9 lời khuyên để chạy địa hình an toàn

chủ nhật 12-6-2016 19:08:31 +07:00 0 bình luận
Chạy địa hình (chạy trail) luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ mà ngay cả những runner kinh nghiệm cũng không lường hết. Để chạy trail an toàn, bạn hãy tham khảo 9 lời khuyên sau.

Chạy địa hình (trail) đem lại nhiều trải nghiệm thú vị khác biệt so với chạy road khi con người vừa chạy vừa được hòa mình cùng với thiên nhiên. Tuy nhiên, chạy địa hình luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ mà ngay cả những runner có kinh nghiệm cũng không thể lường hết được. Để có một buổi chạy trail an toàn, bạn hãy tham khảo những lời khuyên sau:

1. Tìm hiểu đường chạy

Cho dù bạn đi theo người có kinh nghiệm rất rành địa điểm mà bạn sẽ chạy nhưng bạn cũng nên chủ động tự tìm hiểu qua thông tin địa hình nơi đó như thế nào. Độ cao (elevation) đến đâu? Đường có dốc, suối nhiều hay ít? Có gần khu dân cư hay không? Giữa cung đường có chỗ nào có thể lấy thêm đồ tiếp tế không? Bạn càng tìm hiểu chi tiết thì độ rủi ro gặp phải càng thấp, buổi chạy sẽ càng vui trọn vẹn. Nếu là đường chạy lạ, bạn hãy ghi nhớ thông tin bản đồ, (kèm ảnh chụp nếu được) điểm xuất phát ban đầu thuộc địa phận, xã nào hoặc tên địa danh mà người bản địa biết phòng khi cần hỏi đường quay trở lại nơi xuất phát.

Tìm hiểu trước đường chạy rất quan trọng để chuẩn bị thể lực cũng như đồ mang theo (Ảnh: Bình Dương/LDR)

2. Xem thông tin dự báo thời tiết

Xem dự báo thời tiết là một việc cần phải làm để có buổi chạy trail thành công. Nếu thời tiết mưa bạn phải chuẩn bị áo mưa hay áo khoác mỏng nhẹ chống thấm nước để tránh cảm lạnh. Ngoài ra, bạn cần trang bị đôi giày phù hợp để chạy trong điều kiện mưa ướt, đường bùn lầy. Ngược lại, nếu trời nắng bạn cần trang bị kem chống nắng, kính bảo vệ mắt, mũ che đầu, bọc kín chân tay tránh nắng, chọn lựa đôi giày phù hợp với đường khô ráo.

Top 12 đôi giày thể thao mới nhất tháng 9/2018

3. Nói cho người khác biết

Khi lên kế hoạch, bạn nên nói với người thân, bạn bè của bạn biết rằng bạn sắp tới sẽ đi tới địa điểm nào để chạy và để lại thông tin để người khác dễ tra cứu. Mọi chuyện đều có thể xảy ra, không ai nói trước được điều gì. Người thân, bạn bè của bạn cần biết bạn sẽ chạy ở khu vực nào phòng khi bạn cần sự trợ giúp. 

Đường có thể sạt lở, biến dạng chỉ sau một đêm do thời tiết hoặc do con người (Ảnh: LDR)

4. Hạn chế chạy một mình

Chạy địa hình có nhiều rủi ro và càng rủi ro hơn khi bạn chạy một mình. Bạn rất khó để tự xoay sở được hết nếu bạn chẳng may bị chấn thương hay bị rắn cắn chẳng hạn. Trong một ngày xấu trời, thiết bị GPS có thể trục trặc khiến bạn mất phương hướng, lạc đường. Người bạn đồng hành sẽ cùng với bạn, hỗ trợ bạn vượt qua những tình huống khó khăn, nguy cấp: địa hình hiểm trở, đường sạt lở, sơ cứu y tế khi bị chấn thương, nước/đồ ăn dự trữ hết v.v...

Bạn đồng hành sẽ giúp bạn có chuyến đi an toàn và vui vẻ hơn (Ảnh: Thanh Phong)

5. Tập trung tối đa

Bạn sẽ trả giá đắt nếu chểnh mảng, mất tập trung khi đổ dốc hay mải ngắm cảnh ven đường mà quên đi mục tiêu phía trước. Chạy trail đòi hỏi bạn phải tập trung tinh thần tối đa 100% (hãy thả hồn thư giãn ngắm cảnh khi dừng nghỉ hay chạy ở những nơi đường bằng phẳng đơn giản). Chỉ cần một vũng nước đục, một đám cỏ rậm, một hòn đá chênh vênh cũng có thể khiến bạn chấn thương nếu bạn không chú ý. Bạn hãy luôn luôn đảo mắt quan sát tầm xa, tầm gần phía trước mặt. Cái nhìn bao quát xung quanh sẽ giúp bạn đưa ra quyết định xử lý sớm nên chạy như thế nào. Đừng cố bước dài quá, hãy bước 3 bước ngắn thay vì 2 bước dài để giữ thăng bằng và an toàn.

