Boston Marathon 2018 và Trang Hạ: Thời tiết không giết được tôi
Đã có ai nhìn thấy một người phụ nữ gần như trần trụi, nhưng cổ khoác medal Boston Marathon sau 5h25 phút chạy đua với lạnh mưa, rét buốt, gió ngược chưa?
Trước khi tham dự Boston Marathon 2018, thành tích tốt nhất của tôi là chạy half marathon với pace 6:58 (tốc độ 6 phút 58 giây/1km) trong tháng 3 vừa rồi. Trước đó, các giải marathon cự ly 42km tôi tham dự có thành tích lần lượt là 6h33 và 6h50 (cut off 7h).
>> Việt Nam có phụ nữ đầu tiên hoàn thành marathon Bắc Cực
>> Trang Hạ: VĐV nữ Việt Nam đầu tiên hoàn thành Boston Marathon
Được biết Boston Marathon 2018 có thời gian cut-off (thời gian tối đa cho phép) là 5h30. Để cải thiện thành tích vượt bậc, nhanh hơn hẳn 1 tiếng khi chạy marathon là điều rất khó. Giờ này hôm qua tôi nghĩ chắc phần nhiều là nhờ... "ông Giời". Tuy nhiên "ông Giời" ở Boston chỉ nói tiếng Anh-Mỹ, không nói tiếng Việt, nên ông ấy không có nhu cầu chiều lòng tôi: 10 ngày trước race nhiệt độ cực lạnh 2 độ C, không thể đi ra khỏi nhà dù chỉ để đi uống cà phê.
Ba ngày trước race trời nắng 18 độ, ôi thôi đi lấy bib mà lòng tôi như mở hội!
Một ngày trước race âm 1 độ, tuyết rơi lả tả, đến đêm qua thì mưa to bão bùng, gió quật mạnh tới mức, sáng nay tôi chỉ chạy từ ô tô vào lều mà bị gió quật ngã suýt sấp mặt vào cửa lều.
Cứ tưởng chạy 2 độ là đáng sợ, hóa ra mưa rào lạnh buốt của 2 độ mới là thử thách kinh hoàng. Nhưng sáng nay lúc ra điểm tập kết cạnh hông nhà thờ Trinity Church, tôi thấy gió mới là Kẻ hủy diệt của Boston Marathon năm nay.
Với thời tiết này, không thể nào đạt nổi kết quả 5h30 về đích, nên tôi nghĩ 99% cái huy chương Boston Marathon đã rời xa! Thôi thì, bản thân chạy đã là một trải nghiệm đẹp đẽ.
Trước race 2 ngày, tôi tham khảo ý kiến của mọi người đã chạy trước tôi. Tôi dự định mặc đủ các lớp áo (layer) mỏng để giữ ấm, mang áo mưa theo, mũ len và găng tay da ấm áp. Quyết định chỉ mặc 1 quần mỏng cho dễ chạy, không mang nước. Mang 3 túi Gel và 1 máy quay Gopro để ghi nhật ký race.
Thật bất ngờ là đêm trước ngày chạy, khi đeo bib (số báo danh của VĐV), tôi phát hiện có một tờ giấy gắn vào đằng sau bib. Trong đó ghi rõ: bib của tôi là bib VIP, vì thế tôi sẽ có chế độ đãi ngộ riêng, tình nguyện viên riêng, phiên dịch tiếng Việt tại lều y tế VIP, được đi chuyển sớm, được chăm sóc ăn uống tốt nhất, có toilet riêng, có đợt chạy riêng. Wave (lượt chạy xuất phát) của tôi là 4, đợt chạy cuối, tức là tôi xuất phát lúc 11h15 cùng cả vạn vận động viên khác. Nhưng vì là VIP, tôi sẽ có đợt xuất phát riêng lúc 10h45 không nằm trong thông báo của BTC.
