Đánh thức thiên đường Jorge Rudge
Rio de Janeiro - Dường như, không có cái "nhiệt kế" nào để đo sự phấn khích, cuồng say và kỳ vọng của người dân Brazil với World Cup tốt hơn con phố Jorge Rudge nằm gần sân bóng huyền thoại Maracana.
Cứ 4 năm một lần, hằng tháng trời trước khi trái bóng World Cup bắt đầu lăn, người dân ở Jorge Rudge, con phố tập trung tầng lớp lao động bình dân ở Vila Isabel, lại thức nhiều đêm để vẽ những bức tranh tường, móc những lá cờ vàng xanh Brazil lên dây và nối dài từ cột đèn này tới cột đèn khác được sơn màu rực rỡ chạy dọc theo con phố.
Một màn hình cỡ lớn cũng được lắp đặt để mọi người thưởng thức những bữa tiệc bóng đá đặc quánh hương vị Samba.
Nhưng năm nay thì không!
Hương vị vàng-xanh, không khí World Cup, từng là niềm tự hào cho con phố Jorge Rudge
Phá vỡ truyền thống "4 năm một lần", Jorge Rudge năm nay không ánh lên sắc vàng xanh hay sôi sục không khí World Cup.
"Chúng tôi đã thắng cuộc thi mang tên "Con phố trang hoàng đẹp nhất" tới 5 lần. Năm nay ư? Tôi không có hứng!", Jarbas Ramos, 56 tuổi, người sống ở đây từ khi 20 tuổi, khẽ bĩu môi nói.
Sự thật, một thống kê được công ty thu thập dữ liệu bầu cử Datafolha công bố hồi đầu tháng trước chỉ ra rằng: 53% số người dân Brazil được hỏi đã trả lời rằng "Không bận tâm đến World Cup"!
Cần lưu ý, đây là tỷ lệ thờ ơ "khủng" nhất kể từ khi cuộc khảo sát tương tự được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1994, năm Selecao giành Cúp vàng thế giới lần thứ 4 trong lịch sử, trên đất Mỹ.
Sự trầm lắng, buồn tẻ của hiện tại, đối lập hoàn toàn với quá khứ cuồng nhiệt mùa World Cup
Con số không biết nói dối! Đúng là giờ có nhiều thứ chi phối đáng lo hơn là World Cup.
Sự phục hồi chậm chạp sau những năm dài suy thoái, khủng hoảng kinh tế, nền chính trị hỗn loạn trước cuộc bầu cử tổng thống Brazil vào tháng 10 này, và đặc biệt nạn bạo lực tràn lan như một thứ "bệnh dịch" gây nhức nhối tất cả, khiến World Cup trở thành "từ khóa nhạt nhòa" ở Jorge Rudge.
Jarbas Ramos nói với giọng mỉa mai pha lẫn bức xúc, rằng hàng xóm của ông nếu muốn hằng đêm ra ngoài vẽ những bước tranh tường nhà để cổ vũ World Cup, họ có lẽ cần mang thêm... súng, nếu không muốn trở thành mục tiêu của nạn cướp bóc.
Ramos không nói quá, bởi chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, trung bình có 15 người mất mạng mỗi ngày vì cướp bóc ở riêng bang Rio de Janeiro.
Và khi Ramos cũng chính là một phần trong con số tồi tệ ngày một tăng, 13,1% người dân Brazil ở độ tuổi lao động đang thất nghiệp, hệ quả của cuộc suy thoái kinh tế trong 4 năm qua, đừng hỏi vì sao bầu không khí cuồng say đậm chất Samba nhất, giờ đã phai nhạt trên từng bức tường nhà, ở các ô cửa sổ, hay trên những chiếc cột điện chạy dọc con phố Jorge Rudge.
Một bức tranh tường cổ vũ Selecao ở World Cup năm nay rất đẹp, nhưng là ở... Kolkata, Ấn Độ
"Ác mộng 1-7" - Chương đen tối quốc gia
"Cuộc khủng hoảng chúng ta phải đối mặt từ năm 2014 chưa bao giờ dừng lại, và điều này ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các CĐV với ĐTQG. Giờ thì lòng tự hào quốc gia phải được thể hiện rõ nhất ở World Cup năm nay", Renata Mendonca, một trong những nhà sáng lập trang web thể thao nổi tiếng Dibradoras hô hào trước khi trái bóng Telstar 18 lăn trên đất Nga.
Áp lực giành vinh quang ở World Cup năm nay với Brazil cũng khủng khiếp như 4 năm trước ở quê nhà
2014 - khi Brazil đăng cai World Cup – cũng đánh dấu một chương u ám ở quốc gia đông dân nhất Nam Mỹ này.
Các nhà điều tra đã khui ra scandal tham nhũng len lỏi rộng khắp trong hệ thống công quyền, có tên gọi "Lava Jato" (tạm dịch: "Chiến dịch rửa xe"), sự vụ khiến hơn 100 chính trị gia vướng vào vòng lao lý, trong đó có cả tổng thống Michel Temer.
Nỗ lực siết lại nền kinh tế cũng chỉ được thực hiện nửa vời, dù nó từng châm ngòi cho màn bắt giữ gây chấn động hồi năm 2016 đối với tổng thống Dilma Rouseff, người luôn xuất hiện với hình ảnh như "một vĩ nhân góp phần đưa World Cup 2014 về Brazil".
Và tất nhiên, không ai quên thất bại tan tành, ê chề, kinh hoàng, 1-7 trước người Đức.
"Sau cơn ác mộng thua 1-7, chúng tôi mất dũng khí, sự tự tin. Giờ họ (ĐT Brazil) phải chiến đấu để giành lại niềm tin của NHM ở World Cup 2018", Jarbas Ramos nói.
Có vẻ, cơn sốt bóng đá ở Brazil giờ lại bước vào một kỷ nguyên thử thách mới...
Trận thua Đức 1-7, trong chừng mực nào đó, còn kinh khủng hơn thảm kịch Maracana 1950 khi Brazil thua sốc Uruguay và mất Cúp vàng thế giới
Còn nhớ, năm 1994, tổng thống khi đó Fernando Collor cũng bị tống vào tù và nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ chìm sâu vào khủng hoảng vì lạm phát.
Nhưng năm ấy cũng chỉ có 20% người dân Brazil phớt lờ không quan tâm đến World Cup, giải đấu Selecao đã vô địch.
Giờ thì sao, bên cạnh con số 53% người dân bỏ qua World Cup?
Ramos, người đã sống hơn 30 năm với tình yêu bóng đá ở "thiên đường Jorge Ruege" thừa nhận chỉ có thể "kể ra không nhiều cái tên" trong đội hình Brazil đang chơi tại World Cup ở Nga.
Sự thật, chỉ có 3 cầu thủ Brazil ở World Cup năm nay đang chơi bóng cho các CLB trong nước, 2 trong số đó đến từ Corinthians.
Hậu vệ Fagner may mắn được gọi vì Dani Alves chấn thương, là 1/3 cầu thủ nội địa duy nhất trong đội hình Brazil dự World Cup
"Trung bình, lứa cầu thủ ở ĐT Brazil hiện tại ra nước ngoài thi đấu từ năm 21 tuổi. Họ chưa kịp tạo dấu ấn cá nhân với NHM. Không ai hiểu rõ những cầu thủ này, hoặc có biết cũng rất ít", Fernando Ferreira, chuyên gia đến từ công ty tư vấn thể thao Pluri Consultoria nhận xét.
Neymar, ngôi sao số 1 Selecao hiện tại, đến Barca ở tuổi 21. Marcelo gia nhập Real Madrid năm 18 tuổi. Và hãy nhớ, lần đầu tiên trong lịch sử, một tuyển thủ trong đội hình Brazil - thủ môn Ederson - còn... chưa bao giờ chơi bóng chuyên nghiệp trên chính quê nhà.
Nếu sự kết nối giữa CĐV với những triệu phú đá bóng trong đội hình Selecao hiện tại là sợi dây mơ hồ, thì một yếu tố khác giải thích cho bầu không khí bóng đá ủ rũ ở Brazil lúc này chính là những SVĐ trống rỗng khán giả.
Tỷ lệ khán giả trung bình ở giải VĐQG Brazil năm ngoái chỉ vỏn vẹn 6.568 người/trận, giảm tiếp 6% so với năm 2016, theo thống kê của Pluri Consultoria.
Sau World Cup 2014, những SVĐ ở Brazil từng được ví như "nhà mồ khổng lồ" vì không thể hút khán giả đến thưởng thức các trận đấu ở giải VĐQG
Hơn 3 tuần trước, trận đấu giữa 2 CLB giàu truyền thống Fluminense và Santos, bệ phóng sự nghiệp của những Neymar hay Marcelo ngày nào chỉ hút… 7.438 khán giả, tức lấp chưa đầy 10% SVĐ nổi tiếng Maracana.
"Đội này yếu quá. Họ không có nổi một cầu thủ tốt!", Raul Marques, CĐV Fluminense năm nay 69 tuổi giận dữ nhận xét khi đến sân với vé miễn phí dành cho người cao tuổi.
"Giờ những cầu thủ tốt đã ra nước ngoài và họ cũng không chơi bóng với tình yêu thuần khiết nữa!", Marques nói thêm và không quên nhắc rằng ông sẽ xem… ĐT bóng chuyền Brazil đấu với Italy thay vì chọn World Cup
Để so sánh, thật buồn cho quốc gia vốn được xem như "nơi bóng đá là một tôn giáo", nếu nhìn vào con số trung bình 24.677 khán giả/trận ở Anh, hay 31.617 người/trận tại Đức.
Nước mắt Neymar…
"Nếu Brazil chơi tốt, cảm xúc sẽ trở lại. Chúng tôi sẽ rất tự hào khi chứng kiến Selecao trình diễn những trận đấu hoa mỹ", Renata Mendonca, nhà sáng lập trang web thể thao Dibradoras nhận xét.
Liệu cảm xúc, tình yêu và cơn cuồng say bóng đá có trở lại ngập tràn con phố Jorge Rudge hay không, giờ thì câu trả lời nằm trong những đôi chân của Neymar, Marcelo, Coutinho, Thiago Silva…
Neymar không kìm được cảm xúc sau trận thắng Costa Rica ở vòng bảng
4 năm trước, những giọt nước mắt, cảm xúc hồi hộp, lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt nhiều thành viên Selecao ngay từ lúc hát quốc ca cho tới sau khi giành chiến thắng đi tiếp. Nó đã dẫn đến cái kết bi đát nhất cho lịch sử bóng đá Brazil, thua Đức 1-7, dù HLV Scolari đã mời cả chuyên gia tâm lý trợ giúp.
Giờ những Jarbas Ramos, Raul Marques hay những CĐV trẻ trung hơn hẳn không muốn thấy những giọt nước mắt đó nữa, giống như cách Neymar khóc tu tu sau khi ghi bàn và Brazil nghẹt thở thắng… Costa Rica 2-0 ở vòng bảng.
Người Brazil muốn bước ra khỏi cơn ác mộng thua Đức 1-7. Thiên đường Jorge Rudge cần được đánh thức trở lại bằng nụ cười chiến thắng, cảm xúc thăng hoa, với thứ bóng đá lễ hội thuần khiết Samba.
Làm được không, Selecao?