Quân Tốt trên bàn cờ vua: Khác biệt thân phận theo dòng thời gian
Quân Tốt (Pawn) là một trong các quân cờ trên bàn cờ vua, được cho là yếu nhất xét về cá thể riêng lẻ nhưng lại tạo ra sự lợi hại khi được đặt trong các chiến thuật rõ ràng. Nhiều kỳ thủ lão luyện tự cổ chí kim đều cho rằng mỗi quân cờ trên bàn cờ đều có một sức mạnh và vai trò riêng biệt, không ai thua kém ai.
Mặc dù vậy, trong sự biến thể theo dòng thời gian, Tốt vẫn được xem như quân cờ có thân phận thấp nhất. Tốt đại diện cho hình ảnh của các dạng lính bộ binh nói chung và có tới 8 quân cờ Tốt xuất hiện trên bàn cờ.
Trải qua các thời kỳ, quân cờ này mang hình ảnh của các đạo lính nông dân, lính cầm mác, hay theo nghĩa trần trụi hơn thường được hiểu là “một người dễ bị thao túng, một người phải chịu hi sinh vì mục đích lớn hơn”.
Cách định nghĩa này vô tình biểu thị sự không quan trọng của quân Tốt. Trong rất nhiều cách ví von dân gian, quân Tốt thường được gán với sự vật hoặc con người dùng để chỉ sự thấp kém, bị thao túng. Ví dụ như: “Anh ta chỉ là một con Tốt trong trò chơi của họ”.
Do mang suy nghĩ coi thường nên Tốt không được coi trọng nhiều trong lối đánh của thường dân Ấn Độ thuộc thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên. Tuy nhiên, tầng lớp vua chúa và tướng lĩnh lại có cách sử dụng quân cờ này hiệu quả hơn hẳn. Điều này xuất phát từ tư duy chiến lược binh pháp, vốn chỉ được truyền dạy cho tầng lớp con em quí tộc.
Kể từ khi Chaturanga, môn cờ tiền thân của cờ vua hiện tại, trở nên phổ biến tại đế chế Gupta (Ấn độ), vai trò của quân Tốt đã trải qua có nhiều sự biến đổi cho tới ngày nay. Tốt trong Chaturanga di chuyển 1 ô theo hướng trước mặt nhưng không bắt quân (capture) bằng cách nhảy chéo như cờ vua hiện đại. Thay vào đó, Tốt Chaturanga lại có khả năng bắt quân theo 2 hướng trái phải theo 1 ô bên cạnh nó.
Đặc tính phân chia giai cấp rõ rệt của Ấn Độ thời trung cổ đã có ảnh hưởng tới sự ban phát vai trò của các quân cờ trên bàn cờ Chaturanga. Phải nói thêm, vấn đề phân biệt giai cấp thời kỳ đó tại Ấn Độ đặc biệt tiêu cực.
Thời đại bấy giờ, bộ binh thường là dạng quân binh xuất phát từ các tầng lớp thấp trong xã hội. Các bộ binh tầng lớp này gần như không có cơ hội tiến thân và chỉ được nhìn nhận như các chiến binh có sinh mạng rẻ rúng, đóng vai trò đi đầu làm lá chắn cho các đội quân tinh nhuệ phía sau. Sẽ là án tử theo quân pháp dành cho các bộ binh có ý quay đầu bỏ chạy khi đang tiến quân. Do đó, quân Tốt không có quyền thoái lui linh hoạt như các quân cờ khác. Tốt chỉ được phép tiến lên phía trước.
Ngoài ra, các nước cờ như bắt tốt qua đường hay phong cấp đều chưa xuất hiện trong cờ Chaturanga, hay cờ vua thuộc các giai đoạn còn tồn tại nặng nề các vấn đề phân biệt giai cấp trong xã hội con người. Về sau, việc bổ sung hình thức Phong Cấp đã trở thành minh chứng cho sự tiến bộ của tư duy xã hội (tất cả những điều về Luật Phong Cấp sẽ được nhắc tới riêng trong một bài viết khác).
Một Tốt được phong cấp khi nó đã đi đến hàng cuối cùng của bàn cờ đối diện. Khi đó, nó sẽ trở thành một trong các quân hậu, tượng, mã hoặc xe cùng màu theo ý muốn của kỳ thủ. Tốt được phong cấp sẽ biến thành quân cờ mới ngay trước nước đi tiếp theo của đối phương. Từ quân Tốt quyền hạn nhỏ nhoi nay đã trở thành một quân cờ ở đẳng cấp cao hơn, một sự tưởng thưởng thật xứng đáng.
“Quân Tốt là linh hồn của cờ vua. Quân Tốt tạo nên sức sống cho trò chơi. Chúng tạo thành thế Tấn công và Phòng thủ; và đôi khi còn đơn độc phát huy hoặc diệt vong phụ thuộc vào việc được hay mất của cả nhóm.” – André Danican Philidor, nhà soạn nhạc và kỳ thủ nổi tiếng người Pháp.