Vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy: hãy “xử” bằng luật bóng đá
Người dân đã rất bất bình khi vụ việc ở Hà Nội, kẻ có hành động sàm sỡ phụ nữ chỉ bị phạt hành chính 200 nghìn đồng, một số tiền quá nhỏ chỉ bằng mức phạt một vụ hút thuốc lá không đúng quy định hay chỉ bằng 1/15 mức phạt cho hành vi vứt rác ra đường. Những đối tượng sàm sỡ phụ nữ còn quá là “vứt rác văn hóa”, nó còn nguy hại hơn rất nhiều.
Với vụ việc diễn ra ở chung cư Galaxy 9 tại TP. Hồ Chí Minh và nạn nhân là một bé gái thì dư luận phẫn nộ cao độ và phẫn nộ cao hơn khi kẻ có hành vi bỉ ổi, biến thái ấy lại là một cựu quan chức ngành kiểm sát cấp thành phố vừa nghỉ hưu.
Hành vi ấy không thể dung thứ. Nhưng phải xử lý thế nào đây? Chẳng nhẽ chỉ phải nộp vào ngân sách 200 nghìn đồng rồi coi như không có chuyện gì xảy ra.
Tôi lâu nay vốn không bị thuyết phục nhiều bởi những quyết định xử phạt của VFF nhưng chí ít trong một số trường hợp thì cần áp dụng quy định kỷ luật của VFF thì có thể tâm phục khẩu phục hơn.
Ví dụ, quy định kỷ luật của VFF có ghi: “Người nào có hành vi nhằm sử dụng vũ lực hoặc cố tình xâm phạm thân thể người khác thì bị phạt tiền từ 15 đến 25 triệu đồng và bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ từ 2 đến 5 trận” ở điều 39. Nếu áp dụng quy định này thì rõ ràng gã đàn ông kia đã “cố tình xâm phạm thân thể người khác” thì mức phạt, ít nhất cứ đè ra là 25 triệu!
Hay điều 40: “Người nào xúc phạm danh dự người khác bằng nhổ nước bọt, lăng mạ, chửi bới, sỉ nhục hoặc bằng hành động, cử chỉ, lời nói thiếu văn hoá khác thì bị phạt tiền từ 10 đến 25 triệu đồng và bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm từ 3 đến 6 trận”. Hành vi sàm sỡ một bé gái - hiển nhiên là xúc phạm danh dự bằng cử chỉ lời nói thiếu văn hóa. Vậy cũng cần phạt tới 25 triệu đồng.
Nếu như các quy định của pháp luật chưa “sờ” tới những gã đàn ông biến thái thì những hình thức phạt của bóng đá cũng là một gợi ý không tồi. Ví dụ, kẻ nào bị phát hiện có hành vi sàm sỡ thì cần phải “treo giò” theo đúng nghĩa đen, nghĩa là lấy dây thừng mà treo chân lên trong nhiều tháng để cho… chừa, hoặc “truất quyền thi đấu” - bên tên, treo ảnh kẻ bệnh hoạn khắp nơi và bất kỳ khu dịch vụ công cộng nào có thể “giơ thẻ đỏ” từ chối phục vụ, đuổi khỏi nơi có dịch vụ như quán ăn, quán cà phê, siêu thị, rạp chiếu phim…
Hành động của một người nhưng mang lại hậu quả quá lớn cho cá nhân em bé, gia đình và xã hội. Đặc biệt là cái nhìn thiếu thiện cảm của cộng đồng mạng đối với một địa phương vốn được mệnh danh là “thành phố đáng sống”.
Hãy xử bằng luật bóng đá nếu có thể, chí ít số tiền lớn gấp trăm lần khoản phạt “200k” cũng khiến nhiều kẻ có suy nghĩ, ý định sàm sỡ phụ nữ phải chùn tay.