Runner Đào Trung Thành: "Chạy bộ giúp ta sống động trọn vẹn”

thứ năm 29-3-2018 21:39:56 +07:00 0 bình luận
"Rất nhiều người việt tuyên bố là đã chạy xuyên Việt. Tất nhiên, tôi tin vào khả năng kỳ lạ của con người có thể vượt qua các giới hạn bình thường".

Anh Đào Trung Thành, một thành viên nòng cốt của CLB chạy Sunday Running Club (SRC), vừa hoàn thành marathon với PR (kỷ lục cá nhân) mới 4 giờ 08 phút trong lần đầu tiên tham dự giải chạy việt dã báo Tiền Phong lần thứ 59. Là một runner giàu kinh nghiệm ở CLB chạy có tuổi đời lâu nhất Việt Nam, từng tham gia và tổ chức nhiều giải chạy bộ, anh Thành đã chia sẻ góc nhìn thú vị về chạy bộ, marathon và giải chạy việt dã báo Tiền Phong:

Xin chúc mừng anh đã hoàn thành giải Việt dã báo Tiền Phong với một kỷ lục cá nhân mới ở một giải chạy gió và dốc như thế này. Sau khi về đích, suy nghĩ đầu tiên của anh là gì?

Tôi nghĩ xong rồi. Kết thúc ba tháng tập luyện cần mẫn, ba buổi tập trong tuần và cuối tuần chạy dài trên 20km.


Anh Đào Trung Thành trên đường chạy Quận 1. Ảnh: NVCC

Việc chinh phục PR tại Buôn Ma Thuột có khó như anh tưởng tượng? 

Trước tiên cần phải nói rằng giải việt dã và marathon Tiền Phong lần thứ 59 thành công rực rỡ. Hầu hết các thành viên của SRC tham gia giải đều có PR và đạt mục tiêu của mình dù đường chạy có dốc. Tôi nghĩ vì có khâu tiếp nước tốt, thời tiết thuận lợi và tinh thần hưng phấn nhờ được thi đấu đỉnh cao cùng các VĐV quốc gia.  Hầu như không có selfie như HLV các đội tuyển điền kinh lo ngại trước đó.

Anh đã chạy bộ từ 8 năm trước. Thời điểm đó chắc không có hội nhóm, CLB chạy nào cả.  Lúc ấy, anh có bao giờ nghĩ mình sẽ chạy dài đến 42km?

Tôi bắt đầu chạy bộ năm 2010 lúc vừa qua tứ tuần. Được chuẩn đoán là thừa cân (78kg) và rối loạn đường huyết, tôi buộc phải giảm cân và nghĩ đến đi bộ vì nhà ở cạnh công viên Gia định. Những ngày đầu tôi không thể chạy 200m mà không thở hổn hển, thế rồi qua một tháng kiên trì vừa đi bộ kết hợp chạy tôi đã có thể chạy được 1km.

Vài tháng sau được 5km và phải một năm mới có thể chạy được 10km. Cho đến khi giải HCMC Run được tổ chức năm 2013 và Da Nang International Marathon 2014 tôi mới tham gia cự ly 21km, năm sau đó là cự ly 42km. Ba năm gần đây thì tôi cũng tham gia cả chục giải lớn nhỏ, trong và ngoài nước (giải Standard Chartered Singapore Marathon).

 


Anh Đào Trung Thành tại Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột trong buổi chạy thử đường chạy giải việt dã báo Tiền Phong. Ảnh: NVCC

Những người ở tuổi tứ tuần như anh, bắt đầu chạy bộ từ bây giờ có muộn và gặp rủi ro nào không?

Thực ra tôi rất hay bị chấn thương do cố gắng và không chú ý. Hết đau đầu gối, đến dây chằng, gót chân Achilles, mắt cá chân,...hầu như các bộ phận của chân tôi đều từng trải qua các chấn thương.

Rất may là giải Tiền Phong vừa rồi thì tôi đã cẩn thận, chú ý lắng nghe cơ thể và không quá suốt ruột như các lần giải khác nên không gặp chấn thương và đạt được kết quả vượt dự tính. 

