Mười phút bán danh của “võ sĩ đạo”
Bushido – tiếng Nhật – có nghĩa là "võ sĩ đạo". Đó là một hệ thống các nguyên tắc hành xử được xem như là chuẩn mực đạo đức của những samurai, đã hoàn thiện và được tuân thủ nghiêm cẩn từ thế kỷ 17. Nổi bật nhất trong các nguyên tắc bất biến của bushido, đó là Trung Thành và Danh Dự.
Những câu chuyện về sự trung thành của các samurai như 47 ronin đã nổi tiếng khắp thế giới qua văn học và điện ảnh. Sự bảo tồn danh dự của các võ sĩ Nhật tuyệt đối đến mức, việc tự sát để không bị làm nhục được nâng lên thành một nghi thức (gọi là seppuku hay harakiri). Điều đặc biệt là, trên chiến trường, nếu samurai của bên thua trận muốn thực hiện seppuku, thì đối thủ sẽ tuyệt đối tôn trọng và thậm chí sẽ hỗ trợ anh ta tự sát. Tác phẩm Shogun (Tướng Quân) có miêu tả chi tiết về một cuộc seppuku trên chiến trường.
Các samurai còn sống sót của phe chiến bại quyết không đầu hàng. Họ xếp thành hàng ngang, ngồi khoan thai theo thế seiza (gập gối, gót chân kê vào mông, lưng thẳng). Những samurai của phe chiến thắng, gươm tuốt trần, đứng kề bên. Những kẻ chọn cái chết khẳng khái nói: "Xin nhờ anh". Và những kẻ kết liễu cúi đầu trân trọng: "Đó là vinh dự của tôi".
Tự buộc chặt 2 đầu gối để sau đó sẽ ngã về phía trước – tư thế được cho là đẹp, các samurai phanh áo, dùng đoản kiếm rạch 2 đường vuông góc trên bụng, để ruột xổ ra ngoài. Những samurai của phe chiến thắng, đúng lúc ấy sẽ vung kiếm và chém rơi đầu đối phương, giúp anh ta mau chóng chấm dứt cơn đau đớn.
Minh họa một màn tự sát của samurai Nhật Bản
Cho đến ngày nay, bushido đã được hiểu rộng hơn là đạo của những võ sĩ, mà được xem như là tinh thần thượng võ và bất khuất, những giá trị mà người Nhật Bản xem là đặc tính của dân tộc họ, và luôn lấy đó làm niềm tự hào. Thậm chí, thỉnh thoảng vẫn có những người lựa chọn seppuku khi phạm lỗi lầm mà bản thân không thể tự tha thứ. Chúng ta có thể không hiểu được hành động này, chỉ trích đó là cực đoan. Nhưng người Nhật vẫn luôn dành sự tôn trọng tuyệt đối với những cái chết như thế.
Trong trận đấu cuối cùng ở vòng bảng World Cup 2018, Nhật Bản đã trở thành đội đầu tiên đi tiếp nhờ luật fair-play của FIFA, khi mà số thẻ vàng của họ ít hơn Senegal. Nhưng nửa cuối hiệp 2, đã trở thành một màn kịch câu giờ nhàm chán, lộ liễu và đáng hổ thẹn. Biết rằng mình sẽ đi tiếp nếu mọi kết quả y nguyên ở đây và ở đó (Senegal bị Colombia dẫn với tỉ số 0-1), những tuyển thủ Nhật thản nhiên chuyền bóng qua lại ở phần sân nhà, mà không triển khai bóng qua vạch giữa sân.
Các cầu thủ Nhật Bản (sẫm) không còn thi đấu hết sức trong 10 phút cuối
Ba Lan đã bị loại, và 1 trận thắng danh dự với 1 bàn là đủ, họ cũng không tranh bóng. "Mười Phút" cuối cùng, máy quay không biết phải quay cái gì trên sân, và đạo diễn chuyển sang bấm hình những cổ động viên Nhật Bản. Nhiều người mở điện thoại di động ra xem kết quả trận Senegal, và cười rạng rỡ khi thấy Nhật Bản sẽ là đại diện Châu Á duy nhất vượt qua vòng đấu bảng.
Nhưng 10 phút ngắn ngủi đó, các tuyển thủ Nhật Bản đã đánh mất quá nhiều.
Câu ngạn ngữ "Kết quả biện minh cho hành động" không có giá trị ở đây. Nhật Bản đi tiếp, nhưng họ không phải là niềm tự hào của Châu Á. Bởi vì thậm chí chính người Nhật cũng không thấy tự hào với cái cách lọt qua (chứ không phải vượt qua) vòng bảng của đội nhà. Hãy đọc những dòng Tweet phẫn nộ này của Mi Takechi một cổ động viên Nhật: "Là một người Nhật Bản, tôi thực sự mong Senegal đã là đội chiến thắng để Nhật Bản bị loại, bởi vì những gì Nhật thể hiện hôm nay thật xấu hổ và nực cười. Senegal xứng đáng hơn. Nhật Bản đã làm cái quái gì thế? Thật xấu hổ!".
Nhiều CĐV Nhật Bản bức xúc với đội nhà
"Nực cười" – đúng như Mi Takechi đã viết – bởi vì cái luật mà FIFA mới áp dụng, nhờ đó Nhật Bản giành được suất đi tiếp vào vòng loại, có tên là chơi đẹp. Fair-play, không chỉ là ít phạm lỗi, mà còn là cống hiến, là tinh thần thể thao, là sự công bằng. Nếu người Mexico cám ơn Hàn Quốc vì họ đã chơi bóng thật đẹp cho đến tận giây cuối cùng trước đội tuyển Đức, thì những cổ động viên Senegal hẳn sẽ cười vào mặt đội tuyển Nhật Bản khi họ chơi "bóng ma" và nhìn đồng hồ.
Một hiệp 2 bị dẫn bàn, nhưng thực hiện tới 600 đường chuyền ngang, trong tiếng la ó của hàng vạn CĐV trên sân – trong đó một nửa là của những CĐV của chính mình – đội tuyển Nhật Bản đã có 10 phút chịu đựng dài hơn cả một giải đấu.
Nhật Bản đi tiếp, nhưng hãy hỏi những cổ động viên xem, đó có còn là niềm tự hào của Châu Á nữa không, sau màn kịch câu giờ đầy tính toán. Nửa thế kỷ trước, quân đội của Thiên Hoàng đi khắp Châu Á, và sỉ nhục những nước bại trận là "Đông Á bệnh phu" (đàn ông Đông Á yếu nhược). Hôm qua, trong một trận đấu bị người Châu Âu dẫn bàn, và đại diện duy nhất còn lại của Châu Á loại đại diện cuối cùng của Châu Phi theo cách khôn lỏi đầy thực dụng, cái danh xưng "Đông Á bệnh phu" năm nào dường như đến hồi quả báo.
Những cổ động viên Việt Nam tặng những cái đầu toan tính của Nhật Bản câu tục ngữ này: "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng".