Olympic 2016: Nhờ lắc hông, VĐV đi bộ còn nhanh hơn chạy
Không duyên dáng như VĐV TDDC, cũng chẳng mạnh mẽ như VĐV chạy nước rút song môn đi bộ đòi hỏi các VĐV như Nguyễn Thành Ngưng có nền tảng kỹ thuật và thể lực hơn người.
So với các VĐV ở những môn thể thao khác, các động tác như lắc hông, đánh tay, đi bộ như lướt trên mặt đường ở môn đi bộ không khỏi khiến khán giả cảm thấy hài hước. Tuy nhiên, đó đều là những kỹ năng phức tạp, có mục đích rõ ràng.
Một trong những quy định quan trọng nhất ở môn đi bộ là chân của VĐV luôn phải chạm đất. Trọng tài sẽ luôn theo sát VĐV để đảm bảo không ai “bay” khi đang thi đấu.
Luật là vậy, nhưng để phát hiện là cực khó bởi lý do rất khách quan: Mắt người không thể xác định kịp liệu bước chân của VĐV có ở trên không hay không.
Vì vậy, những VĐV đẳng cấp có thể tận dụng sơ hở trong khoảng 40 phần nghìn giây đó để “bay” ở mỗi bước đi mà không bị loại.
Ngoài ra, động tác đánh hông ngay khi đi bộ là chìa khóa mấu chốt về tốc độ. Nhà nghiên cứu cơ sinh học Brian Hanley của Đại học Leeds Beckett cho biết, thay vì xoay hông khoảng 4 độ như những nội dung điền kinh khác, VĐV đi bộ sẽ liên tục lắc hông ở khoảng 20 độ với mục đích để kéo dài bước chân hơn.
Nếu thực hiện đúng kĩ thuật, các VĐV đi bộ hoàn toàn có thể tạo ra nhịp chạy nhanh hơn so với tốc độ trung bình của những VĐV điền kinh khác, nhất là ở nội dung marathon. Nói cách khác, một số VĐV đi bộ chẳng ngán thi đấu bên cạnh những VĐV chạy đường dài thực thụ.