"Viên ngọc thô" Quách Thị Lan và cơ hội trở thành nhà vô địch ASIAD
Vừa qua, Quách Thị Lan cùng với Bùi Thị Thu Thảo là 2 VĐV điền kinh được bầu chọn vào danh sách 50 phụ nữ Việt Nam có ảnh hưởng nhất của Tạp chí Forbes 2018. Cô gái người dân tộc Mường, quê xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) còn có tên trong danh sách 3 ứng cử viên VĐV nữ của năm Cúp Chiến thắng 2018. Liên tiếp những vinh danh trên đủ cho thấy Quách Thị Lan đã trải qua một năm thi đấu rất xuất sắc, có nhiều đóng góp cho điền kinh nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.
Thảo ‘Bò vàng’, Quách Thị Lan góp mặt trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019
“Quách Thị Lan là của để dành mà tổng cục TDTT hướng tới sân chơi Olympic 2020 và ASIAD 2018". Một lãnh đạo của điền kinh Việt Nam đã nhận định về “viên ngọc thô” này cách đây vài năm. Thực tế đã cho thấy nhận xét trên không phải là câu nói trong phút ngẫu hứng về một VĐV được giới chuyên môn phát hiện khá muộn (năm 14 tuổi).
Còn nhớ năm 2014, Quách Thị Lan đã tạo nên cơn chấn động với tấm HCB lịch sử ASIAD ở nội dung 400m nữ tại sân vận động Asiad Main (Incheon, Hàn Quốc). Cô gái 19 tuổi Việt Nam đã vượt qua các đối thủ mạnh của châu Á và chỉ chịu thua VĐV gốc châu Phi Kemi Adekoya (Bahrain), người từng 4 lần giành HCV Asian Games và là nhà vô địch 400m giải VĐTG điền kinh trong nhà 2016.
Điều đáng nói, Quách Thị Lan khi đó mới chỉ có 4 năm kinh nghiệm tập luyện, thi đấu đỉnh cao môn điền kinh và chưa có kinh nghiệm thi đấu ASIAD. Tấm HCB của Quách Thị Lan ở Incheon là tấm huy chương đầu tiên của đội tuyển điền kinh ở nội dung 400m tại ASIAD, đấu trường thể thao danh giá nhất châu lục.
4 năm sau tại ASIAD 2018, Quách Thị Lan đã thể hiện xuất sắc bản lĩnh của một VĐV trụ cột của đội tuyển điền kinh Việt Nam trong bối cảnh Nguyễn Thị Huyền phải nghỉ thi đấu vì sinh con còn Lê Tú Chinh vẫn non kinh nghiệm.
Cô gái sinh năm 1995 này tiếp tục bay cao khi giành 1 HCB (nội dung 400m rào) và 1 HCĐ (nội dung 4x400m) cùng 2 lần lập KLQG tại ASIAD 2018. Người có thể đánh bại Quách Thị Lan không ai khác lại là VĐV có thân hình lực lưỡng Kemi Adekoya (Bahrain).
Quách Thị Lan nghỉ tập chạy vượt rào từ năm 2016 và chỉ tập luyện trở lại vào đầu năm 2018, thời điểm Lan phải gánh vác nhiệm vụ thay Nguyễn Thị Huyền nghỉ sinh con.
Sau thời gian miệt mài tập luyện, em gái Quách Công Lịch trui rèn được kỹ năng toàn diện hơn. Trước đây, Lan chạy 400m rào chỉ tập với chân thuận nhưng sau này, cô đã có thể tập đều hai chân trong khi chạy rào nên thành tích được cải thiện. “Trong năm nay, tôi muốn phá kỷ lục của bản thân mình và giành một suất tham dự Olympic 2020", Quách Thị Lan chia sẻ tại buổi họp báo Cúp Chiến thắng 2018 hồi đầu năm nay.
Cũng trong tháng 1, tin bất ngờ và cũng có thể là tin rất vui dành cho Quách Thị Lan. Kemi Adekoya, đối thủ “nẫng tay trên” HCV ASIAD của Lan, bị phát hiện dương tính với doping. Nếu VĐV này bị tước HCV ASIAD thì Quách Thị Lan hoàn toàn có thể được đôn lên nhận HCV và viết lại lịch sử cho điền kinh Việt Nam ở ASIAD, lần đầu tiên có nhà vô địch ở các nội dung chạy (track).
Hiện tại, Quách Thị Lan không có đối thủ trong khu vực Đông Nam Á ở các nội dung 400m, 400m rào. Chắc chắn cô gái Ngọc Lặc này sẽ là một trong những trụ cột giúp cho điền kinh Việt Nam bảo vệ thành công ngôi vị số 1 của điền kinh Việt Nam ở SEA Games 30 (Philippines).