GAM bị loại cay đắng: Tinikun, Mourinho và Park Hang-seo
"Hi vọng những dòng này sẽ được Tinikun (Dương Nguyễn Duy Thanh) đọc."
Vài tháng trước, tôi đứng trong phòng họp báo ở sân Mỹ Đình, khi U23 Việt Nam đè bẹp U23 Thái Lan tới 4-0 trong niềm hân hoan của cả dân tộc. Lúc đó, đứng ở khu vực báo chí trên tầng 2, tôi thấy ông Park đứng lặng nhìn các học trò một lúc rồi bước vào phòng họp báo để cùng trao đổi với cánh phóng viên, nhà báo chúng tôi.
Trên một chiếc bàn khá ọp ẹp cùng cái micro nhìn chẳng có vẻ gì sang trọng, ông Park vẫn điềm đạm trả lời, vẫn giữ được phong thái bình thản. Chúng tôi đứng lộn xộn, ai cũng tranh nhau để được hỏi người đàn ông đó một vài câu. Cảnh tượng trông khá...nhốn nháo nhưng tất cả cùng vui và chấp nhận mọi điều kiện xung quanh.
Xa hơn, vài tháng trước đó, khi đội tuyển lần thứ 2 đăng quang giải vô địch Đông Nam Á, các cầu thủ và ban huấn luyện ăn mừng luôn trong phòng họp báo trước khi nhận cúp ở sân. Lúc ấy chưa cần cờ, hoa và không kèn trống. Vẫn cái bàn ấy, cùng cái micro ấy, sự tự hào dân tộc toát ra từng ánh mắt, nụ cười và từ những trò nghịch của bọn thằng Phượng, thằng Toàn,...
Khi VCS mùa hè năm nay khép lại, GAM đứng ở một sân khấu hoành tráng hơn vài phần so với những gì đội tuyển Việt Nam có. Có lẽ cái hơn duy nhất của đội tuyển so với GAM là màn bắn pháo giấy ở sân. Và thật buồn khi vài cái súng bắn pháo giấy đó lại thành vết gợn cho một mùa giải mà đội của anh thống trị tuyệt đối.
Anh cho rằng đội của mình không được tôn trọng, cho rằng đội ngũ ban tổ chức giải đã chơi khăm. Tôi không ở trong cuộc, tôi không phán xét điều đó đúng hay sai. Nhưng anh nhìn đấy, khi người ta đứng trên đỉnh vinh quang, kể cả chân đất vẫn có thể đạp vững và trụ trời.
Anh có thể muốn nhân việc không được bắn pháo giấy và công kích ai đó chứ thật sự tôi nghĩ, vài cái pháo giấy đó không đủ để đánh giá một con người hay tập thể. Anh nghĩ rằng mình đã thắng trong các cuộc khẩu chiến trên mạng xã hội. Thế nhưng, đáng buồn rằng điều ngược lại có vẻ đúng hơn.
Khi chúng tôi hỏi thầy Park sau những giây phút vinh quang, ông ấy không nói quá 4-5 câu và đều ở mức chung chung. Một lần khiêm tốn bằng bốn...mươi lần tự kiêu. Càng ít nói, càng thể hiện được sự uy quyền tuyệt đối khi đứng trên đỉnh vinh quang. Đáng tiếc, ở anh không có điều này.
Anh là người nổi tiếng, những câu nói của anh trên mạng xã hội đôi khi sẽ dẫn đường dư luận. Và tiếc thay, anh dùng nó để thành công cụ công kích trực tiếp người khác, khiến cho đa phần người hâm mộ anh có cái nhìn xấu về những người bị anh công kích. Trong khi đó, có thể họ chưa từng gặp hoặc chưa từng tiếp xúc với người này. Anh dẫn lối dư luận kiểu đó là sai lắm.
Anh có tài và đương nhiên là có tật, ai cũng thế. Nhưng người đẳng cấp, có bản lĩnh là biết biến những cái tật đó thành sự đặc biệt của bản thân theo cách tích cực.
Ở trên, anh có vinh quang nhưng không đạt đến tầm khiến tất cả phải nể như ông Park. Nhìn ở chiều hướng "cái gì đó đặc biệt" như trên tôi vừa chia sẻ, anh cũng chưa được đến tầm như Mourinho.
Cũng như anh, Mourinho tự cho mình là đặc biệt và không ít lần công kích người khác. Nhưng anh có dám bước sang khu huấn luyện của đối phương và gạ đánh nhau với HLV đối thủ như Mourinho từng làm với Wenger? Tôi nghĩ là không, vì có lẽ nhiều người muốn đấm vào mặt anh lắm.
