Công nghệ giúp Federer, Nadal, Djokovic trở nên vĩ đại như thế nào? - Kỳ 1
Trước thềm US Open 2019, Roger Federer từng tuyên bố: “Nếu không thể trả giao bóng thành công, bạn đừng mong giành chiến thắng”. Bên cạnh đó, tay vợt người Thụy Sỹ còn khẳng định, Rafael Nadal chính là tay vợt có khả năng trả giao bóng tốt nhất thế giới ở thời điểm hiện tại và sau khi trận chung kết US Open 2019 khép lại, tất cả đã thấy rằng lời tiên tri của Roger Federer chuẩn không cần chỉnh tới mức nào.
Trong trận chung kết diễn ra tại Flushing (Queens) vừa qua, Rafael Nadal đã ghẻ gãy tới 3 game giao bóng của Daniil Medvedev trước khi giành chiến thắng chung cuộc 7-5, 6-3, 5-7, 4-6, 6-4. Xét rộng hơn, kể từ đầu năm 2019, “Ông Vua sân đất nện” chính là tay vợt có khả năng trả giao bóng ấn tượng nhất khi tỷ lệ giành chiến thắng là 38%, xếp sau là Djokovic với chỉ 33%.
“Việc ghi điểm ở 2 cú đánh đầu tiên luôn mang tính quyết định”, Nadal nhấn mạnh. “Có thể bạn là người ưa thích những pha đánh bóng bền. Tuy nhiên, điều đó sẽ khiến cho trận đấu luôn rơi vào trạng thái vô cùng căng thẳng”.
Thực tế cho thấy, những nhận định của Nadal hay lời tiên tri của Federer đều là thành quả của việc nghiên cứu các số liệu thống kê một cách tỉ mỉ và khoa học. Ông Craig O’Shannessy, chuyên gia phân tích số liệu của Novak Djokovic thừa nhận rằng, những pha bóng bền có thể mang tới sự phấn khích cho người xem, nhưng những pha “ghi điểm sớm” mới quyết định sự thành bại trong trận đấu.
“70% điểm số được quyết định bởi từ 4 cú đánh trở xuống. Nếu bạn tung ra ít cú đánh những vẫn giành nhiều điểm hơn, bạn có tới 90% cơ hội giành chiến thắng trong trận đấu”, ông Craig O’Shannessy khẳng định.
Việc áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là số liệu phân tích trong thi đấu thể thao đang thực sự bùng nổ và trở thành một xu hướng trong những năm trở lại đây. Điều này giúp cho vị thế và vai trò của những nhà phân tích như ông Craig O’Shannessy hay các hãng thống kê như Golden Set Analytics, Tennis Stat và Tennis Analytics lên một tầm cao mới.
Thậm chí, các Tập đoàn Công nghệ danh tiếng cũng bắt đầu đẩy mạnh phát triển vào mảng thống kê và phân tích dữ liệu thể thao. SAP hiện đang cung cấp nền tảng thống kê cho các giải thuộc hệ thống WTA. Trong khi đó, Infosys là đối tác công nghệ của 2 giải Grand Slam (Australian Open và Roland Garros) và cung cấp nền tảng thống kê cho các giải thuộc ATP. Ở một diễn biến khác, IBM đang hợp tác với Hiệp hội Quần vợt Mỹ (USTA) trong việc phát triển các thiết bị hỗ trợ cho các tay vợt nước này. Ngoài ra, IBM còn đang là nhà cung cấp độc quyền công nghệ SlamTracker cho giải U.S. Open và Wimbledon.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh và độc quyền số liệu thống kê giữa các tập đoàn công nghệ cũng khốc liệt không kém gì sự ganh đua thành tích của các tay vợt trên sân bởi “bạn không hề muốn đối thủ biết bạn đang làm gì và làm như thế nào” như lý giải của ông Craig. Trong hơn 10 năm qua, trước khi bước vào mỗi giải đấu, Djokovic luôn có sự hỗ trợ tối đa từ các dữ liệu thể thao và video phân tích.
