Góc khuất của một nhà vô địch: Những điều đánh đổi

thứ sáu 15-5-2020 13:00:54 +07:00 0 bình luận
"Tôi nghĩ rằng cái giá của chức vô địch chính là những đánh đổi." - Nguyễn Kế Nhơn

Phía trước của nhà vô địch, ai cũng sẽ thấy hàng tá các huy chương, đai đẳng, thành tích được chính chủ nhân của nó tự hào mà khoe ra. 

Tuy nhiên, đằng sau của nhà vô địch không chỉ là sự siêng năng, kỷ luật mà còn là những đánh đổi. Sự đánh đổi ấy theo cả một đời võ sĩ, từ khi mới học cuộn nắm đấm cho đến lúc họ khoác trên vai những thành tựu đạt được.

Những đánh đổi của tuổi trẻ

Là một cử nhân tốt nghiệp trường Đại học Thể Dục Thể Thao Tp.HCM khoa Thể Chất, nhưng chặng đường học vấn của Nguyễn Kế Nhơn không mấy êm đềm như những sinh viên khác. 

Kế Nhơn cho biết, 2 người anh em khác của Kế Nhơn đều là những học sinh giỏi, "ngoan", nhưng đến Kế Nhơn thì trái ngược hoàn toàn bởi anh thường xuyên quậy phá, đánh nhau. 

Được cha mẹ hướng theo ngành học cơ khí thậm chí nhiều lần bắt Kế Nhơn phải bỏ võ để học, nhưng vì niềm đam mê võ thuật, Kế Nhơn chỉ điền tên vào bài thi rồi ngủ gục. 

Sau đó, cũng nhờ các anh em thuyết phục cha mẹ, Nguyễn Kế Nhơn mới đi đến thương lượng cuối cùng: “Được chơi thể thao, nhưng vẫn phải học hành đàng hoàng”. Cũng vì vậy, Nguyễn Kế Nhơn chọn thi vào trường Thể thao vì theo anh nghĩ "đó là ngành học gần với võ thuật nhất."

Bước vào kỳ thi, Kế Nhơn mặc đồ Boxing (lúc ấy Kế Nhơn theo Boxing), đi chân trần đăng ký nội dung 1500m. Chờ đến giữa trưa vẫn chưa đến lượt thi, bụng thì đói, chí bắt đầu nản, chàng võ sĩ trẻ Kế Nhơn một lần nữa tính bỏ thi để ra về. 

Kế Nhơn hồi tưởng: "Tôi bỏ đi, định về nhưng đi được một đoạn tôi lại nghĩ: Nếu không đậu vào đây, có khi ba mẹ bắt mình về quê và không được chơi võ... Nên tôi quay lại, may thay, đúng lúc thầy gọi số báo danh tôi.

Bước vào sân điền kinh giữa cái nắng trưa hè, bụng đói, đôi chân trần. Lúc đấy, tôi không hề biết SÂN ĐIỀN KINH là như thế nào? Tôi không hề biết ĐỘ MA SÁT ở sân điền kinh nó kinh khủng đến đâu. Tôi chỉ nghỉ đơn thuần: "Ở quê mình chạy bộ chân trần đường bê tông hoặc những nơi đầy sỏi có hề gì, sân này bằng phẳng ngon lành”.

"Tôi chọn trường Thể dục Thể thao là để tiếp tục được chơi võ."
(Ảnh: Khôi Nguyên)
 

Do không có giày chạy, chỉ sau vòng đầu, bàn chân Kế Nhơn đã phồng rộp rướm máu, nhưng vì muốn chơi võ, muốn bám trụ với võ, chàng runner bất đắc dĩ Nguyễn Kế Nhơn cắn răng mà chạy. 

Khi trông thấy bàn chân trần tóe máu của Á quân 1500m khi ấy, bạn học của Kế Nhơn chỉ lắc đầu ngao ngán. Về sau, quán quân kỳ chạy 1500m cùng với Kế Nhơn lúc đó đã trở thành kiện tướng quốc gia điền kinh.

Tạm bỏ học để tập võ

Bước vào giảng đường đại học, chàng sinh viên Nguyễn Kế Nhơn vẫn chẳng để giờ học gây ảnh hưởng đến lịch tập của anh. Dậy từ 4h30 sáng, vác balo chạy bộ 5km để bắt xe đi tập tại sân Phú Thọ rồi sau đó lại bắt xe về trường để học rồi lại quay về Phú Thọ tập luyện ca tối. Chỉ đến khi tan giờ tập, Kế Nhơn mới bắt xe về Thủ Đức và lại chạy bộ về nhà đến tận nửa đêm.

Vì "phá sức" như vậy, phong độ của Kế Nhơn sa sút, việc học hành cũng bị ảnh hưởng. Anh cứ thế gầy đi cho đến khi được bạn bè thân thương gọi với biệt danh "Nhơn đập đá". 

Tự nhủ rằng "Học có thể dỡ nhưng lên đài không thể thua được", chàng sinh viên Kế Nhơn một lần nữa lén cha mẹ bảo lưu kết quả học tập ở trường một năm để tập trung cho võ thuật. 

Đã từng có thời gian, Kế Nhơn tự "phá sức" mình chỉ vì học và tập luyện quá độ mà không có thời gian nghỉ ngơi.
(Ảnh: Khôi Nguyên)
 

Thành công đầu đời cũng đã đến, Kế Nhơn được chọn vào đội tuyển Kickboxing quốc gia và đoạt HCĐ tại Đại hội võ thuật Châu Á ở Thái Lan năm 2009.

"Sau một năm bảo lưu, tôi quay lại trường tiếp tục theo học và vẫn chơi võ. Vì lúc này, kỹ thuật, phong độ và bản lĩnh sàn đài đã vững vàng hơn nên tôi có thể sắp xếp vừa học vừa chơi võ được. 

Dù ra trường muộn hơn các bạn đồng trang lứa một năm, nhưng tôi vẫn vui vì quyết định năm đó. Nó giúp tôi, cho đến thời điểm này, vẫn tự tin bước trên chặng đường Đam mê của mình, vẫn không phải hối tiếc." - Nguyễn Kế Nhơn chia sẻ.

Những đánh đổi trên đỉnh cao

Nhưng chặng đường đánh đổi ấy cũng chưa dừng lại. Kể từ khi tốt nghiệp và dành toàn thời gian cho võ thuật, Nguyễn Kế Nhơn cũng phải đối diện với nhiều lựa chọn bắt buộc anh phải đánh đổi một lần nữa.

Phẫu thuật và chờ hồi phục hoặc nén đau thi đấu để tận dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại trong sự nghiệp là những điều bắt Kế Nhơn lựa chọn.
(Ảnh: Khôi Nguyên)
 

Từ những lựa chọn rằng phải phẫu thuật và chờ hồi phục hoặc nén đau thi đấu để tận dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại trong sự nghiệp, hay những băn khoăn về kinh tế gia đình và việc chạy theo đam mê cũng làm cho nhà vô địch nhiều lúc chạnh lòng.

Nhiều lần, Kế Nhơn phải loay hoay giữa các chọn lựa: Đi dạy để kiếm sống hay tập luyện để thượng đài. Tuổi tác và sự khốc liệt của võ thuật không cho phép anh hy sinh sức khỏe để bảo toàn cả hai công việc.

Chuyện về tuổi đời VĐV

Khác với những công việc thông thường, đã chọn nghiệp võ là bạn buộc phải đánh đổi rất nhiều thứ, từ thu nhập đến giải trí, sức khỏe... 

Ở đại đa số các ngành nghề khác, bạn có thể hy sinh giấc ngủ, hy sinh thời gian để nhanh tiến đến thành công, nếu có lỡ lười biếng một vài lúc, người ta cũng sẽ nhanh chóng bù đắp lại được bằng sự nỗ lực ở tương lai.

Lối sống kỷ luật của võ sĩ không cho phép họ có thời gian làm thêm những công việc khác.
(Ảnh: Khôi Nguyên)
 

Tuy vậy, võ thuật lại là một câu chuyện khác. Để tập tốt, đấu tốt, võ sĩ phải khỏe mạnh, để khỏe mạnh võ sĩ phải ăn uống điều độ, sống kỷ luật, ngủ đủ giấc, tập đủ giờ. 

Để tuân theo chế độ ăn-ngủ-nghỉ-tập kỷ luật đó đồng nghĩa với việc võ sĩ có rất ít thời gian để làm thêm một công việc khác trang trải thu nhập của họ.

Tuổi đời của một võ sĩ rất ngắn, nên những võ sĩ luôn phải cố gắng đi càng xa càng tốt trong khoảng sự nghiệp ngắn ngủi ấy bởi qua mỗi một năm già đi, phong độ, thể lực và những chấn thương sẽ trở thành những cục tạ kéo kỹ năng của người võ sĩ đi xuống. 

Người ta tập luyện để có sức khỏe, còn võ sĩ phải bán sức khỏe để tập luyện.

 

 

 

Bài liên quan
Khôi Nguyên
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội