Boxing chuyên nghiệp Việt Nam thiếu võ sĩ: "Đào rộng trước khi đào sâu"
Tính tới tháng 8/2023, theo thống kê từ trang BoxRec - nơi ghi nhận thành tích của giới Boxing chuyên nghiệp, số võ sĩ người Việt Nam đang thi đấu là 110 võ sĩ (77 nam, 13 nữ). Đây rõ ràng không phải một con số khả quan với một quốc gia 100 triệu dân.
So sánh với các quốc gia khác trong khu vực, Philippines đang có 764 võ sĩ (753 nam, 11 nữ) trên 103 triệu dân. Thái Lan sở hữu 781 võ sĩ (634 nam, 147 nữ) trên 67 triệu dân. Số lượng võ sĩ của Việt Nam hiện mới xếp trên các quốc gia không nổi trội về Boxing chuyên nghiệp trong khu vực như Indonesia (91 võ sĩ), Singapore (16 võ sĩ), Malaysia (11 võ sĩ),...
Boxing Việt Nam bắt đầu trở lại từ những năm đầu thập niên 2002 kể từ sau lệnh cấm từ năm tại giải Vô địch Quốc gia 1994 ở Hải Phòng. Kể từ đó tới nay, chúng ta đã chứng kiến những bước tiến đáng kể ở đấu trường nghiệp dư: HCV SEA Games 2011, 2015, 2021 và 2023; HCĐ Asiad 2014, 2018; có ứng viên giành vé chính thức dự Olympic Tokyo 2020 gọi tên Nguyễn Thị Tâm - Nguyễn Văn Đương.
Dù vậy, Boxing chuyên nghiệp lại là câu chuyện khác khi đây là thị trường cần sự tham gia của các công ty tư nhân, hay còn được biết tới với tên gọi hình thức xã hội hóa.
Các nhà đầu tư hiếm hoi xuất hiện
Năm 2015, những công ty đầu tiên bắt đầu xuất hiện tại TP. Hồ Chí Minh với Saigon Sports Club cùng màn ra mắt của võ sĩ chuyên nghiệp đầu tiên Trần Văn Thảo năm 2018 - võ sĩ Việt Nam đầu tiên giành một danh hiệu chuyên nghiệp của WBC. Sau đó, các đơn vị tư nhân bắt đầu xuất hiện như Vietnam Sports Platform (VSP), Cocky Buffalo, Trigger Boxing.
Các đơn vị quảng bá tư nhân tại Việt Nam bắt đầu các hoạt động đáng chú ý như chuỗi sự kiện Victory 8 của VSP Promotions - nơi đánh dấu màn lên ngôi của Trương Đình Hoàng cùng chiếc đai WBA Đông Á. Cocky Buffalo đã đào tạo ra hai cái tên Nguyễn Thị Thu Nhi - Đinh Hồng Quân tỏa sáng trong giai đoạn 2021 với hai chức vô địch thế giới WBO và IBF Châu Á.
Saigon Sports Club kể từ năm 2020, đã cho thấy sự đầu tư mạnh mẽ vào Boxing khi liên tiếp giới thiệu những nhà vô địch Châu Á mới như Lê Hữu Toàn, Nguyễn Ngọc Hải, Trịnh Thế Long....
Về phía Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam (VBF), tháng 3/2023, tức 8 năm sau khi thành lập, Liên đoàn đã bắt tay cùng công ty quảng bá Shadow Entertainment với vai trò tư vấn trong các hoạt động Boxing chuyên nghiệp. Shadow Entertainment trong quý 1/2023 đã giới thiệu chuỗi sự kiện LEAD dưới sự hỗ trợ của Liên đoàn Quyền Anh Thành phố Hồ Chí Minh (HBF).
"Đào rộng trước khi đào sâu"
Những nhà vô địch châu lục và thế giới có thể là hình mẫu để các công ty quảng bá đánh dấu hoạt động của mình tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện "đào rộng trước khi đào sâu" vẫn là thách thức mà tất cả đang cùng phải giải quyết, bởi một nền Boxing chuyên nghiệp không thể chỉ dựa vào tên tuổi của những nhà vô địch ít ỏi.
Theo thống kê của BoxRec, từ năm 2015 tới nay, 27 sự kiện Boxing chuyên nghiệp đã được tổ chức tại Việt Nam, chỉ bằng với số sự kiện được tổ chức tại Philippines trong hai tháng 7-8/2023. Có lẽ, đây cũng chính là câu trả lời cho việc tại sao số lượng các võ sĩ chuyên nghiệp Việt Nam ít đến như vậy.
Hãy thử quan sát theo hai hướng sau:
Nếu một công ty quảng bá muốn gây sự chú ý, họ sẽ cần những sự kiện lớn, với các trận tranh đai. Tuy nhiên, một sự kiện như vậy chỉ có thể cho phép tối đa 10-15 trận đấu. Liệu những võ sĩ mới bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp có được lựa chọn xuất hiện tại đây?
Nếu tổ chức một sự kiện nhỏ, tạo cơ hội cho các võ sĩ mới xây dựng bảng thành tích, xuất hiện trên BoxRec với những trận đấu đầu tiên. Sự kiện đó sẽ không đủ sức hút với khán giả cũng như tạo tiếng vang trong cộng đồng.
Chúng ta không thể trách khán giả chỉ chú ý tới những sự kiện lớn như Victory 8, Fortunes of War, LEAD có sự xuất hiện của những võ sĩ nổi tiếng, nhưng điều đó chỉ đáp ứng được bề nổi của bài toán phát triển, mà không giải quyết được vấn đề cơ bản: số lượng võ sĩ.
Bài toán số lượng võ sĩ bắt đầu được tính đến giai đoạn cuối năm 2022, khi VSP Promotions giới thiệu chuỗi sự kiện chuyên nghiệp VSP Pro, liên tục đem đến những màn ra mắt của các võ sĩ chuyên nghiệp. Mục tiêu của VSP Pro không gì khác ngoài tạo dựng bảng thành tích cho các võ sĩ chưa tên tuổi, cho phép họ làm quen với sàn đấu chuyên nghiệp. Các trận đấu của họ được công nhận bởi những tổ chức WBO, IBF, WBC, cùng với các tổ chức Boxing tư nhân của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Philippines.
Tương tự, LEAD Boxing sau hai sự kiện đầu tiên, cũng cho thấy sự xuất hiện của những cái tên chưa hề có tiếng tăm trong giới Boxing Việt Nam. Thành tích của họ bắt đầu được ghi nhận bởi các tổ chức như WBC, WBA.
Việc các công ty quảng bá bắt đầu dành nguồn đầu tư của mình cho các "tân binh", đã phần nào cho thấy bài toán số lượng của Boxing chuyên nghiệp Việt Nam đang được tìm cách giải quyết. Chúng ta cần nhiều sự kiện, nhiều cơ hội cho những võ sĩ mới, hơn là chỉ tập trung vào các trận đấu lớn chỉ để thu hút sự chú ý.