Virus đố kỵ lan sang bóng đá Thái...
Thật ra, đó là những tin vui của bóng đá Việt bởi lẽ, nếu bóng đá Thái Lan cũng nhiễm vi rút đố kỵ - thứ virus làm hại bóng đá Việt Nam hàng chục năm trời - thì họ còn lâu mới có thể trở lại mạnh mẽ. Về sự đố kỵ, tôi từng đọc nghiên cứu của nhà tâm lý học Leon Festinger, người đã xây dựng nên thuyết so sánh xã hội, theo đó, ta hay có xu hướng đánh giá bản thân thông qua việc so sánh mình với người khác.
Leon Festinger chỉ ra rằng: ta thấy giá trị của mình được nâng lên khi người khác phạm sai lầm. Khi nhìn lên chúng ta thấy áp lực và mệt mỏi bởi những chuẩn mực cao hơn của người khác. Nhưng khi nhìn xuống thấy người khác không bằng mình thì chúng ta như được an ủi và thấy cuộc đời mình cũng không đến nỗi. Và cảm giác đó giống như giây phút đê mê của thuốc phiện, nó khiến ta nghiện và tìm cách thỏa mãn bằng việc tìm lỗi của người khác.
Còn nhà văn Somerset Maugham đưa ra quan điểm về sự thỏa mãn: “Sự thành công của ta không thôi không đủ, người khác phải thất bại nữa cơ”. Trong “Thiên thần và ác quỷ”, Dan Brown cho một nhân vật của mình nói rằng: “Một trong những phấn khích của con người chính là nhìn thấy nỗi đau của đồng loại”.
Trong sách Tam Quốc, tính đố kỵ nổi bật ở Chu Du. Hễ thấy Khổng Minh thành công là hộc cả máu mồm ra bất tỉnh. Đố kỵ được cho là một phần tích cách của phương Đông. Hai làng cách nhau một con sông, làn bên này có người đỗ Trạng nguyên là cả làng bên kia rủa xả, nào là may mắn chứ chả hay ho gì, chắc có ai đó nâng đỡ. Đấy là chuyện xưa. Chuyện nay là trong xóm bỗng nhiên có người trúng số độc đắc, thế là tự nhiên bị cả xóm ghét. Con hàng xóm thi tốt nghiệp được điểm cao, con nhà mình học kém hơn, suýt trượt lẽ ra phải mừng vì sức học như thế, điểm vậy đã tốt rồi nhưng lòng hậm hực…
Bóng đá Việt Nam cũng đã từng nhiễm bệnh Chu Du khá nặng. Đó là giai đoạn cứ nhìn Thái Lan là hậm hực. Thay vì tự làm cho mình mạnh lên thì chỉ mong nhân tài bóng đá Thái “què” hết cả. Thấy tuyển Thái Lan thua ở đâu đó, chả liên quan gì đến mình cũng thấy sướng.
Như người ta nói: đố kỵ như than hồng ném người khác chưa được thì tay mình đã bỏng. Bao nhiêu công suất dồn hết vào sự đố kỵ nên chả làm được nước non gì.
Không chỉ đố kỵ bên ngoài, căn bệnh này còn “ăn” cả vào bóng đá nội địa, bầu Đức đã có lần nói thẳng. Cách đây mấy năm, nhân chuyện bầu Đức ngỏ ý muốn đội HAGL làm nòng cốt dự SEA Games, thì có làn sóng ngăn cản. Ông bầu này bức xúc:
“Tôi không nói là sẽ lấy nguyên đội hình HAGL đi đá SEA Games để đoạt HCV, bởi HAGL chưa phải là đội bóng mạnh. Thực tế thì đội HAGL có hàng phòng ngự yếu, thủ môn chưa tốt, cần phải bổ sung các vị trí ấy để trở thành một đội bóng hoàn hảo làm nhiệm vụ cho quốc gia. Tuy nhiên, có một bộ phận người ở các CLB, thậm chí ở Liên đoàn bóng đá Việt Nam lại mang lòng ghen ghét, độ kỵ với những thành công của HAGL, một trung tâm bóng đá tỉnh lẻ, nên họ tìm cách kìm hãm. Nếu thật sự là người có tâm với bóng đá nước nhà, hãy đoàn kết lại, nghiên cứu lấy lối chơi của HAGL áp dụng cho các đội tuyển, sử dụng những cầu thủ tốt của chúng tôi làm hạt nhân, bổ sung thêm một vài vị trí từ các CLB như Hà Nội T&T, SLNA… chắc chắn trong khu vực Đông Nam Á đội tuyển của mình chả ai đá lại. Dân mình đá bóng giỏi, sản sinh nhiều cầu thủ hay, nhưng căn bệnh đố kỵ lại đang làm trì trệ sự phát triển của nền bóng đá”.
Sự đố kỵ còn ở cả câu chuyện những thành công của Hà Nội, SHB Đà Nẵng, Quảng Nam trước đây đều mặc định là “không phải thực lực” mà do thế lực của một ông bầu.
Rất may mắn là thời Park Hang-seo thành công chính là liều thuốc đã khiến căn bệnh đố kỵ của bóng đá Việt Nam tạm lùi xa và ngạc nhiên là nó đang lây nhiễm khá nặng đối với bóng đá Thái Lan.
Thực tế, thành công trong bóng đá mang tính thời điểm. Có thể giai đoạn này, với nhân sự này, với HLV Park, chúng ta đang có những tiến bộ và ở vài khía cạnh vượt người Thái. Nhưng điều ấy không có nghĩa là chúng ta đã có đẳng cấp cao hơn và chuyện vượt Thái Lan là mãi mãi. Còn rất nhiều vấn đề phải học hỏi như cách tổ chức bóng đá chuyên nghiệp, cách kêu gọi thu hút đầu tư, cách đào tạo cầu thủ… mà Thái Lan vẫn có những ưu điểm khó phủ nhận.
Ngăn chặn virus đố kỵ là một việc không dễ dàng nhưng nếu để nó hoành hành thì sẽ biến động lực cạnh tranh tích cực trở lại trạng thái tiêu cực, chỉ chờ và cầu mong muốn người khác thất bại.
Đó là bài học không chỉ cho bóng đá Thái, mà còn cả với Việt Nam.