Vạch trần những hình thức lừa đảo "chỉ chơi game là có tiền"
Chơi game kiếm tiền có lừa đảo không?
Trên thực tế, chơi game kiếm tiền là có thật. Đây được xem là một công việc đang khá hot trên mạng hiện nay và đem lại thu nhập cho người tham gia. Bên cạnh đó, nhiều người còn xem đây là công việc chính thức của họ và từ công việc này đã thu về mức thu nhập cực kỳ khủng cho mình.
Chơi game kiếm tiền không phải là lừa đảo, bởi để kiếm được tiền khi chơi game, bạn cần có rất nhiều kinh nghiệm và cùng sự tỉnh táo. Bạn sẽ nhận được tiền một cách sòng phẳng nếu lựa chọn những công ty game uy tín để hợp tác.
Tuy nhiên, những hình thức lừa đảo trên mạng gắn mác "chơi game kiếm tiền" đang xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội. Chúng ngày càng tinh vi và phức tạp hơn,.
Lừa đảo chơi game đổi thưởng, đầu tư ngoại hối
Ngày 12.6, Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) phát đi cảnh báo người dân về thủ đoạn lừa đảo thông qua hình thức các ứng dụng trò chơi đổi thưởng, dụ dỗ đầu tư ngoại hối trên những sàn giao dịch giả sau đó chiếm đoạt tài sản người chơi, nhà đầu tư.
Nhóm người xấu sẽ hướng dẫn người dân tải ứng dụng trò chơi đổi thưởng hứa hẹn trúng thưởng “béo bở”, các sàn giao dịch đầu tư ngoại hối giả mạo như: Max3d, Bmax, Doji, Coin Base,… và yêu cầu người chơi đăng ký tài khoản và tham gia nạp tiền đặt lệnh theo hướng dẫn.
Tiếp đó, các nhóm lừa đảo sẽ “đi đòn tâm lý”, bằng cách cho người chơi liên tục thắng và rút tiền trong những lần đầu với số lượng tiền nhỏ để đánh vào lòng tham của người chơi. Khi lòng tin đủ lớn, các nhóm lừa đảo dụ dỗ người chơi tham gia vào các mức giá có lượng tiền lớn. Khi người chơi gửi yêu cầu rút tiền, nhóm lừa đảo sẽ thông báo gặp lỗi hệ thống và yêu cầu nộp các khoản phí bảo hiểm khác nhau để được xử lý yêu cầu rút tiền.
Cứ như vậy, người chơi bị dẫn dắt phải nộp vào nhiều khoản phí, nhưng cuối cùng người chơi sẽ không rút được bất kỳ khoản tiền nào.
App kiếm tiền lừa đảo
Hình thức lừa đảo có lẽ phổ biến nhất hiện nay đó là người dùng tham gia cài đặt, tích lũy điểm thưởng nhưng tới lúc đủ điểm thực hiện rút tiền nhưng hệ thống báo không thành công. Hoặc, hệ thống sẽ chuyển trạng thái sang “Xét duyệt” nhưng duyệt thưởng tới khi nào mới xong thì không ai biết cả.
Ngoài ra hiện nay, có một số nhóm đối tượng sẽ hướng dẫn người chơi tải ứng dụng và nạp tiền một vài lần với số tiền nhỏ hứa hẹn bạn sẽ nhận được lãi suất cực cao. Tuy nhiên cuối cùng thì tiền cũng chỉ là tiền ảo mà chẳng thể rút được. Hình thức này tương tự như nạp VIP nhận ưu đãi lớn mà những app kiếm tiền lừa đảo hay thường làm.
Đăng nhập tài khoản trên những app lừa đảo có thể sẽ bị đánh cắp thông tin ngân hàng, tài khoản MXH. Các đối tượng này sẽ liên hệ người thân của chủ tài khoản, giả mạo nhân viên ngân hàng, thông báo trúng thưởng, đưa tin giả nhận được quà tặng gửi từ nước ngoài sau đó yêu cầu chuyển tiền trước để nhận thưởng và thực hiện hành vi chiếm đoạt sau đó.