Anh là người đã hoạt động Đoàn trong rất nhiều năm, tham gia giải chạy việt dã báo Tiền Phong vào đúng dịp tháng thanh niên 26/3. Với con mắt của người có nhiều kinh nghiệm, anh nghĩ sao khi Đoàn viên thanh niên ít tham gia các nội dung chạy dài? 

 


Chia sẻ - Trách nhiệm - Kết nối. Ảnh: NVCC

Tôi là Đoàn viên và cán bộ Đoàn trong 20 năm nên rất quan tâm đến phong trào thể thao cho thanh niên. Tôi nghĩ, Đoàn và xã hội cần phải tuyên truyền vận động thanh niên tham gia thể thao nhiều hơn nữa. Chỉ có sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần mới có thể thành công trong cuộc sống và đóng góp cho xã hội. Bản thân các đồng chí thủ lĩnh sinh viên, cán bộ Đoàn cũng phải tích cực làm gương cho các bạn Đoàn viên trong hoạt động thể thao.

Tỉ lệ người chạy bộ thường xuyên ở Sài Gòn còn quá ít so với dân số của một thành phố năng động nhất cả nước, anh có thấy nghịch lý không?

Theo một nghiên cứu vào cuối năm 2017 của trường đại học Stanford, Hoa Kỳ, thực hiện nghiên cứu ở hơn 100 nước trên Thế giới thì Việt Nam đứng trong 10 nước lười vận động nhất.

 


"Chỉ có sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần mới có thể thành công trong cuộc sống và đóng góp cho xã hội". Ảnh: NVCC

Thật ra ở Sài Gòn có muốn chạy cũng không có nhiều chỗ chạy đâu. Chỉ có những khu vực như Phú Mỹ Hưng, Bờ Kè, công viên Gia định, Sân vận động Phú Thọ, Hoa Lư,.. là có thể chạy được. Tất nhiên, vấn đề chính là nhiều người không ý thức việc rèn luyện sức khỏe, thích nhậu hơn vận động.

Trước đây, các CLB chạy LDR, SRC, VRF đều tổ chức các giải chạy qui mô: Cần Giờ Marathon, Hồ Đá Trail, LDR Half Marathon... Hiện nay số lượng giải của các CLB như vậy không còn diễn ra thường xuyên. Có phải các CLB chạy không có đủ năng lực tổ chức các giải chạy cho chính cộng đồng của mình?

Tôi nghĩ trong năm nay có nhiều giải do các công ty chuyên tổ chức sự kiện thể thao đảm trách là điều tốt. Như thế, người chạy bộ có nhiều lựa chọn hơn và người tổ chức sẽ phải phấn đấu làm tốt, tạo sự khác biệt để phát triển và tồn tại. Cuối cùng thì đó là xu hướng tất yếu, cần chuyên nghiệp.

Anh có nhận xét gì về sự phát triển của SRC nói riêng và phong trào chạy bộ tại Việt Nam nói chung trong vài năm trở lại đây?

SRC là một trong những CLB đầu tiên của giới chạy bộ phong trào, vừa tròn 5 tuổi, đánh dấu một chặng đường khó khăn, vất vả nhưng không kém phần hào hùng của lịch sử phong trào chạy bộ ở Việt Nam nói chung và ở Tp. Hồ Chí Minh nói riêng.

SRC đã tạo ra một cú hích cho phòng trào chạy bộ ở Tp.HCM sau đó lan rộng ra cả nước. Chạy bộ đã trở thành niềm đam mê và lối sống của một bộ phận không nhỏ người Việt.

 


SRC đã tạo ra một cú hích cho phòng trào chạy bộ ở Tp.HCM sau đó lan rộng ra cả nước

 

Điểm khác biệt lớn của SRC so với nhóm chạy bộ khác là triết lý tóm gọn trong slogan của nhóm Chia sẻ (Sharing), Trách nhiệm (Responsible) và Kết nối (Connecting). SRC kết nối tất cả những ai có cùng đam mê, chia sẻ các kinh nghiệm và trải nghiệm trong việc chạy bộ, và thực hiện các công việc từ thiện như Hiến máu hay Gây quỹ Chắp cánh ước mơ cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn của huyện Cần giờ (Tp.HCM).

