Nữ VĐV “chạy xe ôm” giành HCV SEA Games Thu Trang và câu chuyện lạ về môn đi bộ

thứ năm 11-6-2020 10:23:35 +07:00 0 bình luận
Lần đầu dự SEA Games 30 với diện VĐV bổ sung phút chót, Phạm Thị Thu Trang bất ngờ giành huy chương vàng đi bộ nữ 10.000m. Sau thành tích ấn tượng đó, cuộc sống của cô gái kín tiếng này như thế nào?

Nổi danh sau HCV SEA Games 30 bất ngờ

Trước SEA Games 30 tại Philippines tháng 12/2019, gần như chẳng ai biết đến Phạm Thị Thu Trang. Nhắc đến môn đi bộ, bao năm nay người ta vẫn chỉ quen với cái tên Nguyễn Thị Thanh Phúc hay em trai Nguyễn Thành Ngưng. Đã 3 kỳ SEA Games, cô gái Đà Nẵng thống trị nội dung đi bộ nữ Đông Nam Á. Thanh Phúc cũng từng giành suất dự Olympic London 2012 tại Anh quốc 8 năm trước. Còn Thu Trang là một cái tên hoàn toàn xa lạ.

Phạm Thị Thu Trang  (0970) thi đấu 10km đi bộ tại SEA Games 30, ngay sau là đàn chị Nguyễn Thị Thanh Phúc

Sinh năm 1998 trong một gia đình có 4 chị em, giành HCB Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc 2019, Thu Trang được gọi bổ sung vào đội tuyển quốc gia chỉ 2 tháng trước SEA Games. Thậm chí, HLV trực tiếp huấn luyện Trang là Nguyễn Văn Toản cũng không kịp được bổ sung vào danh sách ban huấn luyện. Cô gái này phải tranh thủ tập luyện thông qua những giáo án từ xa của HLV để kịp lên đường dự SEA Games.

Trước khi bước vào cuộc tranh tài, mọi đối thủ vẫn đổ dồn sự chú ý vào Thanh Phúc. Thực tế, cuộc đấu nội bộ giữa hai VĐV Việt Nam đã quá rõ ràng khi họ liên tục bám đuổi nhau, cho đến khi đàn chị Thanh Phúc dính lỗi phạm quy, bị phạt dừng lại 2 phút thì Thu Trang đã tận dụng tốt cơ hội đó để giành HCV ở ngay lần đầu tham dự SEA Games.

Tấm HCV SEA Games 30 đã thay đổi sự nghiệp điền kinh của Phạm Thị Thu Trang - Ảnh: Duy Đỗ

Những giọt nước hạnh phúc của Thu Trang sau kỳ tích đã khiến mọi người chú ý hơn đến cô, một nữ VĐV có những câu chuyện không hề thuận lợi khi đến với bộ môn đi bộ.

Từng chạy xe ôm phụ gia đình trang trải cuộc sống

Chi tiết Thu Trang từng phải chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập để phụ giúp gia đình trước khi trở thành tuyển thủ quốc gia đã được báo giới khai thác triệt để. Bắt đầu theo điền kinh từ năm 2013, Thu Trang khá đơn độc bởi bộ môn đi bộ nữ Hà Nội chỉ có một mình Trang theo đuổi. Khi gặp HLV Nguyễn Văn Toản tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia 1 Nhổn (Hà Nội), chúng tôi được biết: “Chuyện Trang phải chạy xe ôm kiếm thêm tiền là có thật, nhưng chỉ trước đây, khá lâu rồi, khi mà Trang còn chưa phải tập luyện căng thẳng. Với giáo án tập luyện như bây giờ thì theo thôi đã mệt lắm rồi, làm gì có thời gian đi làm thêm nữa”.