“Nó giống như việc bạn phải làm bài tập về nhà sau mỗi giờ lên lớp vậy”, Djokovic chia sẻ. “Tôi thấy điều đó rất bình thường nhưng vô cùng khoa học. Bởi lẽ, tôi phải luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trước khi bước vào một giải đấu”.
Trong khi đó, ở buổi họp báo tại US Open 2019, Roger Federer nhấn mạnh rằng, các con số thống kê thực sự “rất thú vị”. Rất nhiều thông tin cho rằng, Roger Federer phải bỏ ra ít nhất 80.000 bảng Anh/năm, tức hơn 2,3 tỷ đồng để sử dụng một tài khoản đặc biệt của Golden Set Analytics (GSA), nơi mà anh có thể nhận được những số liệu thống kê mà không một ai khác có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, hãng thống kê danh tiếng trên chưa bao giờ xác thực thông tin trên với lý do “bảo mật”.
Không chỉ các tay vợt nam, việc sử dụng các số liệu thống kê và công nghệ phân tích cũng được ưa chuộng bởi các “bóng hồng”. Tay vợt số 2 thể giới, Karolina Pliskova từng khẳng định: “Tôi luôn sử dụng các dữ liệu thống kế, không chỉ để nghiên cứu đối thủ mà còn cải thiện chính phong độ của mình. Các con số không biết nói dối và bạn chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ nó”.
Nhà sáng lập Tennis Analytics đồng thời là cha đẻ của công nghệ Dartfish, ông Warren Pretorius là một trong số những người đầu tiên mang công nghệ cao đến với “trái banh nỉ”.
Dartfish là một giải pháp tích hợp trên đa nền tảng (phần mềm, online và di động), cho phép người dùng có thể quay video, gắn thẻ video theo thời gian thực và tải chúng lên. Chính Dartfish đóng vai trò quan trọng giúp cho ĐT Mỹ lên ngôi tại Davis Cup 2011 và hơn 400 VĐV giành huy chương tại Olympic 2012.
“Nếu cách đây khoảng 5 hay 6 năm, tôi có thể nói rằng hầu hết các tay vợt hàng đầu thế giới đều không sử dụng công nghệ thống kê và phân tích dữ liệu. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, sẽ là một cú sốc cực mạnh nếu như có tay vợt nào đó nằm trong Top 50 không sử dụng công nghệ cao trong tập luyện và thi đấu”, ông Warren quả quyết.
Nhận định này càng được củng cố khi chuyên gia phân tích dữ liệu của Tổ chức Tennis Australia, ông Darren McMurtrie khẳng định, vào năm 2008, theo thống kê của ESPN, quần vợt là một thể thao ít sử dụng công nghệ thống kê thứ 2 trên thế giới, chỉ xếp trên… boxing. Đến ngày nay, Tennis Australia cùng công ty con của mình, Game Insight Group, là một trong những đơn vị đầu trong việc đẩy mạnh việc cung cấp dữ liệu và phương pháp áp dụng dữ liệu ở môn thể thao này, đặc biệt là tại giải Australian Open.
Trong khi đó, Hiệp hội Quần vợt Hoa Kỳ (USTA) cũng hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn IBM khi áp dụng Công nghệ trí tuệ nhân tạo IBM Watson và điện toán đám mây Red Hat tại US Open. Thành quả mới nhất của sự hợp tác này chính là việc áp dụng công nghệ Coach Advisor tại US Open 2019.
Điểm ưu việt của Coach Advisor nằm ở 2 chỉ số thống kê siêu ấn tượng liên quan tới “Hệ thống năng lượng của VĐV” (Player Energy Systems), điều mà chưa từng có sản phẩm công nghệ nào được áp dụng trong tennis sở hữu.
“Công nghệ thống kê và phân tích dữ liệu chính là một vũ khí cực kỳ lợi hại. Nó không chỉ giúp các HLV có thể hiểu rõ điều gì đang xảy ra trong suốt giải đấu, mà còn giúp cho BHL có thể cải thiện được phong độ của VĐV để đưa ra những giáo án và chiến thuật phù hợp. Ngay cả khi thất bại, họ cũng hiểu được nguyên nhân nằm ở đâu”, ông Martin Blackman, Người đứng đầu bộ phận phát triển VĐV của USTA khẳng định.