Xứ Wales-Bắc Ireland: Bale đâu phải là tất cả
Khái niệm "đội bóng một người" không còn xa lạ, được dùng để ám chỉ những cầu thủ mà danh tiếng của anh ta còn lớn hơn cả đội bóng đang khoác áo.
Cùng với Crisitano Ronaldo của Bồ Đào Nha, Zlatan Ibrahimovic của Thụy Điển, Xứ Wales với siêu sao Gareth Bale chính là trường hợp tiêu biểu cho cái gọi là khái niệm "đội bóng một người".
Gareth Bale không chỉ là cầu thủ đắt giá nhất Xứ Wales (anh thậm chí còn có giá chuyển nhượng cao nhất thế giới), mà còn đóng vai trò là cầu thủ quan trọng nhất, là biểu tượng mới của bóng đá quốc gia này.
Với 3 bàn thắng tại vòng bảng EURO 2016, góp tới 50% số bàn của cả đội, thật khó để phủ nhận vai trò mang tính sống còn của Bale trong thành tích giành ngôi đầu bảng B của Xứ Wales.
Thậm chí, với việc ghi tới 7 trong tổng số 11 bàn của Xứ Wales tại vòng loại, nếu không có Bale có lẽ Xứ Wales cũng chưa thể có lần đầu tiên trong lịch sử được dự một kỳ EURO.
Bale là chiếc đũa thần giải quyết khó khăn, là chiếc chìa khóa mở lối thành công, là con rồng đầu đàn của "Bầy rồng" và với Xứ Wales, có Bale... là có tất cả. Rất nhiều người đã nghĩ như thế, nhưng điều đó hẳn có đúng?
Những con số trên cho thấy tầm ảnh hưởng cực lớn của Bale lên lối chơi của Xứ Wales, nhưng thử đặt một giả thiết ngược lại, nếu không phải là Xứ Wales thì Bale sẽ làm được gì.
Đương nhiên, với đẳng cấp đã được khẳng định, sẽ không khó để Bale trở thành ngôi sao (thậm chí là số 1) tại bất kỳ đội bóng nào trên thế giới, nhưng để hiểu được giá trị và cách phát huy tối đa tiềm năng của Bale lại là điều không phải nói là làm được.
Và những con số dưới đây cũng sẽ chứng minh một thực tế, hệ thống chiến thuật mà HLV Chris Coleman đang vận dụng cho Xứ Wales giúp cho Bale được tự do phô diễn kỹ năng tấn công và năng lực sáng tạo ở 1/3 phần sân cuối cùng.
Là một đội bóng chơi theo kiểu Anh truyền thống, nhưng Xứ Wales lại là đội bóng hiếm hoi ra sân với 3 trung vệ thực thụ, gồm James Chester, Ben Davies và đội trưởng Ashley Williams.
Thế nhưng, có một điểm đáng lưu ý trong lối chơi của Xứ Wales là hai cầu thủ đảm nhiệm hai cánh của họ, Chris Gunter và Neil Taylor đều là những người được yêu cầu thường xuyên phải lùi sâu để hạn chế tối đa khoảng không và tạo nên một hàng thủ với 5 người. Cộng thêm một Joe Ledley trong vai trò càn quét ngay trước mặt hàng thủ, Xứ Wales đảm bảo một hệ thống vừa đông đảo lại vừa cơ bắp trước khung thành của thủ môn Wayne Hennessey.
Vì thế, việc Xứ Wales chỉ phải nhận con số trung bình 15 cú sút/trận - thấp thứ 8 trong số 24 dự giải cho thấy sự hiệu quả của hàng thủ. Chưa hết, với con số lên tới 20,7 lần/trận, Xứ Wales còn đứng đầu giải về số pha cản phá sau vòng bảng.
Nói đến đây, có thể hình dung lại lối chơi mà Xứ Wales đang thi triển rất giống với cách mà Leicester đã lựa chọn tại Premier League 2015/16 vừa qua. Một hàng tiền vệ và hậu vệ được bố trí chơi rất gần nhau, chủ động đá lùi sâu nhường đất và không gian chơi bóng cho đối thủ và chỉ chờ đợi "ăn tiền" từ những tình huống cố định hay phản công.
Thời lượng kiểm soát bóng nằm trong Top 6 đội kém nhất (44,6%/trận) của Xứ Wales càng là minh chứng rõ ràng hơn cho nhận định đó.
Nhưng đương nhiên, một hàng thủ chắc chắn mới chỉ là điều kiện cần, để chưa thua. Còn để hội tụ thêm cả điều kiện đủ, thì cần thêm một cầu thủ có khả năng tạo đột biến ở tuyến trên, và may mắn là hiện tại Xứ Wales đang có Gareth Bale.
Với 11 pha không chiến thành công, Bale là cầu thủ thắng trong những pha tranh chấp trên không nhiều nhất của toàn đội Xứ Wales. Với 12 cú sút trúng đích, Bale thậm chí còn sút chuẩn xác hơn tới 16 đội tại vòng bảng EURO năm nay.
Trên không cũng hay, dưới đất cũng tài, Bale chính là tổng hòa của một mẫu cầu thủ tấn công hiện đại và ngày càng hướng mình đến là một cầu thủ toàn diện, giống như đồng đội Ronaldo tại Real Madrid. Ấy là còn chưa nói tới khả năng sút phạt kinh hoàng của Bale với 2 lần khiến thủ môn của Slovakia và Anh bị đánh bại.
Và để cung cấp bóng cho Bale vừa chơi bóng theo ý thích (nhưng vẫn tuân thủ chiến thuật), vừa làm giảm áp lực cho đội nhà, các tiền vệ trung tâm của Xứ Wales mỗi trận đấu đều hoạt động không biết mệt mỏi.
Nếu đặt những con số là 4,3 lần đi bóng thành công của Bale mỗi trận, bên cạnh lần lượt 16 và 13 pha cướp bóng thành công của Aaron Ramsey và Joe Allen - cao nhất giải - có thể chẳng ăn nhập gì, nhưng xét trong bố cục là chiến thuật mà Xứ Wales đang vận dụng với Bale là hạt nhân thì mới thấy, sự tương hỗ lớn ra sao.
Và khi mà Bale vừa phát huy những điểm lợi hại nhất của mình, lại vừa giúp cho Xứ Wales tiến xa thì việc bị gọi là "đội bóng một người" có lẽ chẳng khiến người Xứ Wales nào bận tâm, dù thực tế lại hoàn toàn trái ngược.