VĐV điền kinh nào thu nhập cao nhất thế giới hiện nay?
Ở Việt Nam, lương của VĐV điền kinh khá "bèo bọt". Như Quách Công lịch, chân chạy hàng đầu Việt Nam mới đây chia sẻ lương anh chỉ có 4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, Quách Công Lịch cũng như nhiều VĐV điền kinh khác hầu như không có hợp đồng quảng cáo hay làm đại diện cho các nhãn hàng. Vậy các VĐV điền kinh hàng đầu thế giới có mức thu nhập bao nhiêu?
Cô sinh viên năm nhất Sydney McLaughlin là VĐV điền kinh có mức thu nhập cao nhất TG hiện nay, khoảng 1,5 triệu USD.
Let's Run, một trang chuyên về các giải chạy bộ trên thế giới vừa đưa ra thống kê mức thu nhập của một số VĐV điền kinh nổi tiếng thế giới. Đây là thống kê dựa trên khảo sát hiếm hoi về mức thu nhập của các VĐV điền kinh bởi không giống như bóng đá, các bản hợp đồng thương mại của điền kinh thường ít khi được tiết lộ công khai. Bản khảo sát có sự đối chiếu thông tin giữa một số "cò" đại diện cho VĐV.
Sydney McLaughlin là ngôi sao kiếm tiền của làng điền kinh thế giới dù cô gái này vẫn đang học năm thứ Nhất ĐH Kentucky
Theo bản khảo sát này, Sydney McLaughlin là một trong những VĐV điền kinh có mức thu nhập cao nhất thế giới. McLaughlin là VĐV 400m vượt rào của Mỹ đạt chuẩn Olympic 2016 khi mới 16 tuổi. Cô tốt nghiệp trung học năm 2017. Sau đó, McLaughlin đi học ĐH ở trường Kentucky thay vì đi theo con đường trở thành một VĐV chuyên nghiệp. Mặc dù vậy, thành tích của McLaughlin trong năm đầu tiên tham dự giải NCAA rất xuất sắc. Cô gái sinh viên năm nhất đã lập 2 kỷ lục thế giới trẻ 400m rào với thời gian 52.75 giây (ngoài trời), 50.36 giây (trong nhà).
Marathoner số 1 nước Mỹ Galen Rupp kiếm được khoảng 750.000 USD/năm, cao nhất giới chạy bộ đường dài
Theo nhiều "cò" điền kinh, mức thu nhập của McLaughlin dựa trên các hợp đồng thương mại ít nhất là 1,5 triệu USD. Mức thu nhập này khá cao so với các VĐV marathon xuất sắc nhất thế giới.
Người có mức thu nhập cao nhất trong làng chạy bộ đường dài là Galen Rupp. Marathoner số 1 Mỹ hiện nay kiếm được khoảng 750.000 USD mỗi năm. Trong khi đó, marathoner số 1 thế giới Eliud Kipchoge đứng thứ 2. Anh kiếm được 512.000 USD, chỉ bằng 2/3 mức thu nhập của Galen Rupp.
Kipchoge, VĐV marathon số 1 thế giới hiện nay có mức thu nhập khoảng 512.000 USD/năm
Kenenisa Bekele, người hiện giữ kỷ lục thế giới marathon 2:03:03 tại giải Berlin Marathon 2016, ở thời kỳ đỉnh cao có thể "đút túi" 583.000 USD/năm. Yuki Kawauchi, ĐKVĐ Boston Marathon 2018, do vẫn đang là công chức nên không được phép kí hợp đồng quảng cáo.