Quả thật trong lúc chờ xuất phát tại Làng vận động viên, khoảng 200 vận động viên có bib VIP đã được ưu ái vào Nhà thể dục của Trường trung học Hopkinton, ấm áp, đầy đủ bánh mì đen, bánh mì hạt óc chó và hạt chia, sữa, mứt, cà phê nóng, Gel uống, chuối, nước trái cây, nước điện giải miễn phí và vô cùng nhiều. Nhiều người tranh thủ gối đầu lên giầy ngủ! Tôi có thời gian thảnh thơi khởi động kỹ, kiểm tra trang phục, quyết định chỉ mang theo 2 gói Gel trái cây mua tại Expo giá 1,5 USD/gói hôm nọ. Quần áo ấm tôi sẽ cởi ra bỏ lại để tặng từ thiện. Tôi chỉ mang đi 4 áo chạy bao gồm 2 áo dài tay và 2 áo ba lỗ, giữ ấm cơ thể mà vẫn năng động.
Trong lúc đó hàng vạn vận động viên khác sẽ đứng trong các lều trong công viên Quốc gia Hopkinton, dưới nền cỏ ngập nước, mỗi đợt gió quất mang mưa cực to khiến mọi người ướt hết giầy. Đó cũng là lý do, khi nhóm chúng tôi xuất phát, các vận động viên thường đã ào lên tranh chỗ và chạy luôn không chờ đợi. Kết quả, tôi bị đẩy chậm 5 phút và thiệt luôn 5 phút theo giờ của Ban tổ chức!
Đã nói: ông Giời ở Mỹ nói tiếng Mỹ, tất nhiên, mà tôi bập bẹ tiếng này! Vì thế sau may mắn 15km đầu tiên ít gió, mưa phùn, chạy giầy ướt hoàn toàn vẫn nhanh vì đang phấn khởi, thì nghịch cảnh đã tới:
Từ km 15-19, gió mưa tơi bời, lạnh buốt thấu xương, đôi tay không có cảm giác, từ đùi xuống cũng vậy. Cứ mỗi đợt mưa to gió ngược, tôi phải đi bộ vài trăm mét. Cảm giác có hàng vạn người vượt qua thật không dễ dàng gì. Chỉ biết tự trách mình tập luyện ít, 3 tuần nay không tập core và các bài tập bổ trợ Cross training, trách mình không chịu ra ngoài trời lạnh 2 độ tập chạy cho quen đi… Có những quãng quá buồn ngủ (thực ra đây là phản xạ của tình trạng cơ thể quá rét, mất nhiệt, mệt mỏi) tôi gần như ngủ gật trong lúc chạy, chỉ thấy lờ mờ mình vẫn đang chạy theo quán tính! Tay chân tê buốt không có cảm giác gì nữa. Nước mưa đọng trong mũ len thành một thứ nặng và lạnh trên đầu!
Cũng may đường đua đóng hoàn toàn, 2 bên đường nếu không có hàng rào và dây chắn, thì những ngã rẽ cắt ngang luôn có cảnh sát, có ô tô đậu chắn toàn bộ lối. Chạy an toàn tới mức, có thể vừa lịm đi trong cơn rét buốt vừa chạy, vẫn được pace 6:20!
Từ km 21 trở đi, mưa còn to hơn, kèm theo dốc. Cứ lên dốc là tôi đi bộ. Nhưng sau đó tôi không dám đi bộ nữa vì: Người Boston cổ vũ quá nhiệt tình. Cứ vài trăm mét lại một nhóm gia đình cổ vũ, những em bé ra la lớn, cầm biển hiệu. Những người lớn nhắc đi nhắc lại hàng vạn lần những câu “You got it!” (Tạm dịch: Bạn làm đúng rồi!) suốt 4-5 tiếng không mỏi. Những đồ vật có thể hoạt náo trong nhà mang ra, nhà ai có gì mang hết ra đó mời: trái cây, bánh quy, giấy lau mặt, nước uống. Có một người mang một cái hòm ra và ôm biển: “Ở đây có tất khô, miễn phí!”. Hàng ngàn gia đình bên đường dùng mọi cách để cổ vũ!
