Hoàng Vĩnh Giang: Kỷ lục gia, chiến lược gia và một nghiệp đời thể thao
Sinh năm 1946, là con trai của cố GS Hoàng Minh Giám, một trí thức tiêu biểu, từng được giữ nhiều trọng trách trong bộ máy lãnh đạo của Nhà nước ta ngay từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Hoàng Vĩnh Giang không chỉ thừa kế di sản quý báu về tinh thần, trí tuệ của người cha mà còn sớm bộc lộ rất rõ năng khiếu thể thao.
Ông có thể chơi tốt nhiều môn thể thao, từ bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá và nhất là điền kinh, chưa kể còn giỏi võ. Hoàng Vĩnh Giang đã có một nghiệp VĐV lừng lẫy, với tư cách một kỷ lục gia nhảy cao, mà cột mốc 1m96 mà ông tạo ra tồn tại trong một thời gian rất dài.
Có căn cơ, luôn sáng tạo và chịu khó tìm tòi, khi sang Liên Xô (cũ) học ở Học viện TDTT Kiev, Hoàng Vĩnh Giang hiểu và nắm chắc những nguyên lý của thể thao đỉnh cao, cũng như tích lũy cho mình một thực tế vô cùng phong phú từ nền thể thao hàng đầu thế giới. Ông về nước với những va li sách, băng hình, trang thiết bị dụng cụ thể thao, cùng một khát khao cháy bỏng góp sức mình tạo nên sự thay đổi của thể thao Hà Nội và Việt Nam vừa mới bước qua thời bao cấp, gian khó về mọi mặt.
Kể từ 2003, Hoàng Vinh Giang đã được xem là “chiến lược” gia của thể thao Hà Nội và cả nước, gắn với điểm rơi rực rỡ là việc Việt Nam tổ chức thành công SEA Games 22 về mọi mặt, trong đó thể thao Việt Nam lần đầu giành ngôi nhất toàn đoàn. Đây chính là cú hích tạo nên bước đột phá trong sự phát triển và hội nhập quốc tế của cả một nền thể thao, với vai trò cùng dấu ấn lớn của vị Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam.
Đó là thành quả tích lũy từ hàng thập kỷ, qua rất nhiều thử thách, những bước tiến ban đầu cùng cả những thất bại, qua nhiều nghìn ngày miệt mài của biết bao người làm thể thao, mà ông Giang là một “đầu tàu” dẫn dắt. Với chiến lược “đi tắt đón đầu”, “lấy nữ làm chủ công” mà ông là người khởi xướng và tổ chức thực hiện tại Hà Nội, hàng loạt môn thể thao mới đã được du nhập hay thúc đẩy theo một cách làm mới, để tạo nên cả một nền tảng cùng diện mạo mới. Cùng đó, rất nhiều địa phương trong nước đã học theo cách làm của Hà Nội ở lĩnh vực thể thao mà tác giả của nó là Hoàng Vĩnh Giang.
Ngoài sự phát triển trên cả bề rộng lẫn chiều sâu, được thể hiện qua sự tăng trưởng nhanh và vững của phong trào, hệ thống đào tạo, lực lượng VĐV cùng thành tích, ông còn có đóng góp vô cùng đáng kể đối với ngành thể thao trong tầm nhìn dài hạn, hướng mạnh ra quốc tế, cùng những hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế đa dạng, sinh động, hiệu quả.
Năm 2006, Hoàng Vĩnh Giang đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỷ đổi mới, một phần thưởng xứng đáng mà với ông “đây là một vinh dự lớn không chỉ của riêng tôi mà còn của toàn ngành thể thao”.
Năm 2017, nhà thể thao kỳ cựu này đã được tôn vinh ở hạng mục Thành tựu trọn đời của giải thưởng Cúp Chiến thắng.
Cho đến những ngày trước khi qua đời, đã ở tuổi 75, Hoàng Vĩnh Giang vẫn luôn đau đáu, nỗ lực dốc hết tâm sức cho thể thao, nghiệp đời của mình như lời phát biểu trong niềm xúc động dâng trào khi nhận giải thưởng “Thành tựu trọn đời” tại Gala Cúp Chiến thắng 2017. Ông vẫn đang mê mải với những dự định, công việc trên nhiều trọng trách: Phó Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam.