Dutch Kickboxing và Muay Thái: Khác biệt từ kĩ thuật tới lối đánh

thứ năm 14-5-2020 0:24:34 +07:00 0 bình luận
Cùng là những lối đánh bạo lực quyến rũ, nhưng lí do gì khiến Kickboxing Hà Lan và Muay Thái lại có những điểm khác biệt về kĩ thuật đến vậy?

Kể từ khi hình thành những năm 70, Kickboxing Hà Lan (Dutch Kickboxing) đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ qua những trận đấu đỉnh cao. Nổi bật nhất là những tên tuổi xuất hiện trên sàn đấu K-1 qua các thời kì như Ernesto Hoost, Peter Aerts, Badr Hari, Nieky Holzken, Andy Souwer… 

Phát triển dựa trên sự phối hợp của 3 trường phái chính là Kyokushin Karate, Muay Thái và Boxing, Dutch Kickbox dĩ nhiên có những màu sắc của cả 3 môn võ này trong hình dáng của mình. Tuy nhiên, cũng vì thế mà Dutch Kickbox tạo ra được những nét riêng khi so sánh với những môn võ góp phần khai sinh ra nó. 

Để đặt lên bàn cân, có lẽ, phong cách thường được đem so sánh với Dutch Kickboxing nhiều nhất vẫn là Muay Thái. Bởi đây là môn võ cho sử dụng các đòn chân – tay hoàn chỉnh, không có nhiều chênh lệch như Boxing hay Kyokushin. 

Dutch Kickboxing được hình thành bởi Jan Plas (trái) và Thom Harinck (phải) – những cá nhân có nền tảng ở Boxing, Kyokushin và Muay Thái.

Vậy, trên thực tế Dutch Kickboxing và Muay Thái có những khác biệt cơ bản ra sao? Và từ đâu lại có những sự thay đổi khi người Hà Lan quyết định biến tấu môn võ của họ. 

Kĩ thuật

  • Muay Thái: đấm, đá, chỏ gối, các kĩ thuật bắt chân, ôm ghì (clinch), quét ngã.
  • Dutch Kickbox: đấm, đá, gối, rất ít và hầu như không có các pha ôm ghì, đánh chỏ.

Đòn tay và “clinch” 

Mặc dù phát triển từ Muay Thái, nhưng Dutch Kickboxing không tập trung vào các kĩ thuật ôm ghì (clinch) như Muay Thái. Và cũng vì “clinch” không được chú trọng, các kĩ thuật đánh gối, chỏ và quét ngã của Dutch Kickboxing được lược bớt và thiếu đi tính đa dạng.

Sở dĩ có quan điểm như vậy, chính bởi Dutch Kickboxing có lối đánh tay thiên về Boxing nhiều hơn là Muay Thái. Các đòn tay của Dutch Kickboxing theo tư duy “combo” (tổ hợp đòn) của Boxing phương Tây, các cú đấm được tung ra nhiều và liên tục. Chính vì thế, những tình huống áp sát như “clinch” vô hình chung đưa võ sĩ vào cự li không hoàn hảo cho các đòn đấm.

VIDEO Hướng dẫn của Dutch Kickboxing, các đòn đấm chiếm vai trò chủ đạo: 

Trái lại trong Muay Thái, cú đấm trong “bát chi” được xem là thứ vũ khí yếu nhất so với chỏ - gối và các đòn đá. Vì thế những tổ hợp đấm không được chú trọng, thay vào đó, các võ sĩ Thái theo lối đánh cũ thường tìm cách tung đá hoặc lao vào áp sát để lên gối, đánh chỏ. Bởi đó mới là cách tấn công mạnh nhất theo quan điểm của họ.

Sau này, khi Muay Thái bắt đầu có những trận đấu giao thoa với Kickboxing Hà Lan và Nhật Bản, thế hệ võ sĩ mới đã nhận ra những lỗ hổng trong hệ thống kĩ thuật trước đây. Những nhân tài Muay Thái có lối đánh Boxing chất lượng ra đời như Samart Payakaroon, Somrak Khamsing, Sagat Petchyindee, Coban Lookchaomaesaitong…. 

VIDEO Samart Payakaroon – Một trong các võ sĩ Muay Thái từng giữ đai WBC Boxing thế giới:


 
Lối đánh

Như đã đề cập ở trên, Dutch Kickboxing và Muay Thái khác biệt chính ở quan điểm sử dụng đòn tay. Và quan điểm này cũng ảnh hưởng lớn tới tư duy tập luyện và thi đấu giữa 2 bộ môn.

