6 lỗi thường gặp ở người chạy giải marathon lần đầu tiên

thứ năm 17-11-2016 10:43:33 +07:00 0 bình luận
Những người lần đầu chạy giải marathon đều bỡ ngỡ, mắc lỗi đáng tiếc khi chưa có kinh nghiệm. Nếu tránh được các lỗi này, bạn sẽ có được giải chạy marathon như ý.

Những người lần đầu chạy giải marathon đều bỡ ngỡ, mắc lỗi đáng tiếc khi chưa có kinh nghiệm. Nếu tránh được các lỗi này, bạn sẽ có được giải chạy marathon như ý. Giải chạy marathon lần đầu tiên trong đời của bạn để thành công, đạt kết quả cao phụ thuộc nhiều yếu tố: kế hoạch tập luyện, quá trình chuẩn bị tâm lý, dinh dưỡng, trang phục v.v...

Dưới đây là những sai lầm thường gặp ở các VĐV lần đầu tham gia chạy race marathon:

Coi nhẹ chuyện taper trước ngày chạy giải

Trong các kế hoạch tập luyện cho marathon, buổi chạy dài nhất (30km) với tốc độ mô phỏng tốc độ race thường được bố trí cách ngày race khoảng 1 tháng. Sau đó là khoảng thời gian để hồi phục.  

Taper là giai đoạn giảm khối lượng tập luyện trước ngày diễn ra giải chạy, thường từ 1 đến 3 tuần trước race.

Nhiều người coi nhẹ chuyện taper, vẫn tranh thủ tập nặng đến tuần cuối trước khi race. Tâm lý chung của những người mới chuẩn bị chạy race lần đầu là tập bao nhiêu vẫn cảm thấy chưa đủ và phải duy trì chạy dài đến sát ngày race mới yên tâm. Hậu quả là họ không có đủ thời gian cần thiết để hồi phục. Cơ thể mệt mỏi, thậm chí chấn thương “trở tay không kịp”, khiến kết quả chạy không được như ý.

Khối lượng tập luyện cần giảm dần trong 1 tháng trước race ở mức khoảng từ 80% xuống 40% để cơ thể bạn được sung sức trước khi bước vào chinh phục marathon.


Chú ý uống nước, điện giải tại các trạm tiếp nước và bổ năng lượng thường xuyên (gel, chuối). Ảnh: LDR Half Marathon

Quên tiếp nước, nạp năng lượng trong race

Không khí sôi nổi trong lúc chạy dễ khiến những người lần đầu tham gia cảm thấy hưng phấn, không để ý đến nhu cầu của cơ thể. Hãy tiếp nước, nước điện giải đầy đủ tại các trạm tiếp nước (thường mỗi trạm tiếp nước cách nhau từ 2,5km đến 3km) và nạp gel năng lượng cứ sau mỗi 1 giờ. Bạn không nên nhịn đói, nhịn khát quá lâu. Cơ thể có thể “sập nguồn” bất kỳ lúc nào đến mức không thể cứu vãn nổi.

Những VĐV giàu kinh nghiệm cũng không phải là ngoại lệ. Tại giải chạy Vietnam Mountain Marathon, một VĐV giàu kinh nghiệm đã đột ngột kiệt sức đến mức không thể chạy tiếp, đành bỏ cuộc vì quên cắn gel đúng “bữa” (mỗi gói gel 20ml thường bắt đầu phát huy tác dụng 15 phút sau khi ăn và kéo dài trong vòng 45 phút).

Bung sức quá sớm

Nhiều người thường rơi vào trạng thái hưng phấn quá đà ngay từ khi cuộc đua xuất phát. Không chỉ người chạy race lần đầu mà những người chạy race đến lần thứ 2 cũng vẫn có thể mắc phải. Tiếng nhạc rộn ràng, tiếng hò hét huyên náo từ hàng nghìn VĐV xung quanh tạo nên bầu không khí rất phấn khích. Họ bị cuốn theo các VĐV chuyên nghiệp đẳng cấp cao hoặc VĐV đã có rất nhiều kinh nghiệm với tốc độ chạy cao so với tốc độ race như dự định.