Hạn chế chạy một mình để tránh nhiều rủi ro: chấn thương, lạc đường, động vật tấn công... (Ảnh: Thanh Phong)

6. Mang nước và đồ ăn dự trữ

Nước và đồ ăn là đồ thiết yếu mà bạn cần phải lưu tâm. Tùy cung đường chạy ngắn hay dài, nhiệt độ thấp hay nắng nóng mà bạn chuẩn bị lượng nước, đồ ăn cho phù hợp. Bạn có thể mang vừa đủ để dùng cho đến gần trạm tiếp tế gần nhất. Bạn nên mang thêm nước điện giải, các thanh năng lượng energy bar nhỏ gọn, dễ hấp thụ để bù phần năng lượng tiêu hao. Hãy cân nhắc thật kỹ bởi bạn mang nặng có thể mệt một chút nhưng nếu bạn đói và khát thì rất khó để nghĩ đến chuyện chạy xa khi khu dân cư không ở gần.

7. Quên các kỉ lục cá nhân đi. Hãy chậm và chắc

Khi chạy đường road, bạn có thể chạy rất nhanh trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, bạn chạy nhanh đường road không có nghĩa bạn cũng sẽ chạy nhanh ở đường trail. Chạy địa hình đòi hỏi nhóm cơ rất đa dạng khác (cơ đùi, bắp sau, hông, thân trên v.v…) Hãy quên những thành tích bạn đã có khi chạy đường road đi. Nếu bạn chạy trail chưa nhiều, hãy chủ động chạy chậm và chắc. Nếu phải leo dốc, bạn hãy đi bộ để tiết kiệm sức. Không ai cười bạn vì bạn chạy chậm và cẩn thận cả. Bạn cần phải biết lượng sức mình để phân bố sức hợp lý cho đoạn đường dài bạn định chạy. Theo Scott Jurek, một runner chạy trail nổi tiếng thế giới, người không chạy trail thường xuyên nên đặt tốc độ mục tiêu vừa phải khoảng 4 dặm/giờ (tương đương 6,4km/h). 

Gặp dốc hãy đi bộ để tiết kiệm sức trước khi có thể chạy trở lại (Ảnh: Thanh Phong)

8. Hãy để headphone ở nhà

Bạn là tín đồ của đồ hightech và quen với việc nghe nhạc khi chạy bộ? Hãy tập làm quen với việc để tai nghe ở nhà. Khi nghe nhạc bằng tai nghe, khả năng bạn nghe những tiếng động xung quanh cũng như khả năng tập trung hạn chế. Khi bạn mệt, các giác quan không còn linh hoạt như ban đầu thì bạn càng cần phải nghe ngóng, quan sát xung quanh. Động vật lạ, cây đổ, người lạ...đều có thể đe dọa sự an toàn của bạn trên đường chạy. Tại sao bạn phải nghe headphone trong khi thiên nhiên có sẵn nhiều âm thanh rất thú vị?

9. Nhất thiết mang theo điện thoại 

Khi gặp sự cố, bạn chắc chắn phải cần liên lạc, gọi điện thoại để nhờ sự trợ giúp. Ngoài số điện thoại của bạn bè, người thân, bạn hãy lưu số điện thoại của những người rành khu vực bạn đang chạy (vd: cơ quan, công an chính quyền địa phương, dân bản địa...). Ngoài ra, bạn ghi lại những số điện thoại trong trường hợp khẩn cấp (thành viên đi cùng trong đoàn) để ở nhà để mọi người nếu không gọi được cho bạn được thì vẫn tìm cách khác để liên lạc. Nhớ kiểm tra pin điện thoại (nên có sạc dự phòng), đồng thời tìm hiểu xem tín hiệu điện thoại ở khu vực bạn sẽ chạy của nhà mạng nào mạnh nhất.

Hãy mang điện thoại (lưu bản đồ và thông tin cần thiết) để liên lạc trong trường hợp khẩn cấp (Ảnh: Thanh Phong)
Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội