Tương lai thị trường chuyển nhượng nằm ở... Facebook
Bóng đá thế giới có lẽ sẽ không phải chứng kiến vụ chuyển nhượng ầm ĩ như trường hợp David de Gea đến Real bị “bể sô” vào phút chót vì… cái máy fax nữa.
1. Trong tương lai, trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ, mọi thứ có thể được giải quyết dứt điểm thông qua mạng xã hội, công cụ giúp liên kết mọi người trên khắp thế giới phổ biến nhất hiện tại. Chính xác đã có một CLB đi tiên phong trong việc khai thác tối đa tiện ích của mạng xã hội để mua cầu thủ và cũng có thể xem đó như là trường hợp đầu tiên.
Đấy là một trong những đội bóng lâu đời nhất Slovenia, CLB NK Domzale. Khi TTCN mùa Đông 2016 mở cửa đầu năm nay, HLV của Domzale là Luka Elsner đã có “phát kiến” mới sau thời gian lùng sục tìm kiếm một hậu vệ phải theo cách truyền thống trên TTCN nhưng bất thành.
Theo đó, Luka Elsner đăng tải chi tiết thông tin tuyển mộ của CLB lên tài khoản mạng xã hội cá nhân LinkedIn của ông: Cần tìm một hậu vệ phải, ưu tiên có hộ chiếu EU, hỗ trợ tấn công tốt và có kinh nghiệm chơi trong sơ đồ 3-4-3. Rất nhanh chóng, 50 nhà môi giới cầu thủ đã theo dõi tài khoản MXH của Luka Elsner và chỉ trong vòng 3 ngày vị HLV này đã nhận được 150 “hồ sơ xin việc”.
“Đó là cách tốt nhất để nhận được tối đa thông tin phản hồi trong thời gian nhanh nhất có thể”, Luka Elsner tâm sự. “Sau khi phân loại các cầu thủ, chúng tôi đã ký hợp đồng với một cầu thủ TBN. Tôi nghĩ chúng tôi đã có một vụ chuyển nhượng tốt”.
Được biết, cầu thủ đầu tiên được “mua qua MXH” trong lịch sử chuyển nhượng là Alvaro Brachi. Tất nhiên, trước đấy chẳng mấy ai biết tới anh chàng hậu vê 30 tuổi từng khoác áo đội B của CLB Espanyol này. Nhưng cái tên Brachi và vụ chuyển nhượng tới Domzale có thể sẽ được lưu giữ mãi mãi trong lịch sử chuyển nhượng bóng đá thế giới, một khi nó đánh dấu sự mở ra một chương mới trong việc mua-bán cầu thủ, đó là khi công nghệ tiên tiến được áp dụng thay vì các hình thức tìm hiểu, đàm phán chốt và ký hợp đồng theo phương thức cũ.
2. Rõ ràng, từ vụ chuyển nhượng “nhanh-gọn-tiện lợi” của CLB Domzale nhờ mạng xã hội, hẳn người ta sẽ cười vỡ bụng khi được nhắc lại sự cố hy hữu của vụ chuyển nhượng… hụt đình đám nhất Hè năm ngoái, liên quan tới thủ môn David de Gea và hai CLB hàng đầu thế giới là Man Utd cùng Real Madrid.
Còn nhớ, khi đó De Gea không thể tới Madrid vì vào những phút chót trong ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa Hè, hợp đồng xác nhận vụ chuyển nhượng không thể chuyển qua lại hai CLB đúng thời hạn. Khi đó có tin giấy tờ bị trễ chỉ vài phút, còn cái máy fax bị quy chụp như là “thủ phạm” và cả Man Utd lẫn Real đều đổ lỗi cho nhau.
Đấy không phải vụ chuyển nhượng đầu tiên sôi hỏng bỏng không trong ngày cuối vì lỗi giấy tờ không được hoàn tất đúng giờ. Nhưng đó có thể sẽ là “tai nạn” cuối cùng, nhờ mạng xã hội.
Thật vậy! Nhìn từ vụ chiêu mộ Alvaro Brachi của CLB Domzale mới đây, có lẽ phải đặt ra câu hỏi rằng liệu tương lai, trên TTCN, các CLB có thể đăng tải thông tin chi tiết về các mục tiêu họ cần tìm kiếm (ví như tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ hay thủ môn phải có những tiêu chí nào) và xa hơn là mọi cuộc đàm phán cũng như ký kết giấy tờ liệu có thể được triển khai và chốt lại nhờ mạng xã hội?
Rõ ràng, không thể phủ nhận tiện lợi mà các trang MXH như LinkedIn, Facebook, Instagram hay Twitter đem lại xét trên nhiều khía cạnh của cuộc sống, không đơn thuần là trong thể thao và bóng đá nói riêng. Và từ trường hợp cụ thể của Domzale, có thể thấy nếu một CLB sử dụng MXH để tìm kiếm cầu thủ thì họ sẽ được trải nghiệm ngay những tiện ích.
Đó không chỉ là những phản hồi nhanh tức thì (từ các nhà môi giới hay chính các cầu thủ đang muốn kiếm CLB mới), mà còn mang đến nhiều lựa chọn hơn (từ số lượng cầu thủ đăng ký) và thậm chí cả những dòng bình luận (comment) cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho các CLB trước khi đưa ra quyết định sẽ chiêu mộ cầu thủ nào.
Tóm lại, nó sẽ giúp CLB, các HLV tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức. Còn từ phía các cầu thủ, tự đẩy hồ sơ ứng cử lên MXH cũng là một cách giúp họ có thêm cơ hội tìm thấy công việc - với những trường hợp cầu thủ tự do - thay vì phải lệ thuộc vào các công ty đại diện cầu thủ hay những tay môi giới.
Rõ ràng, cái cách Domzale dùng MXH để chiêu mộ cầu thủ hứa hẹn có thể sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử chuyển nhượng của bóng đá thế giới. Ở đó, sẽ không đơn thuần chỉ có những đội bóng đang có nhu cầu tìm cầu thủ sẽ đẩy thông tin tuyển mộ lên trang MXH của họ mà xa hơn, nhưng giao dịch mua-bán cầu thủ gồm đàm phán phí chuyển nhượng giữa CLB bán với CLB mua, thương thảo các điều khoản hợp đồng, lương bổng giữa CLB mua với cầu thủ, đều có thể được thực hiện trên… Facebook, Twitter hay LinkedIn.
Tất nhiên, khi đó tính bảo mật cũng phải đòi hỏi cao hơn và không nhất thiết mọi chi tiết đàm phán phải phơi ra cho mọi người nhìn thấy. Nhưng các bên hoàn toàn có thể chốt lại các thương vụ từ ngay trên MXH, như bấm nút “Like” chẳng hạn để thể hiện sự đồng ý và xác nhận bằng các hợp đồng cùng chữ ký điện tử. Khi đó, mọi thứ sẽ được chốt nhanh chóng, thuận tiện hơn và đương nhiên các đội bóng sẽ không còn ám ảnh với chiếc máy Fax nữa.
Không lo máy Fax, chỉ sợ mạng… “lác”
Các thủ tục giấy tờ ở một vụ chuyển nhượng thông thường rất lằng nhằng hay bị tắc và chậm trễ khi các CLB gửi cho nhau bằng máy Fax và phải gửi lên LĐBĐ sở tại và gửi tới cả hệ thống quản lý chuyển nhượng của FIFA.
Nếu dùng mạng xã hội, các bên có thể chốt sớm hơn. Tất nhiên, để biện pháp này có thể áp dụng thì phải được FIFA chấp thuận. Và nó cũng có tỷ lệ rủi ro nhất định, ví như sự cố đứt mạng Internet khi các bên đang thỏa thuận chẳng hạn. Nhưng dẫu sao nếu các CLB có thể đàm phán trực tiếp qua MXH thì mọi việc sẽ diễn ra trơn tru và nhanh hơn.