Tại sao bóng chạm tay 2 lần mà Italia không được hưởng penalty?
Trong trận khai mạc Euro 2020, chủ nhà Italia đã có chiến thắng vang dội trước đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ với tỉ số 3-0. Tuy nhiên, họ đã trải qua 45 phút đầu tiên vô cùng bế tắc. Sự bế tắc ấy có thể đã được phá vỡ, nếu như họ được hưởng một quả phạt đền sau những tình huống chạm tay của cầu thủ đội khách.
Không chỉ một, mà những hai lần, bóng từ chân các cầu thủ Italia tìm tới tay hậu vệ đối phương. Ở phút thứ 20, cú sút bóng đi trúng tay Caglar Soyuncu. Đội chủ nhà đòi phạt đền, nhưng trọng tài Danny Makkelie phẩy tay từ chối khi tay của hậu vệ Leicester đã thu sát người.
Tình huống bóng chạm tay Soyuncu (0:08)
Tranh cãi chỉ thực sự nổi lên vào cuối hiệp, khi Leonardo Spinazzola tạt bóng đi trúng cánh tay của Zeli Celik. Nhưng ngay cả khi VAR vào cuộc, trọng tài người Hà Lan vẫn không thổi phạt bất chấp sự phản ứng dữ dội của các cầu thủ Italia.
Theo luật bóng đá mới của FIFA được Ủy Ban Bóng đá Quốc tế (IFAB) phổ biến tới các đội bóng tại Euro năm nay, không phải cứ chạm tay vào bóng sẽ bị thổi phạt. Hướng dẫn mới cho biết nếu bàn tay hoặc cánh tay của cầu thủ phòng ngự không làm cơ thể "to ra bất thường" sẽ không bị thổi phạt. Điều tương tự cũng áp dụng vào các trường hợp cầu thủ tấn công chạm tay vào bóng trong quá trình dẫn tới bàn thắng.
Pha bóng Celik để bóng chạm tay nhưng không bị thổi phạt
Xét theo luật chạm tay mới thì cánh tay của Zeli Celik đã làm cho cơ thể to ra, nhưng trọng tài Makkelie và các cộng sự đều cho rằng động tác tay hậu vệ Thổ Nhĩ Kỳ là tự nhiên vì cầu thủ này đang chạy, nên không thổi phạt đền.
"Luật được viết lại theo tinh thần của bóng đá và giúp các cầu thủ có sự tự do lớn hơn khi chơi bóng", Trưởng ban Trọng tài UEFA Roberto Rosetti chia sẻ hồi đầu tháng Sáu. Ông cho rằng luật dùng tay chơi bóng tại nhiều quốc gia châu Âu hiện quá khắt khe.
Trọng tài điều khiển trận khai mạc là Danny Makkelie tới từ Hà Lan, quốc gia sở hữu rất nhiều trọng tài đáng tin cậy. Kể từ năm 2018 tới nay, không có thành viên UEFA nào sở hữu nhiều trọng tài được chỉ định làm nhiệm vụ nhiều hơn Hà Lan.
Tổ trọng tài VAR được bố trí làm việc tại tổng hành dinh của Liên đoàn Bóng đá châu Âu tại Nyon, Thụy Sĩ. Đây đều là những trọng tài tốt nhất được chọn lọc từ các giải Vô địch Quốc gia hàng đầu châu Âu. "Chúng tôi đã chọn ra các trọng tài VAR tốt nhất châu Âu, và tôi có thể nói là tốt nhất thế giới", ông Rosetti khẳng định.