U22 Việt Nam sẽ vượt khó khăn đá cỏ nhân tạo tại SEA Games 30 thế nào?
Nước chủ nhà Philippines mới đây đã công bố địa điểm tổ chức thi đấu môn bóng đá nam và nữ tại SEA Games 30 (từ 30/11 đến 11/12). Trong đó, các trận bóng đá nam sẽ diễn ra tại 3 sân vận động là Rizal Memorial, Binan Football và UMAK Football.
Với việc cả 3 sân đấu được nước chủ nhà Philippines lựa chọn đều được trải mặt cỏ nhân tạo, các cầu thủ U22 Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn.
“Thi đấu trên mặt cỏ nhân tạo sẽ khó hơn rất nhiều so với mặt cỏ tự nhiên. Mặt cỏ cứng sẽ dẫn đến bất lợi trong cách xử lý bóng. Bên cạnh đó, phải mất khoảng thời gian dài mới có thể làm quen và thi đấu thuần thục trên mặt cỏ nhân tạo.
Ở HAGL, tôi cũng từng được luyện tập trên sân cỏ nhân tạo nhưng không nhiều, số lần đếm trên đầu ngón tay. Việc phải thi đấu trên sân cỏ nhân tạo sẽ là một điều bất lợi cho ĐT U22 Việt Nam”, tiền vệ Việt Hưng của HAGL chia sẻ trong đợt tập trung mới đây lên U22 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 30.
ĐT Việt Nam từng đối diện khó khăn đá trên mặt cỏ nhân tạo ở vòng loại Asian 2019, trong trận làm khách trên sân ĐT Campuchia hai năm trước. Mặc dù có thời gian làm quen nhưng các tuyển thủ Việt Nam, khi đó còn được HLV Mai Đức Chung dẫn dắt, vẫn than trời vì bị rộp chân và đau gối.
Và để giảm thiểu khó khăn, U22 Việt Nam có lẽ sẽ tính toán đến việc thay giầy, từ loại đinh liền (FG) cho sân tiêu chuẩn hoặc giầy đinh móng sắt (SG) cho sân cỏ ướt và mềm sang loại giầy đinh tán (AG) dành cho sân cỏ nhân tạo.
Khác với mặt sân cỏ tự nhiên có nền đất mềm và êm, sân cỏ nhân tạo với các lớp sỏi, hạt cao su và cỏ nhựa có nền cứng cũng như độ trơn lớn hơn. Giầy AG được thiết kế có số lượng đinh nhiều, ngắn và mềm hơn nhằm mang lại độ bám tối ưu, tránh rủi ro dính chấn thương bị trật khớp.