Ngoài ra cần phải kể đến Hội những người thích chạy đường dài (LDR) có số lượng người tham gia theo tôi là đông nhất ở Việt Nam và có nhiều người đạt thành tích cao gần với vận động viên chuyên nghiệp như Cao Ngọc Hà, Trần Duy Quang (DNR),.. rồi câu lạc bộ VRF, DNR và một số CLB chạy ở các thành phố khác.

Phong trào chạy bộ nói chung đang phát triển và đây cũng là xu thế chung của thế giới. Ví dụ phong trào phát triển mạnh nhất ở châu Á, nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc. 


Anh Đào Trung Thành luôn tranh thủ chạy bộ trong mỗi chuyến đi công tác. Ảnh: NVCC

Anh đôi lần cảm thán trên Facebook rằng chạy bộ là môn thể thao nhàm chán. Cớ sao anh vẫn còn có thể gắn bó nó trong một thời gian dài như vậy?

Tôi đọc rất nhiều sách của Murakami như Rừng Na Uy, Kafka bên bờ biển, Biên niên ký chim văn giây cót, Phía nam biên giới, phía tây mặt trời,... và tất nhiên cuốn sách được xem như tự thuật của ông “Tôi nói gì khi tôi nói về chạy bộ”. Nhiều người có cảm hứng để chạy bộ khi đọc sách của Murakami. Ông viết hay và nhiều câu nói gây cảm hứng.

Murakami bắt đầu chạy bộ vào mùa thu năm 1982, hồi ấy ông ba mươi ba tuổi. “Ở cái tuổi mà Jesus Christ chết. Cái tuổi mà Scott Fitzgerald bắt đầu xuống dốc. Cái tuổi ấy có thể là một kiểu giao lộ trong đời. Đó là cái tuổi khi tôi bắt đầu cuộc đời người chạy bộ của mình, và đó là điểm xuất phát muộn màng nhưng chân thực của tôi, làm tiểu thuyết gia.”

Lí do Murakami đến với chạy bộ là để giảm cân, bỏ thuốc lá và tăng sức bền khi viết tiểu thuyết. Còn tôi có lý do tương tự là giảm cân, chữa rối loạn chuyển hóa đường và tăng sức bền trong công việc.


Anh Đào Trung Thành cùng các ngôi sao Kenya tại giải chạy Hochiminh City International Marathon. Ảnh: NVCC

Ở Mỹ, chuyện chạy bộ xuyên qua các bang trong nhiều ngày là chuyện phổ biến. Ở Việt Nam, với trình độ phong trào hiện nay, người Việt chạy bộ xuyên Việt có khả thi?

Rất nhiều người việt tuyên bố là đã chạy xuyên Việt. Tất nhiên, tôi tin vào khả năng kỳ lạ của con người có thể vượt qua các giới hạn bình thường. Nhưng vì là chuyện khó tin nên cần phải hết sức nghiêm túc nếu muốn tuyên bố của mình gây cảm hứng và không bị nghi ngờ: Có bằng chứng (track log). Theo chỗ tôi theo dõi thì mới chỉ có anh Nguyễn Trung Kiên là có track log cho hành trình chạy xuyên Việt của mình. Trong tương lai các bạn khác nên có những bằng chứng đáng tin như này. 


Anh Đào Trung Thành cùng các bạn chạy SRC tại Buôn Ma Thuột. Ảnh: NVCC

Tác dụng của chạy bộ có thể thấy rõ, giúp con người thay đổi lối sống theo hướng tích cực, lành mạnh. Theo anh, làm thế nào để phong trào chạy bộ phát triển nhanh hơn nữa?

Tôi xin nhắc lại một câu nổi tiếng của Murakami: “Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn.”

Chạy bộ giúp ta sống trong những năm tháng với mục đích rõ ràng và sống động trọn vẹn. Thường chúng ta dễ buông xuôi với những nguyên tắc của mình để mình được sống dễ dàng hơn nhưng lại ít khi chịu nhận thức rằng lối sống dễ dãi với bản thân một ngày nào đó quay ngược lại đòi chúng ta trả giá. Do đó, hãy mài giũa bản thân, kiên trì theo đuổi các thói quen tốt.

Sau khi có PR mới, mục tiêu chạy bộ sắp tới của anh là gì?

Tôi đang nhắm đến một đích mới là chạy marathon dưới 4 giờ (Sub 4h).

Cảm ơn vì những chia sẻ của anh.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội