Điền kinh Việt Nam lên kế hoạch “giành vàng” giải vô địch châu Á trong nhà 2022
Với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, các sự kiện thể thao lớn trong năm 2021 đã bị hoãn/hủy hết. Đặc biệt, SEA Games 31 dự kiến tổ chức ở Hà Nội vào cuối tháng 11 này cũng đã bị lùi sang năm 2022 và có khả năng diễn ra vào quý 2. Chính vì vậy, kế hoạch tập luyện và thi đấu của tuyển điền kinh Việt Nam đã có nhiều thay đổi.
Không còn SEA Games 31 trong năm nay, điền kinh Việt Nam chuyển hướng sang một giải đấu quốc tế lớn khác là Giải Điền kinh trong nhà Vô địch châu Á 2022 diễn ra tại Kazakhstan từ 11-13/2/2022. Đáng lẽ giải lần thứ 9 này đã được tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc) từ năm 2020, nhưng đã bị hủy vì dịch COVID-19 và Kazakhstan là quốc gia đăng cai thay thế.
Asian Indoor Athletics Championships được Liên đoàn Điền kinh châu Á tổ chức lần đầu năm 2004 và diễn ra 2 năm một lần. Giải có số nội dung dao động từ 25-30, tùy vào quốc gia đăng cai lựa chọn. Ngoại trừ lần tổ chức đầu tiên năm 2004 ở Tehran (Iran) có 30 nội dung thì 6 kỳ đại hội gần đây đều có 26 nội dung (trừ kỳ đại hội thứ 5 ở Hàng Châu năm 2012 có 25 nội dung).
Tehran và Hàng Châu là hai địa điểm đã từng được chọn đăng cai tới 3 lần. Tuy nhiên, kỳ thứ 8 năm 2020 chưa kịp tổ chức thì Hàng Châu phải tuyên bố hủy vì dịch COVID-19 bùng phát từ chính Trung Quốc. Giải bị gián đoạn tới 4 năm và sẽ trở lại trong năm 2022 sau lần gần nhất tổ chức ở Tehran 2018.
Năm tới, điền kinh Việt Nam sẽ lên kế hoạch tham dự giải này để các tuyển thủ cọ xát chuẩn bị cho SEA Games 31. Ở 4 lần tham dự trước đây (2010-2012-2016-2018), điền kinh Việt Nam đều giành huy chương và có tổng cộng 2 HCV, 2 HCB, 5 HCĐ tại đấu trường Asian Indoor Athletics Championships.
Trong lần đầu tham dự năm 2010 ở Tehran (kỳ đại hội thứ 4), điền kinh Việt Nam giành được 1 HCV của Trương Thanh Hằng ở nội dung chạy 800m nữ với thành tích 2 phút 12 giây 75 (2:12.75). Năm đó, Việt Nam xếp hạng 9 trong tổng số 23 đoàn tham dự.
Hai năm sau ở Hàng Châu, điền kinh Việt Nam xếp 10/26 đoàn dự giải với 1 HCB và 1 HCĐ. Dương Thị Việt Anh giành HCĐ nhảy cao nữ với thành tích 1.84m và HCB 7 môn phối hợp với 3812 điểm.
Năm 2016, khi đại hội tổ chức ở Doha (Qatar), Việt Nam có thêm 1 HCB và 1 HCĐ nữa của các VĐV nữ. Bùi Thị Thu Thảo giành bạc nhảy xa với thành tích 6.30m còn Quách Thị Lan giành đồng chạy 400m với thông số 55.69.
Ở kỳ đại hội gần đây nhất năm 2018 tại Tehran, điền kinh Việt Nam cử 3 VĐV tham dự là Bùi Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Tiến Trọng.
Ba năm trước, ở thời kỳ đỉnh cao, Thảo “bò vàng” đã xuất sắc giành 1 HCV và 1 HCĐ tại giải này. Cô gái quê Ba Vì giành HCĐ nhảy 3 bước với thành tích 13.22m, trước khi xuất sắc giành HCV ở nội dung sở trường là nhảy xa. Nhà vô địch ASIAD 2018 đánh bại 2 VĐV Ấn Độ để chiếm vị trí số một với thành tích 6.20m (các đối thủ có thành tích chỉ là 6.08m và 6.06m).
Trong khi đó, ở những nội dung còn lại, Nguyễn Thị Oanh giành 2 tấm HCĐ ở các cự ly 1500m (4:28.87) và 3000m nữ (9:48.48). Nguyễn Tiến Trọng đạt thành tích 7.50m ở nội dung nhảy xa nam nhưng không giành huy chương.
Để chuẩn bị cho giải năm 2022, ông Nguyễn Mạnh Hùng - phụ trách bộ môn điền kinh Tổng cục Thể dục thể thao kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho biết: “Việt Nam sẽ tham dự giải vô địch châu Á trong nhà năm tới, cụ thể số lượng VĐV và các nội dung sẽ được chốt sau khi thông qua kế hoạch năm với Tổng cục TDTT.
Chúng tôi sẽ xem xét và lựa chọn trải dài ra các tổ nhóm đi thi đấu vì năm sau nhiều nhiệm vụ. Nhưng vẫn ưu tiên tuyệt đối cho tổ nhóm 400m”.
Trong khi đó, VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020 Quách Thị Lan cũng cho biết cô và đồng đội tổ chạy 400m ở đại bản doanh Nhổn đã nhận được kế hoạch thi đấu cho giải châu Á trong nhà 2022 vào tháng 2 năm sau nên giáo án tập luyện đã bắt đầu được triển khai.