn luyện viên nào cũng sẽ bắt buộc phải có những sự điều chỉnh cũng như tự mình thích nghi với đội bóng và đất nước đó. Nên nhớ, để chuẩn bị cho tương lai với Pep, Manchester City cũng đã mang về những nhân tố có thể dễ dàng thích nghi với triết lý của ông cũng như sự xuất hiện của hai người cũ của Barca là GĐĐH Ferran Soriano và Giám đốc thể thao Txiki Begiristain - những người đã từng có thời gian hợp đồng tác chiến rất ăn ý với Pep.
Và chính Pep cũng cho biết, lý do ông gật đầu chọn Man City là vì thấy ưng kế hoạch phát triển của đội bóng trong tương lai. Vì thế, có thể khẳng định, dù rất muốn giành được Champions League nhưng Man City lựa chọn Pep Guardiola không phải vì một sự đảm bảo cho điều đó, mà họ gặp nhau ở điểm cùng muốn tạo nên một đội bóng vô địch.
Mỗi một quyết định, dù có chắc như đinh đóng cột nhưng vẫn có chỗ cho những sai số. Pep Guardiola đã không thể tính đúng những con số với Bayern Munich, nhưng Man City có thể sẽ là nơi khẳng định tài năng của Pep là tuyệt đỉnh thế giới. Pep và Man City, hãy đợi xem họ có phải sinh ra là để dành cho nhau hay không?