Công Phượng rời Incheon: Đừng sang Pháp! Về nhà đi con!
Đầu tiên phải hiểu Công Phượng rời Incheon theo cách nào. Một số thông tin cho rằng, Incheon sa thải Công Phượng nhân chuyện cầu thủ này về Việt Nam thi đấu ở King’s Cup - giải đấu mà chính HLV Park Hang-seo thừa nhận là sai lầm về chiến thuật.
Nhưng cũng có thông tin, phát đi từ HAGL khẳng định rằng, nguyên nhân Phượng rời Incheon là do cầu thủ này tới Hàn Quốc bằng hợp đồng cho mượn đến hết mùa, tuy nhiên thời điểm này HAGL đã làm mối cho Công Phượng sang thi đấu ở một CLB hạng 2 của Pháp, vì thế phía HAGL đã làm việc “xin lại” Công Phượng và được chấp nhận.
Hiểu thế nào cũng được nhưng có một thực tế là: Công Phượng đã thất bại trong chiến dịch Incheon khi chỉ thi đấu tổng thời gian chỉ tương đương 4/14 trận của Incheon và không ghi bàn thắng nào.
Ngay từ thời gian đầu tiên, khi Công Phượng mòn mỏi trên ghế dự bị, không ít người cảm thấy có sự sai lầm trong câu chuyện Công Phượng sang Incheon. Một sai lầm rất chiến thuật như cách nói của Park Hang-seo nhưng vì lý do nào đó mà sai lầm này không nhanh chóng được sửa chữa.
Nếu vì tiền, có lẽ HAGL không khó khăn đến mức phải đưa một trong những cầu thủ tốt nhất của mình đi như vậy để rồi chính họ phải vật vã tại V.League khi thiếu những hảo thủ tốt nhất.
Nếu vì muốn cho Công Phượng một môi trường chuyên nghiệp để anh thế hiện thì phải chăng câu chuyện Mito Hollyhock không phải là một bài học hay sao?
Cá nhân tôi ủng hộ việc đưa các cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu bởi chỉ có thể phát triển nếu đưa ra được những giới hạn cao và tìm cách vượt qua nó. Thể thao có một nguyên tắc, từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp, đó là càng thi đấu với đối thủ mạnh hơn thì khả năng tiến bộ càng nhanh. Tôi có những người bạn chơi tennis bao nhiêu năm chỉ làm được mỗi động tác là đẩy bóng được sang sân đối phương, lý do là anh chỉ chơi một nhóm mà trình độ chỉ tương đương hoặc thấp hơn. Cho đến khi người này quyết định tách nhóm, chấp nhận chơi với những đối thủ hay hơn và khi quay lại, anh ta đã có một trình độ khác hẳn.
Bóng đá cũng vậy, Xuân Trường, Tuấn Anh hay Công Phượng khó có cơ hội phát hiện khả năng của mình nếu chỉ chơi ở V.League. Song, sự ra đi phải dựa trên nhiều yếu tố: nhu cầu từ phía CLB, khả năng đáp ứng của cầu thủ, khả năng thích hợp cả về chuyên môn lẫn văn hóa (thập chí hòa hợp cả tính cách) chứ không phải là câu chuyện gả bán, CLB đặt đâu cầu thủ ngồi đó. Trong chuyện của Phượng, bi kịch bắt đầu có thể từ chuyện HAGL “gả bán” chứ không phải xuất phát từ nhu cầu của Incheon hay của Công Phượng.
Vậy thì Công Phượng sang Pháp sẽ thế nào? Lại là một cuộc gả bán nữa chăng? Và nếu có điều đó thì rõ ràng Công Phượng phải sẵn sàng đón nhận bi kịch như đã từng có ở Incheon United hay Mito Hollyhock.
Trường hợp của Phượng làm tôi nhớ đến những nhân vật trong bộ phim đang nổi đình nổi đám hiện nay: Về nhà đi con. Phim giản dị như thông điệp của nó. Sẽ chẳng đâu bằng gia đình khi người ta gặp khó khăn.
Lúc này, đừng nghĩ đến chuyện đi Pháp (có thể phía HAGL đưa ra phương án này để sự ra đi của Phượng khỏi Incheon đỡ nhuốm mùi ê chề), hãy về V.League để thi đấu, thể hiện nơi mà anh có cơ hội được tỏa sáng và đóng góp nhiều nhất.
Lời khuyên ngắn gọn nhất với Phượng lúc này: Về nhà đi con!