Tôi không dám đi bộ chỉ vì nghĩ: Người Mỹ đang cổ vũ những vận động viên chạy bộ, chứ họ không dành lời cổ vũ cho những kẻ đi bộ!
Ở km thứ 23 tôi được ăn một miếng cam vàng. Ngọt chua và ngon tới mức, từ lúc đó tới khi kết thúc, tôi chỉ đi tìm xem gia đình nào mời cam! Chả còn nữa, mấy vạn người chạy trước tôi đã ăn hết, nền đường đầy rác, áo mưa, những quần áo thể thao đắt tiền nhưng bị vứt lại, có cả máy quay cá nhân, còn vỏ trái cây và cốc nước thì vứt vô kể!
Tôi cứ chạy trong cơn thèm ăn cam. Giầy tất là đôi ủng sũng nước kể từ mấy trăm mét đầu tiên. Những vận động viên khiếm thị cũng đã bỏ tôi lại sau. Mỗi vận động viên khiếm thị có 1 người dắt với biển sau lưng là Pacer, kèm một người hộ tống luôn chạy sau hoặc sang bên để ngăn các VĐV va chạm với người khiếm thị.
Có người chạy mặc áo cầu chúc cho tên một người đã khuất! Có người chạy ghi lên các bắp chân tên của các con mình. Tôi có một race hoàn hảo: được ngắm lưng hàng vạn người, được thấy mông cũng hàng vạn người, chỉ vì tôi toàn bị người khác vượt qua!
Chạy tới km 14 tôi ăn gói Gel vị dâu rừng, ngon ê cả răng. Tới km 25 tôi ăn gói Gel thứ hai, chả biết vị gì nữa vì đầu óc và vị giác tê liệt, ngón tay lóng ngóng không làm gì được! Ban tổ chức hào phóng dọc đường đi, phát miễn phí hàng vạn gói Gel và đồ uống, cứ 1,5 km lại có một trạm tiếp nước với khoảng 50 tình nguyện viên đứng 2 bên đường phát đồ. Tôi không dám thử thứ gì vì toàn đồ lạ, bản thân mình chưa ăn bao giờ!
Ở Học viên Leylester rất thảm: các cô xinh chui hết vào trong áo lạnh bít bùng, có một số cô châu Á còn mặc đồ bít bùng hơn, không nhìn thấy ai hôn ai, dù các tấm biển vẫn nóng bỏng như thế: Hôn em đi, hôn vì em sắp thành tiến sĩ! Cuối đường mới tệ: Một cậu chíp hôi trèo lên vắt vẻo trên hàng rào và cũng trưng biển: Hôn anh đi, anh bây giờ là người mới ở đây! Trời!!! Tôi chạy nhanh hơn khi nhìn thấy cảnh ấy!
Trái cam quen thuộc thì chả kiếm ra, táo cũng được, tôi thèm một quả táo. Có người tiếp chuối ven đường thì tôi bị cướp mất. Cứ 15 phút trời lại đổ một cơn mưa to hơn. Km thứ 32-33 tôi gặp con dốc HeartBreak Hill. Người dân ở chân dốc trưng ra biển: “Hãy xơi bữa sáng của bạn với các con dốc này đi!”
Vốn đã dò đường trước nên tôi chả sợ. Thế nhưng dốc dài 500 mét thì cơn mưa to và gió ngược đúng cả 500 mét đó. Trời ngớt mưa, vuốt mặt, tôi nhìn thấy bên đường có một chàng đẹp trai đeo biển: “Đừng lo, HeartBreak Hill đã sau lưng bạn!”