Chơi một ván game lời trăm triệu
Những trò chơi online phải nạp như tài xỉu, đề án... cũng có những lời mời hấp dẫn không kém khi lừa con mồi rằng khả năng thắng rất cao. Với lời quảng cáo chỉ cần số tiền gốc 25 triệu đồng những có thể thắng tới 203 triệu đồng, không ít người đã tin vào trò chơi may rủi này.
Một trường hợp tôi biết ở TP HCM cũng đã chơi thử lần đầu và thắng với số tiền là 243 triệu đồng. Tuy nhiên, do số tiền đã vượt quá quy định, nên phía bên kia không cho rút vì cho rằng người chơi đã không đọc kỹ hướng dẫn và yêu cầu nạp thêm tiền lên gói 50 triệu đồng.
Tại đây, nạn nhân được tiếp xúc với "cò mồi" cho vay 10 triệu đồng và có những lời nói động viên như: "Tiếc quá! Chơi đến đây mà nghỉ thì phí quá. Sao bạn không vay nóng?"... và đối tượng này làm mọi cách để nạn nhân nạp thêm cho đủ 25 triệu đồng.
Nếu ham số tiền lớn và tiếp tục chơi, nạn nhân sẽ nhận được thông báo đã thắng từ người "thầy" đọc lệnh và được yêu cầu liên hệ với bên chăm sóc khách hàng để làm thủ tục rút tiền. Phương án họ đưa ra là chuyển 24/7, phí 2-4%, khoảng 15-30 ngày giải ngân hoặc chuyển nhanh với phí 8% trong vòng 24h là có tiền. Và người chơi sẽ buộc phải nạp thêm tiền để được nhận thưởng. Kết quả đương nhiên là tiền mất tật mang.
Mối nguy hại từ blockchain và metaverse
Một số nhà phân tích trong ngành công nghiệp game cho rằng, mô hình kinh doanh này không bền vững. Jonathan Teplitsky đến từ công ty Blockchain Horizen Labs cảnh báo: “Hầu hết các trò chơi chơi để kiếm tiền là một ngôi nhà của những quân bài, được thúc đẩy bởi sự cường điệu hoá và đầu cơ giá cả. Toàn bộ hệ thống này hoạt động tốt, trong khi công ty Axie rủng rỉnh tiền mặt và sẵn sàng cung cấp năng lượng cho một cỗ máy tiếp thị khổng lồ. Nếu Axie muốn sống sót sau sự sụp đổ thị trường tiếp theo, họ sẽ cần phải xây dựng một số tiện ích trong thế giới thực vào trò chơi của họ mà không phụ thuộc vào tâm trạng của thị trường”.
Hiện có rất nhiều dự án game blockchain hay NFT nở rộ trên thị trường Việt và thế giới, cũng có rất nhiều chuyên gia từng đưa ra lời cảnh báo cho các nhà đầu tư khi tham gia “sân chơi này”. Để có thể lựa chọn các dự án tốt và tránh được các dự án lừa đảo, nhà đầu tư được khuyến nghị cần phải có kiến thức về crypto. Ít nhất phải biết cách mở ví, thêm hợp đồng hay địa chỉ… vì chơi crypto sai thông tin là mất luôn.
Việc ăn theo “trend” và không có chuyên môn về làm game, đã tạo ra hàng loạt dự án GameFi lừa đảo tại Việt Nam từ trước đến nay.
Điển hình một số vụ lừa đảo từng được cộng đồng khui ra như Zodiac, bị các nhà đầu tư tố cáo đã đánh cắp số tiền hơn 50 tỷ đồng; dự án Crypto Bike chiếm đoạt 30 tỷ đồng; chuỗi dự án Ccar, Cpan, Cguar đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư và người chơi lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Mặc dù phát hiện ra, nhưng đa số các nhà đầu tư đến nay vẫn chưa thể lấy lại được tiền.
***
Những chiêu trò lừa đảo trên các app kiếm tiền ngày càng trở nên tinh vi hơn bao giờ hết. Vì vậy bạn cần thực sự tỉnh táo tìm hiểu nguồn gốc, giấy phép kinh doanh, những thông tin về app trước khi tham gia.