Phạm Thị Thu Trang âm thầm tập "đi bộ tại chỗ" ở một góc đại bản doanh Nhổn

Bản thân Thu Trang rất kín tiếng sau SEA Games khi cô từ chối nhiều cuộc gọi, lời phỏng vấn của báo giới. Ngay cả khi tập luyện tại Nhổn, Trang cũng chỉ có một mình, một HLV, một giáo án và cách tập hoàn toàn khác những VĐV tổ, nhóm khác.

Trong khi những VĐV nhóm chạy tốc độ, trung bình hay đường dài được sải chân trên sân vận động thì Trang âm thầm ngồi ở một góc để khởi động. Ngay cả những động tác tập chuyên môn của Trang nhiều khi cũng là… tại chỗ. Trang phải tập đánh tay, đánh hông… với những nhịp độ khác nhau mà đôi khi nếu không để ý thì không biết là cô đang tập luyện rất căng thẳng.

Phạm Thị Thu Trang có giáo án và cách tập luyện khác biệt so với những VĐV khác

Giấc mộng Olympic có quá xa vời?

Ngoài Thanh Phúc thì hiện Thu Trang là nữ VĐV đi bộ hiếm hoi của Việt Nam. Trong khi Thanh Phúc đã có gia đình riêng, đã sinh con và không còn ở đỉnh cao phong độ (trước SEA Games, Thanh Phúc còn dính chấn thương khá nặng), thì Thu Trang là hy vọng lớn nhất của bộ môn đi bộ nữ Việt Nam.

Với đặc thù riêng, không phải giải nào cũng có nội dung đi bộ nên Thu Trang có rất ít cơ hội để thi đấu cọ xát. Trong bối cảnh các giải bị hủy vì COVID-19 thì Thu Trang gần như chẳng có cơ hội để đi thi đấu. Hàng ngày âm thầm tập luyện tại Nhổn, cô gái này cùng HLV Nguyễn Văn Toản cũng có những nỗi niềm riêng.

“Sau SEA Games, tôi và Trang vẫn tập trung tập luyện. Nếu nói không có mục tiêu lớn phấn đấu thì cũng không đúng. Nhưng xét thực tế thì cửa dự Olympic của đi bộ Việt Nam thật sự khó khăn. Nếu kỳ Olympic trước người ta áp dụng chuẩn B thì còn có cơ hội. Chứ ở Nhật năm tới, tất cả chỉ có độc một chuẩn A thôi nên nhìn chuẩn mà thấy VĐV của mình không có cơ hội đâu” - HLV Nguyễn Văn Toản chia sẻ.

Phạm Thị Thu Trang (phải) và HLV Nguyễn Văn Toản trong một buổi tập tại Nhổn

Trước đây, khi áp dụng chuẩn B cho cự ly đi bộ nữ 20km với thời gian 1 giờ 38 phút thì Thanh Phúc đã đạt được suất đến London 2012. Nhưng với quy định mới tại Olympic Tokyo 2021 (chuyển sang hè 2021 vì COVID-19), chuẩn cho cự ly trên là… 1 giờ 31 phút. Đây quả là mốc thời gian quá sức với cả Thanh Phúc lẫn Thu Trang vào thời điểm này.

“Nhìn thì tưởng đi bộ nhàn nhưng thực ra môn này rất dễ dính chấn thương. Các VĐV rất dễ gặp chấn thương gối, đặc biệt là phần IT band. Nhìn Trang ngồi rồi đứng đi bộ tại chỗ như vậy thôi nhưng thực ra là đang tập theo giáo án với cường độ khá nặng đó.

Đi bộ nữ bây giờ hiếm VĐV lắm bởi không phải ai cũng có quyết tâm theo đuổi môn này. Tôi chỉ hy vọng Trang có động lực để giữ được phong độ lâu nhất có thể. Chỉ có thi đấu, giành được thành tích ở những giải lớn mới giúp em thay đổi cuộc sống của mình” - HLV Nguyễn Văn Toản chia sẻ.

Thanh Mai
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội