HAGL: Đá vì người hâm mộ không thể đá cho vui
Tôi ngồi theo dõi trận đấu của Hà Nội và HAGL trên khu vực khán đài A sân Hàng Đẫy chiều 6/6 cùng một nhóm các CĐV HAGL, trong đó có 2 vợ chồng từ Lâm Đồng. Chồng khoảng hơn 40 tuổi và vợ chỉ hơn 30, cả hai đều yêu và ủng hộ đội bóng của bầu Đức kể từ khi lứa Công Phượng, Văn Toàn trình làng hồi năm 2013 đến nay. Anh cho biết đã đặt vé bay ra Hà Nội chiều 6/6 và sau trận đấu lại trở lại Lâm Đồng trong sáng sớm. Gia đình anh còn một người khác cũng “yêu cuồng” HAGL là mẹ vợ, đã trên 60 tuổi, gần như không bỏ sót trận đấu nào của đội bóng phố Núi.
Các CĐV HAGL ban đầu theo dõi trận đấu của đội nhà và Hà Nội với tâm trạng rất háo hức, chờ đợi. Năm năm qua, HAGL chưa từng thắng Hà Nội trong các chuyến làm khách tới Hàng Đẫy. Quá khứ đối đầu giữa đôi bên luôn rất căng thẳng. Nhưng lo lắng cứ tăng dần trên nét mặt các CĐV HAGL cùng với diễn biến trên sân khi dưới sân, đội bóng chịu sức ép từ phía Hà Nội ngày một lớn.
Bàn thua đầu tiên thực sự gây thất vọng, và tới bàn thứ 2 cũng thế. Cầu thủ HAGL có dấu hiệu căng cứng, chơi không thoải mái, liên tục chuyền sai, mắc lỗi cá nhân. Hà Nội đã không bỏ lỡ cơ hội. Ở bàn thua thứ 3, hai trung vệ HAGL để một mình Rimario thoải mái khống chế, xử lý bóng rồi vượt qua trước khi dứt điểm ghi bàn. Với sự điều tiết nhịp độ rất tốt của Văn Quyết và các vệ tinh xung quanh, Hà Nội gần như chiếm hoàn toàn quyền kiểm soát bóng. Tuấn Anh trở nên đơn độc ở tuyến giữa HAGL, thua sút so với các đồng đội trên tuyển Việt Nam như Hùng Dũng, Quang Hải.
Sau bàn thua đầu tiên, các CĐV HAGL vẫn theo dõi trận đấu với niềm hy vọng tình thế sẽ thay đổi dù đội nhà không tạo được nhiều cơ hội. Tuy nhiên tới bàn thua thứ 2, có thể nhận ra sự thất vọng hiện rõ trên nét mặt nhiều người. Dù vậy, phía khán đài B, nhóm CĐV HAGL vẫn cổ vũ rất nhiệt tình suốt cả trận đấu dù có lẽ tất cả đều rất buồn.
Lứa 1 Học viện HAGL đã lên chơi V-League được 5 năm, quãng thời gian đủ để một cầu thủ trưởng thành, phát triển và đạt tới độ chín về chuyên môn. Nhưng trong từng đấy năm, thành tích của HAGL đều thấp, mùa giải nào cũng trầy trật trụ hạng. Mùa giải năm ngoái, dòng “tút” trên trang cá nhân của tiền vệ Minh Vương “dành cả thanh xuân để trụ hạng” khiến rất nhiều người phải xót xa. Tuấn Anh, Văn Toàn, Lương Xuân Trường hay Văn Thanh, Minh Vương...đều là những cầu thủ giỏi, nhưng vì sao HAGL không thể trở thành một tập thể mạnh?
Rimario khi khoác áo HAGL không ghi nổi 1 bàn thắng, nhưng qua Thanh Hoá thì liên tục nổ súng và trên sân Hàng Đẫy hôm 6/6 đã ghi 2 bàn vào lưới đội bóng cũ. HLV Chung Hae Seong từng được đánh giá cao hơn cả ông Park Hang Seo khi mới về HAGL, nhưng sau một mùa giải cũng chuyển tới Tp Hồ Chí Minh và cũng đang thành công. HAGL là một trong những đội bóng thường xuyên có biến động trên băng ghế huấn luyện và các suất ngoại binh. Đó chắc chắn không phải dấu hiệu của một đội bóng ổn định.
Nhìn vào quá khứ, HAGL ở thời đỉnh cao từng đánh bại không mấy khó khăn Hà Nội ngay tại Hàng Đẫy. Nhưng 5 năm qua, mọi thứ đã hoàn toàn đổi thay. Bầu Đức từng gây chú ý với tuyên bố “5 thằng ốm đánh 1 thằng mập cũng chết” và từ đó tuyên bố HAGL chỉ đá cho vui. Có thể hiểu ông Đức đưa ra phát biểu trên bởi sự bức xúc tình trạng “một ông chủ nhiều đội bóng”, khiến cho môi trường V.League trở nên thiếu minh bạch, công bằng. Nhưng chắc chắn, đấy không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự sa sút của HAGL những năm qua.
So với nhiều đội bóng khác ở V.League, HAGL vẫn đang có thứ “tài sản” vô giá là các CĐV, thứ Hà Nội từng đeo đuổi nhiều năm trời nhưng không giành được bất chấp thành tích luôn ở tốp đầu. Đá vì những người hâm mộ thuỷ chung thì không thể đá cho vui!