Nguyễn Văn Quân bị treo giò, còn ông Cấn Văn Nghĩa thì sao?
Ban kỷ luật VFF cho biết, quyết định trên dựa vào khoản D điều 2 và khoản 2 điều 54 Quy định kỷ luật VFF, theo đó: "Khi xét thấy trận đấu có biểu hiện bị dàn xếp (móc ngoặc, nhường điểm, bán độ...), căn cứ vào tư liệu chuyên môn (diễn biến thực tế trên sân, báo cáo của các giám sát, tổ trọng tài, phản ứng của khán giả, ý kiến của công luận và băng ghi hình) của trận đấu hoặc chứng cứ khác, cơ quan có thẩm quyền có thể xử lý như sau: Cầu thủ nào thi đấu không đúng khả năng của mình mà không có lý do chính đáng sẽ bị đình chỉ thi đấu một số trận đấu hoặc đến hết giải và bị phạt tiền tối thiểu 10.000.000 đồng".
Xin hỏi Ban kỷ luật VFF thế nào là “thi đấu không đúng khả năng?". Định lượng thế nào? Tiêu chí, phương pháp đo “khả năng” cầu thủ ra sao? Trên thực tế, chuyện thi đấu đúng khả năng hay không thì chỉ có cầu thủ biết và nhận định của người ngoài là rất cảm tính. Nếu cầu thủ, vì một lý do nào đó về sức khỏe (nhưng không nói với ai) mà thi đấu dưới khả năng của mình, liệu có bị phạt? Hoặc, trường hợp cầu thủ nữ “đến ngày” nhưng theo yêu cầu của cá nhân và BHL vẫn thi đấu thì có bị coi là “dưới khả năng” và xử lý thế nào?
Chung kết World Cup hơn 20 năm trước, Ronaldo - tức Rô “béo” - thi đấu rất dưới khả năng trong một nghi án cho đến giờ không thể giải thích nổi thì sao? Rất may Ronaldo không phải là cầu thủ Việt Nam, nếu không, có lẽ anh sẽ bị cấm thi đấu suốt đời vì lý do rất “ầu ơ”.
Thật ra, tôi cũng không có ý định bàn về việc quyết định của VFF với Văn Quân là đúng hay sai, Quân bị oan hay không oan. Tôi chỉ muốn nói là những hành vi có thể gây ảnh hưởng tới hình ảnh bóng đá Việt Nam thì cần phải có bản án nghiêm khắc.
Nhưng phải chăng “cáo vồ gà thì bắt, hổ vồ bò thì tha?". Ngẫu nhiên, khi VFF ra án phạt với Văn Quân thì báo chí dồn dập đưa tin về việc Khu liên hợp Thể thao Mỹ Đình sẽ bị thanh tra toàn diện.
Trước đó, kiểm toán cũng đã có những kết luận một loạt vấn đề trong việc cho thuê đất tại Khu LHTTQG Mỹ Đình. Cụ thể, đối với các hợp đồng cho thuê mặt bằng ngắn hạn, việc khai thác sử dụng quỹ đất chờ dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính và Bộ VHTTDL đồng ý bằng văn bản, không thực hiện đấu giá và công khai mức giá cho thuê tài sản… Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị Bộ VHTTDL chỉ đạo Khu LHTTQG Mỹ Đình tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các cá nhân, tập thể liên quan.
Toàn bộ những tồn tại trên xảy ra dưới thời ông Cấn Văn Nghĩa làm giám đốc LHTTQG Mỹ Đình. Từ tháng 9.2018, ông Nghĩa nghỉ hưu và sau đó ra tranh cử tại Đại hội VFF khoá VIII và trúng vào chức danh Phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ.
Vậy thì ông Cấn Văn Nghĩa khi còn làm Giám đốc khu Mỹ Đình đã “đúng với khả năng?". Và kết luận của Kiểm toán có phải là cơ sở chuyên môn để xem xét? Hơn nữa, cũng cần phải xem xét hơn nửa năm ngồi ghế PCT VFF phụ trách tài chính tài trợ, ông Cấn Văn Nghĩa đã đem được đồng nào về VFF hay chưa ngoài lời hứa “sẽ mang về 400 tỉ?".
Xử cầu thủ thì dễ, xử lãnh đạo lại khó. Nếu để những quyết định của mình được dư luận và đặc biệt là cầu thủ nhận án phạt phải “tâm phục khẩu phục”, VFF cần nhanh chóng xem xét ông Cấn Văn Nghĩa ở mức độ tương xứng.
Đừng biến những quyết định của mình thành một câu chuyện hài.