Và thế là đường bắt đầu xuôi xuống, nhưng hai bắp chân đã cứng lại vì rét, đi ngày càng chậm, chạy chậm, mỗi trăm mét đường lại có cảm giác, ta nên nhìn đồng hồ xem còn bao đường đất? Những người xung quanh vẫn chạy gằn, nhiều người đã trút bỏ đồ chống mưa. Chính vì thế tôi đã mắc sai lầm mang tính chiến lược, dẫn tới phải trả giá:
Km số 36, vì tính là đi vào Boston rồi không sợ mưa gió nữa, nên tôi vứt bỏ mũ len và áo mưa, tay bo với khí hậu. Chả cần chờ lâu, chỉ khoảng 2 phút sau, một trận mưa to gió lớn chưa từng có xáp tới, nước trên mặt tôi vuốt không kịp, còn nước trong đôi giầy thì cứ gọi là, đây là race lính chạy bộ đánh trận đường thủy!
Mười phút sau, cơn mưa còn to hơn, lạnh thấu xương, toàn bộ người tôi ướt sũng và rét như đang ôm cây nước đá. Tôi nghĩ, thôi toi rồi, tốc độ này phải 1 tiếng nữa mới lết về đích. Đã có ai sống sót sau 1 tiếng ôm cây nước đá chưa? Thật may tôi phát hiện ra, chạy đánh chân thật cao về phía sau là đỡ hẳn đau bắp chân, nhất là đánh chân cao gần chạm mông! Thế là tôi bèn chạy, nước văng tứ tung ra sau. Tấm biển hiện ra: 25 dặm!
Sẽ làm gì để lết thêm 1,2 dặm nữa?
Tôi nghĩ tới tấm medal. Dừng lại bên đường hỏi giờ, người bên đường trả lời xong, tôi nhẩm tính, tôi đã chạy 40km với thời gian cực kỳ tốt, hơn tôi tưởng tượng và trong điều kiện thời tiết khốc liệt này: tôi còn 30 phút để chạy!
Vào thành phố đoàn người đã thưa ra. Vì họ có khi giờ này đã nhận được medal. Tôi lạnh cực điểm và cứ chạy 100 mét lại đi bộ 200 mét. Cảnh sát dày đặc hai bên đường để ngăn nguy cơ khủng bố. Đường chạy rẽ vào lối sắp tới đích, trời ạ, một biển áo mưa mũ mão vứt lại! Mọi người về gần đích mới vứt đồ. Chỉ có tôi lạnh ướt và nghĩ tới các con! Với một người mẹ chạy bộ, thì sau này khi nào các con lớn lên, các con sẽ yêu mẹ theo một cách sâu sắc hơn!
Về đích, người đón tôi là một bác sĩ cao lớn. Đó là người đứng ngay vạch đích và quan sát tất cả sắc mặt mọi người về đích. Khi thấy tôi loạng choạng, ông tới ngay xốc nách và dìu đi, rồi giao tôi cho tình nguyện viên đẩy vào khu Y tế cạnh đích. Mọi người cho tôi lên xe lăn, đẩy về giường xếp, chẩn đoán qua tình trạng rồi hò nhau 5 người lột hết các lớp áo của tôi ra, sau đó lắp đầu phun hơi nóng và chăn hơi đắp lên toàn bộ người tôi, những khoảng trống thì bọc giấy bạc. Cứ 5 phút có bác sĩ tới đo huyết áp, nhiệt độ 1 lần.
Khi về đích, thân nhiệt của tôi là 33,7 độ, các bác sĩ ủ ấm 40 phút, cho uống 2 cốc nước nóng, tôi dần tỉnh táo trở lại, và hết cơn buồn ngủ.
Tôi ra khỏi lều y tế với một tấm giấy bạc bó chặt quanh người thay áo quần, và 1 tấm giấy bạc quàng kín người như chiếc khăn lớn. Quần áo ướt trong túi. Và trong túi kia, chiếc Medal Boston Marathon khiến bao runner mơ ước!
Đã có ai nhìn thấy một người phụ nữ gần như trần trụi, nhưng cổ khoác medal Boston Marathon sau 5h25 phút chạy đua với lạnh mưa, rét buốt, gió ngược chưa?
Trang phục đẹp đẽ nhất của một runner chính là chiếc medal. Cuộc đua càng khốc liệt, tấm áo ấy càng đẹp!