Nhưng đàn ông là thế đấy, nếu thích, tôi và anh giải quyết bằng nắm đấm, sau đó chuyện nào lại về chuyện đấy. Họ không chọn cách làm của anh, đó là đăng bài post công kích trên mạng xã hội và block chính người bị công kích. Anh hả hê với chiến thắng của riêng bản thân và nghĩ những người kia đã thất bại. Không hề, họ chỉ khinh anh thôi chứ không nể phục.
Tại sao tôi so sánh anh với Mourinho. Ông ta vô địch UEFA Champions League (giải châu lục) với một đội yếu xìu như FC Porto. Còn anh, anh chưa làm được gì với GAM ở đấu trường quốc tế cả. Anh không đủ tài như Mourinho và tật của anh cũng chẳng đặc biệt như ông ấy.
Tất cả những sự so sánh ấy, đáng buồn thay, bọn trẻ lại đang chịu đựng. Đó là thằng Khánh, thằng Lộc,...
Tôi lại nói chuyện bóng đá. Khi U22 Việt Nam thua tan nát ở SEA Games 2017 (nòng cốt là những đứa làm nên kì tích Thường Châu), HLV của đội khi đó là anh Hữu Thắng đứng lên nhận mọi chỉ trích và xin từ chức. Nhiều người chửi và hạ bệ anh Thắng nhưng không ai chửi Công Phượng, Văn Hậu, Quang Hải,...
Vì anh Thắng là người đàn ông bản lĩnh, là đại ca của rất nhiều lứa cầu thủ đàn anh. Mọi chuyện anh Thắng nói với truyền thông, tất cả chỉ chĩa mũi dùi về anh ấy. Bọn trẻ sau đó với một ông thầy khác, không bị những lời đay nghiến nào và tỏa sáng ra sao ở U23 Châu Á 2018, chắc anh cũng biết.
Nhưng anh thì không, anh đưa thằng Lộc lên mây, anh đưa thằng Khánh ra biển lớn bằng...lời nói của mình với những sự so sánh rất...vớ vẩn. Bọn nó thật sự là ngôi sao nhưng chưa là gì khi bước ra vũ đài thế giới.
Chúng nó đều là trẻ con, chỉ trải đời gần như thông qua cái màn hình vi tính cùng thế giới ảo đầy đam mê. Làm sao chúng nó trụ vững được và hiểu cái gì nên hay không nên. Anh thấy không, khi GAM vừa thất bại, anh bị chửi 10, chúng nó chắc cũng bị chửi 9. Trong khi đó, bọn nó vẫn vậy, vẫn cống hiến bằng hết khả năng. Thắng thua là chuyện thường tình. Nhưng một khi đã cố gắng hết sức, bọn nhỏ không đáng bị người đời chửi như vậy.
Anh có dám đứng lên đăng dòng xin lỗi kèm lời từ chức như các HLV khác đã làm không? Anh có dám nói muốn nhận tất cả sự sỉ vả để bọn trẻ được yên hay không?
Những người đàn ông như anh Hữu Thắng, họ đã làm như vậy.
Lại nói chuyện mạng xã hội, tôi kể cho anh ví dụ này. Anh xem ít bóng đá nên không biết lúc này, để đánh bại được Manchester City khó như nào. 2 tuần trước khi Wolverhampton (một đội hạng trung) làm được điều đó tại Premier League, các cầu thủ ăn mừng đúng...3 phút trong phòng thay đồ trước khi tất cả bước vào phòng hồi sức.
Còn Manchester United nát ra sao, chắc anh cũng không quan tâm lắm. Nhưng các cầu thủ của M.U giờ cứ đá xong, vào phòng thay đồ là ôm lấy điện thoại để lên mạng xã hội, đó là lý do chính đấy.
Thế giới ảo có 2 mặt, anh thừa hiểu. Vậy tại sao khi các VĐV khác tìm cách tránh nó, anh vẫn đứng lên như một biểu tượng của GAM để phân bua với xã hội? Các anh đi đánh giải chứ không phải đi đăng post sau mỗi trận đấu. Đôi khi, họa từ cái miệng mà ra. Ở thời này, họa từ Facebook mà ra.
Và cuối cùng, anh hãy tôn trọng Văn Tân. Một HLV trưởng nhưng sau cả giải đấu, họ chỉ nhắc về anh như bộ não của GAM chứ không nói gì về Yuna, mặc dù có thể anh ấy đã rất cố gắng.
Anh ấy cũng là người đàn ông, hãy cho Safety tiếng nói đích thực.
Thân ái.
P/s: Nếu có dịp, anh hãy xem buổi bốc thăm UEFA Champions League để thấy các HLV, người đứng đầu CLB thể hiện nét mặt ra sao nhé.
Tác giả: Việt Hùng.