Giải cờ tướng trẻ châu Á - Việt Nam mở rộng 2018: Việt Nam giành 6/10 HCV
Sau 2 ngày thi đấu, nội dung cờ tiêu chuẩn đã khép lại vào chiều nay với kết quả thi đấu rất khả quan của đoàn chủ nhà Việt Nam.
Theo đó, các VĐV của chúng ta đã giành tới 6 trong số 10 tấm HCV cờ tiêu chuẩn ở các nhóm tuổi (6 nam gồm U-8, U-10, U-12, U-14, U-16, U-20 và 4 nữ gồm U-8, U-10, U-14 và U-20). Giải trẻ châu Á do LĐ Cờ tướng Việt Nam tổ chức tại Quảng Ninh còn thi đấu 2 nội dung cờ nhanh và cờ chớp trước khi kết thúc vào ngày 20/12 tới.
Tranh cãi "Giải trẻ châu Á" hay "Việt Nam mở rộng": Do chưa rộng đường dư luận!
Đây là thắc mắc của không ít người trong thời gian qua, nhất là khi có ý kiến của một số phụ huynh của các kỳ thủ tham dự giải khi cho rằng BTC đã "nhập nhèm" khi thông tin về giải. Theo đó, tính chất của giải đấu quốc tế này không phải đúng với nghĩa vô địch trẻ châu Á, do LĐ Cờ tướng châu Á (AXF) tổ chức, mà chỉ là giải do LĐ Cờ tướng Việt Nam (VXF) tổ chức, nói cách khác là giải mở rộng của Việt Nam mà thôi.
Qua tìm hiểu của chúng tôi thì đây đúng là một giải với tính chất "Việt Nam mở rộng", dù ngay cả Tổng thư ký LĐCT Châu Á, ông Lâm Quang Hạo hay ông Tổng trọng tài của LĐCT Châu Á là Trần Đoàn Sinh – người trực tiếp giảng dạy lớp trọng tài quốc tế tại Việt Nam vừa qua – đều không hề phản đối khi tham gia các sự kiện của giải. Lãnh đạo của LĐCTVN cũng khẳng định không hề cố tình "nhập nhèm" đối với công luận.
Mọi chuyện bắt đầu từ việc VXF đề xuất với AXF về việc Việt Nam sẵn sàng đứng ra đăng cai, tổ chức giải trẻ châu Á lần đầu tiên và nhận được sự chấp thuận từ phía lãnh đạo AXF. Tuy nhiên, sau khi chúng ta đã có sự chuẩn bị cho giải đấu một cách kỹ lưỡng, với sự nhiệt tình ủng hộ của tỉnh Quảng Ninh, nơi được chọn làm địa phương đăng cai, thì không biết vì sao AXF lại thay đổi ý định: Chỉ công nhận đây là giải quốc tế (mở rộng) do VXF tổ chức chứ chưa phải giải trẻ châu Á chính thức của AXF.
Trong tình thế "sự đã rồi", VXF vẫn tiếp tục các công tác chuẩn bị và đảm bảo với chất lượng tổ chức cao nhất có thể (dù một số đoàn quốc tế cũng đã đổi ý không tham dự). Những khúc mắc và tranh luận sau này nảy sinh bởi trên công luận, lãnh đạo VXF chưa có được sự lý giải ngọn ngành, đồng thời cũng tương đối gượng ép khi vẫn muốn nêu bật đây là sự kiện thi đấu mang tầm cỡ châu lục, và sử dụng tên gọi "Giải cờ tướng trẻ châu Á mở rộng Việt Nam 2018" (thay vì "Giải cờ tướng quốc tế Việt Nam mở rộng 2018" thì sẽ chính xác hơn).
Cũng bởi lý do trên, chúng tôi xin được dùng tên gọi "trung tính" trong tiêu đề của bài viết này.
Chỉ là cuộc so kè tay đôi Việt Nam – Trung Quốc
Đúng như giới chuyên môn nhận định, mặc dù giải có sự tham dự của các VĐV đến từ Singapore, Nhật Bản cùng 2 vùng lãnh thổ Macau và Đài Loan, nhưng cuộc đua chủ yếu vẫn sẽ diễn ra giữa các kỳ thủ nhí của đoàn chủ nhà Việt Nam với Trung Quốc – cái nôi, cũng là cường quốc số 1 của cờ tướng thế giới hiện nay.
Ở nội dung cờ tiêu chuẩn, Trung Quốc thắng thế tại bảng nam khi giành 4/6 HCV từ U-12 tới U-20 (Việt Nam giành 2 HCV nam lứa tuổi nhỏ nhất là U-8 và U-10). Trong khi đó, Việt Nam chiếm thế áp đảo tại bảng nữ khi giành trọn vẹn 4 HCV. Hoàng Nhật Minh Huy gây ấn tượng rất mạnh với 7 điểm tuyệt đối sau 7 ván đấu nhóm U-8 nam. Phan Huy Hoàng cũng thể hiện kỳ lực rất tốt với 6,5 điểm/7 ván tại nhóm U-10 nam.
Tại các bảng đấu của nữ, 4 nhà vô địch gồm Lê Châu Giang (U-8), Đinh Trần Thanh Lam (U-10), Ngô Thừa Ân (U-14) và Trịnh Thúy Nga (U-20).
Ngày mai 18/12, BTC sẽ bố trí một chuyến tham quan Vịnh Hạ Long cho các thành viên tham dự giải. Trong 2 ngày cuối cùng (19-20/12), giải sẽ tiến hành 2 nội dung thi đấu còn lại (cờ nhanh và cờ chớp).