Muay Thái

Do ít sử dụng các tổ hợp đòn tay, tận dụng các đòn đá để giữ khoảng cách, mở đường vào tấn công, Muay Thái thường có thể đứng tương đối cao.

Lúc này, các võ sĩ thường giữ một cơ trục cơ thể thẳng để làm trục xoay cho các chuyển động đá, gọi là “center-line”. Cách giữ trục này giúp họ ổn định hơn khi tung ra còn đòn chân thẳng (teep), vòng cầu (roundhouse), phá trụ (lowkick) uy lực. Bộ pháp lúc này cũng là các bước nhấp chân, chỉnh cự li nhỏ để đảm bảo độ chắc chắn, sẵn sàng tung cước.

VIDEO Sam-A vs. Superlek tại Lumpineee – Một trận Muay Thái theo lối đánh cũ điển hình:

Trong video, có thể thấy cả 2 võ sĩ Sam-A (quần đỏ) và Superlek (quần xanh) hiếm khi tung ra các đòn đấm phức tạp. Thay vào đó, họ sử dụng tay trước (đòn jab) và chân trước (đòn teep) để kiểm tra cự li của nhau trước khi ra đòn.

Các đòn đánh của Muay Thái không sử dụng tổ hợp liên tục và phức tạp, vì thế, mỗi đòn tung ra đều cần có uy lực để hủy diệt đối phương. Vì thế, việc căn thời điểm chính xác, “lừa” để đòn đánh trúng vị trí mình muốn trở thành đặc trưng của Muay Thái.

Người Thái ưa thích lối đánh tinh quái, lừa lọc bằng các đòn ngắn để tiếp cận trận đấu. (Ảnh: ONE Championship) 

Dutch Kickboxing

Sử dụng đôi tay của Boxing với các đòn vòng, móc chủ đạo để mở đường, chính vì thế các võ sĩ Dutch Kickbox phải liên tục sử dụng các chuyển động thân người (body movement). Lúc này, góc độ cơ thể sẽ thay đổi liên tục với biên độ lớn hơn để phục vụ các đòn đấm.

Cùng với việc thay đổi góc độ, bộ pháp của Dutch Kickboxing cũng vì thế mà sử dụng cách bước bẻ góc, mở chân có biên độ lớn hơn so với Muay Thái truyền thống. Và lối bước chân này không chỉ đảm bảo góc độ mà còn có nhiệm vụ giữ “mô-men lực vặn xoắn của cơ thể” liên tục, lấy đà cho cú đánh quyết định cuối cùng.

VIDEO Mike Zambidis vs. Chahid Oulad El Hadj  - Hai võ sĩ sử dụng lối đánh Kickboxing Hà Lan

Trong video trên, Mike Zambidis và Chahid Oulad El Hadj rất hiếm khi sử dụng các đòn đá thẳng (teep) để mở đường. Thay vào đó, các combo đấm vòng liên tục và kết thúc bởi các đòn chân vòng cầu hay phang trụ được sử dụng nhiều hơn.

Lối đánh sử dụng combo dài, liên tục này còn có một mục đích khác. Đó chính là gây rối đối thủ bằng các đòn đánh “mở đường” không cần dồn toàn lực, và kết thúc với một đòn nặng ở vị trí mà đối thủ không ngờ tới.

Thay đổi liên tục các mục tiêu, Dutch Kickboxing đe dọa đối phương bằng tần suất ra đòn cao. Với một đối thủ không quen với lối đánh này, cơ thể của họ sẽ bị “đập dần cho lỏng” để trở thành một mục tiêu dễ tấn công hơn.

Combo với tần suất cao để “đánh lỏng” đối phương là đặc trưng của Dutch Kickboxing. (Ảnh: ONE Championship) 

Một lối đánh với nhịp độ chậm, số lượng đòn ít nhưng chắc chắn, so với nhịp nhanh, gây rối bằng đòn tay chính là khác biệt cơ bản giữa Muay Thái và Dutch Kickboxing. Sự trái ngược này tạo nên sức hút riêng với những người mới tiếp cận 2 môn võ. Ngoài ra, để xây dựng được hai lối đánh này, cách tập luyện của Dutch Kickbox và Muay Thái cũng có những khác biệt thú vị.

Mặc dù khác nhau, nhưng sau thời gian giao thoa trên những võ đài quốc tế, Muay Thái và Dutch Kickboxing dần tiếp thu những yếu tố tích cực của đối phương. Tuy nhiên, quan điểm tập luyện và sử dụng kĩ thuật của hai bộ môn vẫn là điều có thể dễ dàng nhận ra.

Lâm Gia
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội