Giới hạn của các môn võ thuật trong vấn đề tự vệ

thứ năm 31-1-2019 11:00:00 +07:00 0 bình luận
"Môn võ thuật nào thích hợp nhất để tự vệ?" luôn là một trong những câu hỏi phổ biến và khó trả lời nhất.

Thực tế, câu trả lời chua chát rằng các môn võ thuật đều có những giới hạn khiến cho nó không hoàn toàn thích hợp với các tình huống tự vệ

Đặc tính kỹ thuật

Khi khái niệm "bộ môn" đã hình thành, điều đó cũng đồng nghĩa với việc giới hạn kỹ thuật. Quyền Anh không dùng hammer first ("táng" bằng cạnh nắm đấm), Brazilian Jiujitsu không dùng đòn cùi chỏ. Đó là một sự thật hiển nhiên. Thậm chí, khi bạn gia nhập các phòng tập mang tính chuyên nghiệp càng cao, độ giới hạn kỹ thuật càng hẹp.

Mỗi môn võ đều có sự giới hạn về mặt kỹ thuật tự vệ.

Sự hình thành và phát triển của khái niệm "thể thao đối kháng" là con dao hai lưỡi của võ thuật trong khía cạnh tự vệ. Một mặt, nó tăng cường kiến thức và kinh nghiệm về rất nhiều yếu tố tập luyện như tốc độ, phản xạ, uy lực, sức bền... (đều là những yếu tố rất quan trọng trong tự vệ) nhưng mặt khác, nó cũng bó hẹp số lượng kỹ thuật. Rất nhiều kỹ thuật có tác dụng trong tự vệ (chẳng hạn như đánh xốc ngược từ dưới lên mũi bằng lòng bàn tay - tỉ lệ trúng đòn và khả năng "tắt điện" đối thủ chắc chắn cao hơn cú đấm) nhưng sẽ không được giảng dạy trong các lớp Quyền Anh, đơn giản vì chẳng ai dùng nó trên đài cả! Muay Thái dạy cho bạn khả năng clinch (ôm giữ ở tư thế đứng) rất tốt, nhưng không dạy bạn những chiêu trò dùng ngón tay để tấn công mắt đối thủ khi đang clicnh. Vì sao ư? Vì Muay Thái dùng găng!

Sự nhầm lẫn giữa "kỹ thuật võ đài" và "kỹ thuật tự vệ" chính là một trong những giới hạn lớn nhất của các HLV võ thuật thiếu kinh nghiệm và tư duy "chưa thoáng".

50 năm trước, Lý Tiểu Long cũng đã nhìn ra vấn đề này và nói trong cuốn "Đạo của Triệt Quyền" rằng "Tập luyện tự vệ cần phải tập luyện nhiều môn võ khác nhau để có đầy đủ kỹ thuật, thay vì bị bó hẹp vào một bộ môn".

Đặc tính tình huống

Việc tập luyện võ thuật luôn mang tính giả định tình huống. Trong Quyền Anh, đó là việc bạn bị đấm, bạn phải đấm trả, nhưng bạn sẽ có một chút thời gian "thư giãn" nếu bị đấm ngã. Trong MMA, bạn sẽ tiếp tục bị "nhồi" khi đã ngã, nhưng bạn sẽ không bị sút vào đầu hay không bị đối thủ chọc mắt.

Các tình huống tự vệ phức tạp và đa dạng hơn những gì mà các môn võ giảng dạy.

Tự vệ thì khác. Từ các tình huống nguy hiểm như chống cướp hay nhẹ nhàng hơn là bị bắt nạt ở trường, tự vệ luôn bao hàm sự phức tạp và đa dạng tình huống. Ngoài sự đa dạng kỹ thuật đã nói ở trên, bạn cũng cần chuẩn bị cho sự đa dạng tính huống trong tự vệ. 

Giải pháp: tập luyện nhiều bộ môn ở các trường phái khác nhau, đặc biệt chú ý đến các HLV có kinh nghiệm trong việc áp dụng võ thuật vào các tình huống tự vệ (chứ không phải kiểu HLV dạy kỹ thuật võ đài và khiên cưỡng áp dụng nó vào tự vệ).

Sự chênh lệch "vai vế" trong tình huống

Sự tác động của thể thao đối kháng khiến hầu hết các phòng tập võ thuật ngày nay đặt bạn vào tình huống phải "solo" với người có thể trạng, trình độ tương đồng, trong một bối cảnh mà cả hai đều sẵn sàng tấn công hay phòng thủ. Điều đó tạo nên một tư duy rằng "rất nhiều kỹ thuật sẽ không dùng được". Đạp đầu gối (oblique kick) là ví dụ. Đây là đòn không được đề cao trong đối kháng võ đài vì khả năng trúng đòn rất thấp (đối thủ đang rất tập trung và dễ tránh né). Nhưng khi đang chống cướp và bạn quyết định phải ra tay trước khi tên cướp kịp rút dao ra, một cú đạp đầu gối sẽ rất hiệu quả và dễ thành công.

Một khi đã "tự vệ", bạn thường ở thế yếu so với đối thủ. Đáng lo ngại rằng hầu hết các HLV võ thuật (kể cả các môn võ đối kháng lẫn võ tự vệ) lại không đề cập và tính toán điều này khi giảng dạy.

Tiếc là bạn sẽ không được dạy kỹ thuật đó chỉ vì HLV của bạn vẫn mang tư duy võ đài và cho rằng cho rằng nó không hiệu quả!

Mặt khác, sự khác biệt "vai vế" cũng khiến đặc thù kỹ thuật tự vệ khác đi rất nhiều. Bất cứ tình huống tự vệ nào như chống cướp, bị bắt nạt, bị đánh hội đồng... phần lớn bạn là người chịu thiệt thòi. Rõ ràng khi bạn đã bị chọn làm "nạn nhân", bạn luôn ở thế yếu vì đối thủ phải biết chắc mình thắng (vượt trội về thể trang, có chuẩn bị vũ khí, có kêu gọi thêm người khác, thậm chí vạch sẵn đầy đủ kế hoạch tấn công).

Hầu hết các môn võ ngày càng xa rời khỏi khái niệm "võ tự vệ" là vì sự ảnh hưởng của võ thuật đối kháng, khi mà kỹ - chiến thuật được thiết lập hầu hết để đối phó với những đối thủ "ngang kèo". Đó cũng là một hạn chế to lớn của các môn võ thuật, một rào cản mà chỉ những HLV thực sự tâm huyết, có kinh nghiệm và có tư duy tốt mới phá bỏ được khi giảng dạy.

Huỳnh Phi Sang
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội