Điều kiện để VĐV phong trào chạy cung 42km chuyên nghiệp giải marathon quốc gia 2023
Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 64 năm 2023 (Tiền Phong Marathon 2023) đánh dấu một điểm mới khi sau 63 năm tổ chức, lần đầu tiên giải có hai cung đường chạy 42,195km khác nhau, dành cho VĐV chuyên nghiệp và phong trào.
Tiền Phong Marathon mới cho phép VĐV phong trào thi đấu cùng các tuyển thủ kể từ năm 2017 khi giải đấu tổ chức ở Ninh Bình. Từ đó đến nay, giải luôn hấp dẫn ở hạng mục marathon khi hàng trăm VĐV phong trào được chạy đua cùng các “elite” trên một đường chạy 42,195km.
Tuy nhiên, ở mùa giải 2023 tới đây tại Lai Châu (26/3/2023), BTC đã có điều chỉnh khi thông báo sẽ có hai cung đường chạy dành riêng cho VĐV chuyên nghiệp và phong trào. Ban đầu, thông tin này làm nảy sinh nhiều tranh cãi trong làng chạy phong trào. Nhiều người cho rằng việc phân biệt như vậy sẽ khiến “VĐV phong trào mất cơ hội chạy đua với tuyển thủ để nâng cao thành tích” hay “BTC lo ngại VĐV phong trào có thể thắng cả tuyển thủ quốc gia”…
Thậm chí, có chân chạy phong trào còn kiến nghị lên cả Thủ tướng, đề nghị xem xét lại việc này. Đại diện các CLB chạy phong trào cũng đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc trên ngay tại cuộc họp báo giải ngày 10/3/2023 tại Hà Nội vừa qua.
Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, đồng Trưởng BTC, giải thích như sau: “Đường chạy năm nay dành cho vận động viên chuyên nghiệp và vận động viên phong trào trùng nhau đến 90%. Trong đó Ban tổ chức bố trí rẽ theo hai lối khác nhau, mỗi đoạn dài gần 2km, dành cho vận động viên phong trào. Việc bố trí như vậy, bởi tuyến chạy cho vận động viên chuyên nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn giải đấu giải vô địch quốc gia - giải cao nhất của điền kinh và marathon.
Còn đường chạy dành cho vận động viên phong trào nhằm nhiều mục đích. Trong đó, chúng tôi cho rằng các vận động viên phong trào ngoài thành tích còn luôn đặt ra tiêu chí trải nghiệm cung đường chạy. Tuyến đường chạy này đi qua các bản làng, lên đến điểm cao nhìn xuống thung lũng.
Đồng thời, chúng tôi muốn tạo điều kiện để địa phương sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường, cũng để tạo điều kiện giao thông thuận tiện cho người dân địa phương”.
Còn về thắc mắc “Liệu VĐV phong trào có thể chạy cùng cung đường với VĐV chuyên nghiệp không?”, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hộng đồng Điền kinh Đông Nam Á, Phó trưởng Ban tổ chức, Tổng giám sát cho biết: “Chúng tôi đã xem xét thì hoàn toàn không sai về luật. Về cơ bản hai đường chạy của giải vẫn đều là 42,195km theo tiêu chuẩn. Riêng đường chạy cho phong trào có thêm đoạn rẽ vào bản làng mất khoảng 4 cây, sau đó lại vòng ra đường cũ.
Các VĐV phong trào hoàn toàn có thể đăng ký chạy trên cung đường dành cho VĐV chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải xem xét kỹ việc này nếu VĐV đó có thành tích nằm trong khoảng cho phép. Đồng thời, VĐV phong trào xin chạy ở đường chạy cho VĐV chuyên nghiệp sẽ chỉ được ghi nhận thành tích mà không được cạnh tranh thứ hạng ở cả hạng mục chuyên nghiệp lẫn phong trào”.
Như vậy, các VĐV phong trào có nhu cầu đua cùng VĐV chuyên nghiệp có thể đăng ký với BTC để được xem xét về thành tích. Tuy nhiên, những VĐV phong trào này nếu có thành tích thuộc hàng “đứng bục” thì cũng không được xét trao giải ở cả hạng mục chuyên nghiệp lẫn phong trào.
Tiền Phong Marathon 2023 diễn ra tại Lai Châu từ 24-26/3/2023 với sự tham dự của hơn 4.000 vận động viên, trong đó có 225 vận động viên chuyên nghiệp, sẽ tham gia tranh tài ở 4 cự ly thi đấu: 5km, 10km, 21,1km và 42,195km.
Giải năm nay sẽ có 96 giải thưởng, chia theo hệ chuyên nghiệp và phong trào, đồng thời xét cả các giải lứa tuổi, giải thưởng phụ… nâng tổng tiền thưởng lên gần 500 triệu đồng.