Tú Chinh, Quách Công Lịch, Lê Trọng Hinh xuất sắc nhất, Thanh Hóa số 1 điền kinh
Sau 5 ngày tranh tài, giải điền kinh VĐQG 2016 đã kết thúc với sự lên ngôi đầy thuyết phục của đoàn Thanh Hóa.
Trong ngày thi đấu cuối cùng, một số nội dung như 5000m nữ, 110m rào nam, 4x200m nữ, 4x200m nam có tiếng nói quyết định đến Top 3 trong bảng tổng sắp huy chương của các đoàn.
Ở nội dung 4x200m nữ, đoàn Tp.HCM có dàn VĐV nữ cự ly ngắn cực mạnh gồm bộ tứ Lê Tú Chinh, Lê Thị Mộng Tuyền, Lưu Kim Phụng và Vương Ngọc Tuyết. Cũng như nội dung 4x100m nữ tiếp sức, đoàn Tp.HCM phải chịu sự canh tranh lớn từ dàn VĐV của Hà Nội. Sau 1 phút 38 giây 84, đội Tp.HCM về nhất, giành HCV. Đội Hà Nội chậm hơn 36 phần trăm giây, đành nhận HCB. Đội Nam Định với chủ lực VĐV Olympic Nguyễn Thị Huyền giành HCĐ.
Xem video chung kết 4x200m nữ:
Nếu như đoàn Tp.HCM có đội nữ cự ly ngắn rất mạnh thì đoàn Thanh Hóa làm mưa làm gió ở các cự ly ngắn cá nhân và đồng đội với sự góp mặt của các tên tuổi: Lê Trọng Hinh (HCV 100m, 200m), Quách Công Lịch (HCV 400m), Lương Văn Thao (HCĐ 5000m) và Lê Hồng Hữu. Ở vòng chung kết nội dung 4x200m, đội Thanh Hóa tạo khoảng cách rất lớn so với 2 đội xếp sau là CAND và Bình Dương.
Ít KLQG. Hà Nội, Tp.HCM lép vế
Với tấm HCV của đội 4x200m nam, Thanh Hóa giành vị trí nhất toàn đoàn với 9HCV - 2HCB - 5HCĐ, xếp sau lần lượt là các đoàn Quân Đội (7HCV - 10HCB - 5HCĐ), Hà Nội (6HCV - 7HCB - 7HCĐ), Vĩnh Long (5HCV - 3HCB), TPHCM (4HCV - 5HCB - 2HCĐ).
Số kỷ lục quốc gia mới tại giải VĐQG 2016 khá khiêm tốn với 3 kỷ lục mới của các VĐV Hoàng Thị Thanh (Quân đội) nội dung marathon nữ với thời gian 2 giờ 45 phút 09 (phá kỷ lục cũ 2 giờ 45 phút 34s), Tăng Văn Hải (Vĩnh Long) nội dung ném búa nam với thành tích 51,94m (phá kỷ lục 51,68m), Nguyễn Thị Hồng Thương (Vĩnh Long) ném đĩa nữ với thành tích 48,40m (phá kỷ lục 46,08m).
Không có KLQG mới nào ở các cự ly ngắn và trung bình. Những gương mặt nổi bật hầu hết là những VĐV đã khẳng định được tên tuổi qua các kỳ SEA Games và giải VĐQG gần đây như Quách Công Lịch, Lê Trọng Hinh (Thanh Hóa), Nguyễn Văn Lai (Quân đội), Phạm Thị Huệ (Quảng Ninh) v.v…
Hai trung tâm thể thao lớn nhất và cũng có số VĐV tham gia đông nhất chưa đạt được thành tích tương xứng với mức đầu tư. Hà Nội chỉ có 6 HCV trong tổng số 43 VĐV tham dự trong khi Tp.HCM với 30 VĐV chỉ có vỏn vẹn 4 HCV.
Điểm sáng Lê Tú Chinh, Quách Công Lịch, Lê Trọng Hinh
Điểm sáng duy nhất của đoàn Tp.HCM chính là Lê Tú Chinh. Một mình VĐV trẻ tài năng này “bao thầu” toàn bộ 4 HCV cho đoàn. Cô cũng chính là gương mặt mới nổi bật nhất giải VĐQG 2016. Tú Chinh, 1 trong 5 VĐV trẻ xuất sắc nhất trong danh sách bầu chọn của Cúp chiến thắng, đã giành 2 HCV cá nhân 100m, 200m và 2 HCV đồng đội 4x100m và 4x200m.
VĐV điền kinh Lê Tú Chinh là một trong những ứng viên của hạng mục "VĐV trẻ của năm" Cúp Chiến thắng 2016.
Để bình chọn cho Tú Chinh, soạn tin nhắn với cú pháp BC 14 gửi 8579.
Sau hơn 2 thập kỷ, Tp.HCM mới lại đào tạo được 1 VĐV có khả năng giành HCV đồng thời ở cả 2 nội dung 100m và 200m (người trước đây làm được kỳ tích này chính là HLV của Tú Chinh bây giờ, Nguyễn Thị Thanh Hương). Nếu được đầu tư nghiêm túc, Tú Chinh sẽ còn tiến xa và phá vỡ kỷ lục của các VĐV đi trước.
Quách Công Lịch là một trong hai VĐV nam xuất sắc nhất giải với 4 HCV ở các nội dung: 400m, 400m rào (cá nhân) 4x400m, 400mx200m (đồng đội) trong đó thành tích ở nội dung 400m chỉ kém kỷ lục do chính tuyển thủ Thanh Hóa này lập hồi năm ngoái tại SEA Games 28 (Singapore) đúng 1 phần trăm giây.
Bên cạnh Quách Công Lịch, Lê Trọng Hinh cũng thể hiện phong độ ổn định với 4 HCV ở các nội dung 100m, 200m (cá nhân) 4x400m, 4x200m (đồng đội). Người chạy nhanh nhất Việt Nam hiện nay không có đối thủ ở mùa giải thứ 2 liên tiếp.
Ba gương mặt xuất sắc trên cùng Quách Thị Lan (400m), Nguyễn Văn Lai (5000m, 10.000m), Vũ Thị Ly (800m, 1500m)... hứa hẹn sẽ là những "mỏ vàng" của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 2017 (Malaysia).