Nhân hội nghị Mỹ - Triều, ngắm đất nước “bí hiểm” qua lăng kính thể thao
Thể thao là “cánh cửa với thế giới”
Dù đã mấy chục năm bị cấm vận về kinh tế và gần như hoàn toàn cách biệt với thế giới trên nhiều lĩnh vực, đồng thời phải chịu muôn vàn khó khăn, thử thách trong tình cảnh bị cô lập, gần như chỉ có thể “tự cung, tự cấp”, CHDCND Triều Tiên vẫn còn giữ lại và phát huy một “cánh cửa” đặc biệt để giao lưu với thế giới, thông qua thể thao.
Trong khuôn khổ Thế vận hội mùa đông (Winter Olympic), đoàn thể thao Triều Tiên lần đầu góp mặt tại Innsbruk (Áo) năm 1964 và giành được 1 tấm huy chương bạc của Han Pil-hwa ở môn trượt băng tốc độ. Kể từ đó tới nay, họ đã thêm 8 lần tham dự các kỳ Winter Olympic, nhưng chỉ giành thêm được vỏn vẹn 1 tấm HCĐ, vẫn ở môn trượt băng tốc độ vào năm 1992.
Thế vận hội mùa hè (Summer Olympic) là nơi đoàn thể thao Triều Tiên ghi dấu ấn rõ rệt hơn, với lần đầu tham dự tại Munich 1972, và đã 10 kỳ góp mặt. Triều Tiên chỉ vắng mặt ở 2 kỳ Olympic đều vì lý do chính trị: Năm 1984 khi Thế vận hội diễn ra tại Mỹ và 1988 vì Hàn Quốc là chủ nhà. Họ giành được tổng cộng 54 huy chương các loại, bao gồm 16 HCV, 16 HCB và 22 HCĐ ở 8 môn thể thao thế mạnh khác nhau: Cử tạ (5 HCV), vật (3), thể dục (3), quyền Anh (2), Judo (2), bắn súng (1), bóng bàn và bóng chuyền.
Con số ấy hẳn nhiên thấp hơn nhiều so với thành tích của thể thao Hàn Quốc (90 HCV, 87 HCB, 90 HCĐ), nhưng lại mang ý nghĩa gần như vô giá để chứng minh cho thế giới thấy về sức sống mãnh liệt của thể thao Triều Tiên, như một “sứ giả” cho tinh thần và ý chí đáng khâm phục của nhân dân đất nước này.
Tại đấu trường châu lục, đoàn thể thao Triều Tiên cũng đã tham dự 10 kỳ Asiad kể từ Tehran 1974 tới nay, và cũng mới chỉ 2 lần không tham gia vì những bất đồng chính trị với các nước chủ nhà Hàn Quốc và Nhật Bản (Seoul 1986 và Hiroshima 1994). Ở sân chơi này, sức mạnh của thể thao Triều Tiên được thể hiện với tổng cộng 443 tấm huy chương các loại (trong đó có 110 HCV), và thật đáng nể khi điền kinh và bơi - 2 môn thể thao Olympic cơ bản nhất - cũng chính là những “mỏ vàng” của Triều Tiên tại Asiad với tổng cộng 34 HCV!
Cuối cùng, nhắc tới Triều Tiên, giới mộ điệu môn bóng đá hẳn còn chưa thể quên “kỳ tích” của họ tại World Cup 1966, khi tuyển Triều Tiên tạo nên một trong những “cơn địa chấn” lớn nhất trong lịch sử các kỳ World Cup: đánh bại đội tuyển Ý 1-0 với bàn thắng của Pak Do-ik và góp mặt tại vòng tứ kết. Họ suýt hạ cả Bồ Đào Nha nếu không có phong độ xuất thần của siêu sao Eusebio. Mãi tới năm 2010, đội tuyển Triều Tiên mới thêm một lần góp mặt tại World Cup, nhưng không để lại nhiều dấu ấn...
Hoàn toàn không quá lời khi nói chính nhờ thể thao mà Triều Tiên đã tạo nên một hình ảnh khác, thân thiện hơn rất nhiều (so với cái gọi là “mối đe dọa hạt nhân” của họ trên các cơ quan thông tin đại chúng phương Tây) trong mắt bạn bè quốc tế.
Và giúp hàn gắn những “vết thương”
Rất nhiều người Triều Tiên và Hàn Quốc bấy lâu vẫn “mơ” về một ngày có thể thống nhất liên Triều. Các giới chức chính trị 2 nước cũng gần như không cấm đoán người dân của họ được “mơ mộng”. Bởi vậy mà vào các kỳ Olympic năm 2000 và 2004, người hâm mộ thể thao thế giới đã được chứng kiến những màn diễu hành chung của đoàn thể thao Triều Tiên và Hàn Quốc. Hai kỳ Asiad gần nhất cũng vậy, thật cảm động khi được chứng kiến hình ảnh 2 đoàn thể thao tại lễ khai mạc với 1 lá cờ hình bán đảo Triều Tiên thống nhất!
Trong khoảng 1 thập kỷ qua, Triều Tiên và Hàn Quốc đã có nhiều hoạt động giao lưu về thể thao với nhau. Đặc biệt là nhất là việc 2 bên cùng cử các tuyển thủ hợp tác, thi đấu chung dưới một lá cờ Triều Tiên thống nhất tại Asiad 18 hồi năm ngoái và giành được 1 tấm HCV chung ở môn đua thuyền.
Tại Asiad 18, tôi cũng từng có dịp gặp gỡ, trò chuyện với một nhóm CĐV mang trên mình chiếc áo in hình bản đồ bán đảo Triều Tiên thống nhất, những người tích cực cổ vũ cho mọi VĐV thuộc 2 đoàn thể thao Hàn Quốc và Triều Tiên. Hóa ra họ chính là con cháu của những người gốc Bắc Triều Tiên đã và đang “kẹt” lại rồi trở thành công dân Hàn Quốc suốt hơn 60 năm qua!
Ngay vị lãnh đạo Kim Jong-un cũng đã có rất nhiều thay đổi về hình ảnh trong những năm qua. Thay vì những chuyến thăm các lực lượng quân đội, nhà máy sản xuất vũ khí hạt nhân, ông có mặt nhiều hơn ở cả các cơ sở sản xuất trang thiết bị thể thao, giải đấu bóng rổ hay động viên đội tuyển bóng đá...
Thể thao quả là một sứ giả tuyệt vời cho tình hữu nghị và những mong ước hòa bình!
“Những người anh em” thân thiết của thể thao Việt Nam
Triều Tiên có thể phần nào đó khá “bí hiểm” với phương Tây, nhưng với Việt Nam thì không. Nhiều đội tuyển thể thao Việt Nam từng sang tập huấn tại Triều Tiên hoặc được huấn luyện bởi chuyên gia đến từ nước bạn. Các đại hội thể thao quốc tế như GANEFO năm 1961 hoặc GANEFO châu Á năm 1966 đều có sự tham gia của đoàn thể thao Triều Tiên.
CLB bóng đá Thể Công với “thế hệ vàng 65 huyền thoại” cũng từng trưởng thành lên rất nhiều sau một thời gian tập huấn ở đây vào năm 1968. Cố danh thủ Ngô Xuân Quýnh - trưởng đoàn Thể Công khi ấy từng kể rằng về bí quyết tập luyện của các cầu thủ Triều Tiên để tạo nên nền tảng thể lực vô cùng đáng nể: “Họ thường xuyên tập và thi đấu mỗi trận... 3 hiệp”!
Trong nhiều năm qua, Việt Nam và Triều Tiên vẫn duy trì mối quan hệ tốt trên lĩnh vực thể thao. Các đội tuyển bóng đá, bóng chuyền của nước này cũng nhiều lần sang giao lưu, thi đấu tại Việt Nam.