Giải Singapore Marathon khiến bệnh nhân phải... đi bộ tới bệnh viện
Giải chạy Standard Chartered Singapore Marathon (SCSM) gây tranh cãi khi cấm các tuyến đường quan trọng trong thành phố khiến xe cấp cứu không thể vào bệnh viện.
Bệnh nhân, bác sĩ “khốn đốn” vì đường đến bệnh viện bị cấm
Vụ việc gây tranh cãi khi tờ Straits Times đăng nội dung bức thư của một bác sĩ phàn nàn về sự thiếu chuyên nghiệp của ban tổ chức giải SCSM năm nay. Bác sĩ Chan Wen Yan cho biết tất cả các con đường đến bệnh viện Raffles Hospital điều bị cấm từ 1 giờ đến 8 giờ sáng ngày diễn ra sự kiện. “Không chỉ xe cấp cứu mà tất cả các bác sĩ và bệnh nhân đều gặp khó khăn trong việc di chuyển, họ buộc phải đi bộ một quãng đường khá xa để đến bệnh viện”, bác sĩ Chan phàn nàn.
Giải chạy bộ Standard Chartered Marathon Singapore (SCMS) được tổ chức hàng năm vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 12 với các cự ly: marathon, bán marathon và 10km. Đây là giải chạy marathon lớn nhất không chỉ trong phạm vi Singapore mà còn cả khu vực Đông Nam Á về quy mô, chất lượng và số tiền thưởng.
Cũng theo vị bác sĩ này, trong thời gian diễn giải chạy, một sản phụ sinh non không thể đến phòng sinh kịp thời và đành phải được chuyển đến phòng cấp cứu do chấn thương trong tình trạng không có bác sĩ phụ sản bởi vị bác sĩ đang phải vất vả đi bộ một đoạn đường dài để đến nơi làm việc.
Theo người phát ngôn của BTC Ironman khu vực Đông Nam Á, trước thời điểm diễn ra sự kiện, họ đã liên lạc với tất cả các bệnh viện để cung cấp thông tin về các tuyến đường thay thế đến bệnh viện trong thời gian các tuyến đường chính bị cấm nhằm phục vụ cho giải chạy. Theo đó, lộ trình đi đến bệnh viện Raffes Hospital vào buổi sáng hôm đó sẽ đi theo đường Rochor Road ngược về phía đường North Bridge.
“Chúng tôi khẳng định rằng việc thay thế các tuyến đường đã được thông báo trước đến tất cả các bệnh viện thông qua một bản kế hoạch cụ thể”. Tuy nhiên, BTC giải chạy cũng nhìn nhận những thiếu sót của mình trong khâu tổ chức và hứa sẽ khắc phục khuyết điểm vào năm sau.
Ngược lại với nhiều vấn đề xảy ra tại bệnh viện Raffles Hospital trong thời gian các tuyến đường đến bệnh viện bị thay đổi, Mount Elizabeth - một bệnh viện khác cũng nằm trên đường chạy của SCSM hầu như không gặp khó khăn gì khi con đường đến bệnh viện bị thay đổi.
Noel Yeo, Giám đốc điều hành bệnh viện Mount Elizabeth, cho biết: “Đường Orchard Road dẫn tới bệnh viện thường xuyên cấm phương tiện giao thông qua lại vào các sự kiện lớn trong năm như lễ Giáng sinh, Tết Âm lịch, lễ diễu hành Chingay hay trình diễn thời trang”. Mỗi lần tuyến đường này bị cấm, bệnh viện sẽ phối hợp với ban tổ chức và chính quyền địa phương để đảm bảo công tác khám chữa bệnh không bị ảnh hưởng khi bệnh nhân, bác sĩ và các nhân viên bệnh viện phải đến bệnh viện bằng những con đường thay thế.
Ai là người có lỗi?
Xung quanh vấn đề này, có rất nhiều ý kiến trái chiều trong việc xác định ai là người có lỗi khi để xảy ra những bất cập cho bác sĩ và bệnh nhân trong thời gian diễn ra Standard Chatered Marathon Singapore 2017.
Một bạn đọc của Channel News Asia tỏ ra bức xúc: “Ban tổ chức đã nghĩ gì khi đặt tầm quan trọng của một giải chạy marathon lên trên sự cần thiết của các con đường thuận tiện để đi đến bệnh viện?”.
Cùng quan điểm trên, bạn đọc Wei Ting chia sẻ: “Một giải chạy tổ chức trong thành phố và cấm các phương tiện lưu thông trên nhiều tuyến đường trọng điểm sẽ không được tố chức nếu không có sự đồng ý của các cấp chính quyền”. Tôi ngạc nhạc nhiên vì sao các bên có liên quan không nghĩ tới hậu quả của việc cấm các tuyến đường thuận tiện để đi đến bệnh viện.
Với một góc nhìn khác, độc giả Gary Tang nhận định: “Dường như vấn đề nằm ở bệnh viện Raffles Hospital”. Vì cũng chịu chung hoàn cảnh nhưng bệnh viện Mount Elizabeth vận hoạt động tốt và không có bất cứ ảnh hưởng gì. Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn thẳng vào vấn để khắc phục cho những kì tổ chức tiếp theo".
“Tại sao cứ phải tổ chức chạy marathon trong thành phố?”, bạn đọc Vam Richie đặt câu hỏi. "Singapore có rất nhiều nơi thích hợp để tổ chức các giải chạy marathon: bờ biển phía Đông, bờ biển Changi, Punggol, Tuas, Mandai hoặc thậm chí Sentosa là những địa điểm rất lí tưởng cho những cuộc thi marathon. Các runner chắc chắn sẽ cảm thấy thú vị hơn khi được chạy trên những cung đường tuyệt đẹp của Singapore", anh Vam Richie đề xuất.