 


Không chạy theo các VĐV khác với vận tốc quá nhanh so với vận tốc dự định nếu không muốn kiệt sức sớm. Ảnh: LDR

 

Do “đốt cháy” năng lượng quá sớm nên họ nhanh chóng bị hụt hơi sau khi được nửa đường, thậm chí bị chuột rút và phần nào ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu. Khi chạy race marathon, bạn nên kiên định với tốc độ (pace) như kế hoạch ngay từ đầu để có thể đi hết chặng đường dài phía trước trong khoảng thời gian dự tính.

Trong 1-2km đầu, bạn có thể chạy chậm hơn so với tốc độ dự định một chút bởi bạn vẫn còn hàng chục km tiếp theo để cải thiện thời gian. Nên nhớ, đây là cuộc chạy thi marathon chứ không phải thi chạy 5km.

Thử đồ mới trong ngày race

Không ít VĐV có tâm lý muốn diện đồ mới, đẹp hay dùng gel năng lượng (của BTC cung cấp) trong ngày race mà chưa từng dùng thử trong luyện tập. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả tai hại.

Bạn cần tìm hiểu xem BTC sẽ cung cấp nước, nước điện giải, gel của thương hiệu nào dành cho VĐV chạy giải. Nếu có điều kiện, bạn nên mua dùng thử những sản phẩm ấy trong các buổi tập để làm quen trước khi bước vào race. Tại giải Ironman Langkawi 2016, VĐV Trần Đình Minh Anh cũng đã gặp vấn đề về đường tiêu hóa sau khi ăn và uống đồ tiếp tế của BTC do nước và đồ năng lượng của Minh Anh chuẩn bị không kỹ.

Ngoài ra, việc sử dụng giày, quần, áo mới trong ngày race đối với người lần đầu chạy race cũng cần hạn chế bởi nó có thể gây ra hiện tượng chafing (da trầy xước).

Đến điểm tập trung sát giờ chạy

Cho dù bạn ở khách sạn gần điểm xuất phát thì bạn cũng không nên ra sát giờ. Hãy đến điểm tập trung sớm từ 45 phút đến 1 giờ hoặc hơn thế. Bạn có nhiều thời gian để gửi đồ, kiểm tra lại các thông tin cập nhật từ BTC, chuẩn bị trang phục và đồ dinh dưỡng, khởi động làm nóng cơ thể.

 


Một trong những điều các VĐV phải làm trước khi chạy là tìm nhà vệ sinh công cộng. Ảnh: Linh Lê

Một việc quan trọng mà bạn cần nhớ là hãy đi vệ sinh lần cuối trước khi chạy. Đây là chuyện cần làm nếu bạn không muốn gặp tình huống dở khóc dở cười trên đường chạy. Không dễ để bạn tìm được một nhà vệ sinh công cộng trên đường. Ngoài ra, đến sớm giúp bạn có thêm thời gian để trò chuyện, giao lưu với những người yêu chạy bộ rất thú vị như bạn.

Không chuẩn bị trước kịch bản về đích

“Đau đớn chỉ là tạm thời, post Facebook là mãi mãi”. Nếu bạn sống không thể thiếu Facebook thì chắc chắn bạn phải có những tấm ảnh để đời ghi lại cột mốc quan trọng trong cuộc đời của bạn ở lần đầu chạy thi marathon để khoe với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.


Hãy chuẩn bị trước kịch bản để tận hưởng và lưu lại khoảnh khắc đẹp khi về đích. Ảnh: Halong Bay Heritage Marathon

Bạn nên dành chút thời gian hình dung ra “kịch bản” hoành tráng khi về đích, vẫy tay chào khán giả 2 bên, nở nụ cười tỏa sáng tại vạch đích trước các ống kính, máy quay. Bạn xứng đáng được tung hô sau quãng thời gian tập luyện, chuẩn bị và nỗ lực hết mình suốt quá trình chạy 42km.

Để có bức ảnh đẹp, bạn nhớ để ý xem có ai chạy phía trước che mặt khỏi các ống kính không. Hãy chạy chậm lại một chút hoặc chạy né sang làn bên cạnh nếu đường rộng để một mình một đường về đích. Khoảnh khắc vinh quang tại đích sẽ là của riêng bạn.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội