Chạy bộ kết hợp hiến máu nhân đạo
Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết thiếu khoảng 13.000 đơn vị máu dùng để điều trị cho bệnh nhân trước, trong và sau Tết. Thông tin này nhanh chóng được những người yêu chạy bộ quan tâm và lên kế hoạch ủng hộ.
Anh Phạm Duy Cường, người sáng lập và quản trị nhóm chạy mang tên Cộng Đồng Chạy Bộ (R4S) với hơn 32.000 thành viên, đã tạo một sự kiện chạy bộ kết hợp hiến máu nhân đạo vào chủ nhật 28/2/2021 tới đây tại Hà Nội.
Anh Cường cho biết lịch trình của sự kiện sẽ diễn ra từ 6 giờ sáng và bắt đầu từ khu vực đài phun nước hồ Gươm. Các thành viên tham gia sẽ chạy 4 vòng hồ (khoảng 7km), sau đó sẽ hiến máu ngay tại khu vực hồ Gươm. Những người tham gia sự kiện sẽ được tặng một kỷ niệm chương do nhóm thiết kế.
“Hiến máu nhân đạo là một việc tốt và người hiến máu nhân đạo là người tốt. Khi biết sự kiện của nhóm khởi tạo nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của rất đông thành viên, bên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết sẽ điều xe lưu động ra hồ Gươm để việc hiến máu diễn ra nhanh chóng và thuận lợi...” - anh Phạm Duy Cường cho biết.
Một số địa điểm tiếp nhận hiến máu nhân đạo tại Hà Nội:
1. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương: tại tầng 2, Khoa Tiếp nhận máu (phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy), từ 8h đến 20h tất cả các ngày (kể cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ).
*** Các địa điểm dưới đây: từ 8h-12h và 13h30-17h tất cả các ngày (từ nay đến 7/3/2021). Vui lòng đến trước giờ kết thúc 45 phút để đăng ký và kiểm tra sức khỏe trước hiến máu.
2. Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm: 26 Lương Ngọc Quyến, Hoàn Kiếm.
3. Trạm Y tế phường Nhân Chính: 132 Quan Nhân, Thanh Xuân.
4. Phòng khám đa khoa số 2 - Trung tâm Y tế quận Đống Đa: số 10, ngõ 122, đường Láng, Đống Đa.
Một số người đã có kinh nghiệm khuyên những người hiến máu nên đăng ký đặt chỗ qua ứng dụng (app) trước, sau đó đến nơi chỉ cần chụp mã QR, không cần biết phiếu tay, đảm bảo tiết kiệm thời gian rất nhiều.
Các chuyên gia cho rằng hiến máu định kỳ 1-2 lần trong năm có lợi cho sức khỏe vì máu được “thay mới”, tái tạo hồng cầu. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điều sau khi hiến máu (đặc biệt với người thường xuyên chạy bộ và các chơi các hoạt động thể thao khác):
+ Nên uống nhiều nước sau khi hiến máu.
+ Không vận động nặng, mạnh… sau khi hiến máu.
+ Nên tập các bài tập nhẹ nhàng hơn thường ngày, chuyển sang các môn có mức độ vận động nhẹ hơn như: đi bộ, bơi thả lỏng hay đạp xe…
+ Đối với các VĐV chuyên nghiệp thì không nên hiến máu 3-6 tuần trước các giải đấu quan trọng. Sau giải, có thể hiến máu bình thường.
+ Tuân theo sự chỉ dẫn của các bác sĩ sau khi hiến máu.