Tuyển thủ người khuyết tật Việt Nam nói gì khi ASEAN Para Games 11 không tổ chức?
Mới đây, Bộ Chính trị đã đồng ý đề xuất xin lùi thời điểm tổ chức SEA Games 31 từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022 và không tổ chức ASEAN Para Games 11 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất.
Việc ASEAN Para Games 11 không diễn ra tại Hà Nội vào năm tới khiến nhiều VĐV người khuyết tật trăn trở. Tuyển thủ điền kinh Cao Ngọc Hùng, người từng giành HCĐ ném lao hạng thương tật F57 ở Paralympic Rio 2016 đã chia sẻ quan điểm trên trang Facebook cá nhân của mình: “Một quốc gia vững mạnh sẽ không để ai phải tụt lại phía sau. Thể thao khuyết tật chúng tôi cũng là một phần trong cuộc sống này. Hãy xem Para Games là một cơ hội để chứng tỏ cho thế giới và cộng đồng ASEAN thấy Việt Nam là nước vượt qua đại dịch thế nào”.
Sau khi biết tin ASEAN Para Games 11 sẽ không được tổ chức tại Việt Nam năm tới, Ngọc Hùng bày tỏ quan điểm trên một bài viết của một nhà báo thể thao rằng: “Tổ chức SEA Games mà không tổ chức ASEAN Para Games là thiếu công bằng… làm cho bạn bè quốc tế thấy rõ sự yếu kém của Việt Nam. Sao lại để thể thao khuyết tật phải bị bỏ lại? Một quốc gia vững mạnh hòa nhập thịnh vượng sao lại để thể thao khuyết tật bị lùi lại? Rất mong Chính phủ nhìn và xem xét lại… Đừng bỏ ASEAN Para Games!!!”.
VĐV 31 tuổi tỏ ra nuối tiếc khi viết: “Dẫu biết là không thể đòi hỏi công bằng nhưng làm thế này chúng tôi cảm thấy tổn thương nặng nề và dường như bị hụt hẫng sao sao đó…”.
Ngoài ra, Nguyễn Thị Hải, vợ của Cao Ngọc Hùng, đồng thời là tuyển thủ quốc gia người khuyết tật từng tham dự Para Games và Paralympic ở nội dung ném đĩa nữ hạng F57, cũng buồn bã: “Para Games Việt Nam chưa bao giờ làm mọi người thất vọng vậy mà không tổ chức. Đã lỡ một lần Para Games tại Philippines rồi”.
Võ Thanh Tùng, một trong những “kình ngư” xuất sắc nhất của thể thao người khuyết tật Việt Nam, người từng giành khoảng 200 huy chương bơi, một chục năm được bình chọn là VĐV khuyết tật xuất sắc của Việt Nam, cũng rất buồn khi biết tin Para Games 11 không được tổ chức.
“Nếu không tổ chức Para Games, lãnh đạo nên hỗ trợ cho VĐV khuyết tật phần nào để các bạn được yên tâm, yên lòng tiếp tục kiên trì cho các giải kế tiếp” - Võ Thanh Tùng, người từng giành HCB bơi 50m nam S5 Paralympic Rio 2016, đề xuất.
Nếu ASEAN Para Games 11 không được tổ chức ở Hà Nội thì đây sẽ là lần thứ hai liên tiếp đại hội thể thao dành cho người khuyết tật Đông Nam Á này bị hủy. Trước đó, chủ nhà SEA Games 30 Philippines đã quyết định không tổ chức ASEAN Para Games 2019 vì vấn đề kinh phí lẫn ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Không tổ chức ASEAN Para Games 11, Việt Nam sẽ dồn lực tổ chức SEA Games 31 (dự kiến tháng 5/2022) với 40 môn thể thao (520 nội dung) tại Hà Nội và các tỉnh lân cận như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
SEA Games 31 dự kiến đón khoảng 20.000 người là quan chức, VĐV của 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Việc tổ chức đại hội thể thao đông người như vậy trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt bùng dịch COVID-19 dữ dội là một thử thách không hề nhỏ.
Nếu SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam vào tháng 5 năm tới thì đây sẽ là kỳ đại hội lịch sử khi chỉ sau đó đúng một năm (tháng 5/2023), SEA Games 32 sẽ diễn ra tại Campuchia. Cộng đồng thể theo khu vực hy vọng Campuchia sẽ tổ chức thành công cả SEA Games và Para Games khi dịch bệnh đã được kiểm soát ổn định.