VĐV khuyết tật Cao Ngọc Hùng: Cú ném lao để đời & tấm HCĐ lịch sử ở Rio
Sau 5 lần tham dự Paralympic, Việt Nam cuối cùng đã có được tấm huy chương lịch sử ở môn điền kinh, do công của tuyển thủ liệt chân Cao Ngọc Hùng. Kỳ tích này tại Rio của Hùng đã mang tới bước ngoặt cho nghiệp đấu và cuộc sống của chàng trai giàu nghị lực quê gốc Quảng Bình.
Trên sân ném lao tại Rio, Cao Ngọc Hùng với chiều cao 1m 66, cân nặng 65, trắng trẻo, thư sinh, lọt thỏm giữa hàng loạt đấu thủ vạm vỡ, gân guốc. Thế nhưng, anh đã khiến tất cả phải nể phục bởi sự tự tin, bền bỉ và khả năng phi thường của mình.
Với một cú ném để đời, đat mức 43,27 tốt nhất kể từ khi khởi nghiệp, Hùng đã mang về tấm HCĐ lịch sử cho điền kinh người khuyết tật Việt Nam sau 2 thập kỷ tay trắng tại Paralympic.
Bước lên bục nhận huy chương, chàng trai liệt chân quê Quảng Bình này đã sung sướng, tự hào đến trào nước mắt. Đối với anh, đó không chỉ là món quà dành cho cậu con trai 1 tuổi đang chờ anh về làm thôi nôi, cũng không chỉ là chiếc huy chương “vợ chồng” khi mà vợ anh – VĐV điền kinh khuyết tật Nguyễn Thị Hải đã không được tham dự Paralympic để ở nhà chăm sóc cho hai con mà còn là một cuộc “phục thù” hoàn hảo.
Cách đây 4 năm, ở Paralympic London, đáng lẽ ra anh đã có huy chương ở hạng F58 nhưng do thiếu VĐV, Ban tổ chức ghép F57 lên F58. Để bù cho sự khác biệt về thương tật , các VĐV F57 được cộng thêm một chiều dài nhất định vào thành tích của minh. Bởi thế, dù kết quả đứng thứ 3 song Hùng bị tụt xuống hạng Tư một cách đầy bất ngờ và nuồi tiếc.
Bị tàn tật ở chân từ nhỏ, sáu tuổi Hùng đã theo ba mẹ vào Sài Gòn kiếm sống vì nhà chúng tôi có quá đông anh em. Anh cũng chỉ học được đến lớp 9 là phải nghỉ vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, nhất là khi người mẹ lại bị tai biến nặng. Trên hành trình mưu sinh khốn khó ấy, một cơ hội cho cả cuộc đời đã đến khi được các thầy chọn vào đội điền kinh người khuyết tật.
Rất đặc biệt vì thời điểm ấy, Hùng không hề thích điền kinh mà chỉ mê bóng đá, và ban đầu cũng chỉ tham gia tập luyện cốt để có thêm tiền phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, môn điền kinh, cụ thể là ném lao trên xe lăn, đã ngấm vào máu Hùng lúc nào chẳng hay. Hùng bắt đầu những tháng ngày thức dậy từ lúc 3 giờ sáng để phụ quán phở, rồi đi tập điền kinh rồi lại quay về phụ quán phở.
Từ 2011, tuyển thủ sinh năm 1990 đã nổi lên như một “hiện tượng” ở môn ném lao xe lăn. Anh không có đối thủ ở các giải quốc nội hay khu vực mà còn vươn tới đẳng cấp hàng đầu châu lục, áp sát nhóm hảo thủ thế giới. Tấm HCĐ tại Rio của tài năng 26 tuổi không hề có dấu ấn của sự may mắn.
Hai vợ chồng tuyển thủ Hùng đều là VĐV nổi tiếng của thể thao người khuyết tật. Chồng là cao thủ ném lao thì vợ (VĐV Nguyễn Thị Hải) thi đấu môn này cũng “oách” không kém, nếu không muốn nói về bề dày thành tích và tổng số huy chương quốc tế còn hơn. Tình yêu và mối duyên của họ được coi là câu chuyện cổ tích của làng thể thao người khuyết tật.
Chị Hải thuộc lứa đàn chị vì nhiều hơn cậu em Cao Ngọc Hùng... 5 tuổi. Nhưng, điều đấy không gây khoảng cách. Gần 10 năm tập cùng rồi vô tình một ngày, họ thấy tình cảm nảy nở trở thành tình yêu đôi lứa. Năm 2014, hai người bước lên xe hoa về… nhà trọ. Dù còn nhiều vất vả, thiếu thốn, nhưng cuộc sống của họ luôn nhiều niềm vui,nhất là với hai đứa con khỏe đẹp, lành lặn.
Mơ ước lớn mà Hùng luôn đau đáu là sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài trên đỉnh cao với thể thao, và sớm có một mái ấm riêng, cụ thể là một căn nhà nhỏ, thay vì phải ở nhờ như mấy năm nay.
Tất cả với Hùng có vẻ như đã rất gần sau tấm HCĐ lịch sử tại Rio.
VĐV ném lao Cao Ngọc Hùng là một trong những ứng viên của hạng mục "VĐV khuyết tật của năm" Cúp Chiến thắng 2016. Để bình chọn cho Ngọc Hùng, soạn tin nhắn với cú pháp BC 30 gửi 8579.