Jake Paul và chuyện thách thức hệ thống thù lao võ sĩ UFC của Dana White
Cuối năm 2020, Jake Paul xuất hiện trong sự kiện trở lại sàn đấu Boxing của hai huyền thoại Mike Tyson và Roy Jones Jr với tư cách võ sĩ thi đấu trận thứ chính cùng cựu VĐV bóng rổ Nate Robinson.
Sau khi hạ knockout 2 đối thủ không chuyên, 1 Youtuber, 1 cựu VĐV bóng rổ, Jake Paul bắt đầu hướng sự khiêu khích của mình sang các võ sĩ chuyên nghiệp, cụ thể là những ngôi sao UFC như Conor McGregor.
Dĩ nhiên, với tiêu chí tập trung vào chất lượng trận đấu, đồng thời không dễ gì để võ sĩ của mình giúp một tay ngang có được danh tiếng, chủ tịch UFC Dana White ngay lập tức tuyên bố "cấm cửa" tất cả các tay đấm của mình có ý tưởng đối đầu Jake Paul, dù chỉ là một trận đấu biểu diễn.
Việc này ngay lập tức khiến Jake Paul có cớ công kích ông trùm người Mỹ, với vấn đề nổi cộm nhất chính là cơ chế chi trả võ sĩ của UFC.
Sau trận đấu năm 2020, Jake Paul mời gọi được cựu võ sĩ UFC Ben Askren lên đài đọ sức. Có lẽ, không cần nói nhiều về mục đích của chàng trai sinh năm 1997 này, đó là tìm kiếm một sự "liên quan" tới UFC.
Ben Askren là một đối thủ "hoàn hảo" với Jake Paul: từng là võ sĩ UFC, cựu vô địch 2 giải MMA lớn là Bellator và ONE Championship, nhưng kĩ năng đánh đứng lại không tốt, chỉ chuyên về vật khóa.
Chưa dừng lại ở chuyên môn hay tên tuổi, số tiền mà Ben Askren kiếm được sau trận đấu làm bằng chứng để Jake Paul công kích Dana White. Thượng đài tại sự kiện này, nhà cựu vô địch MMA mang về 500 ngàn đô la thù lao cứng, gấp đôi con số cao nhất anh nhận được ở UFC (210 ngàn đô la). Về phần Jake Paul, tính cả số tiền bản quyền truyền hình, anh được cho đã nhận về 1,5 triệu đô.
"Trận đấu thứ 3 (với Askren), tôi kiếm được tiền nhiều hơn bất cứ võ sĩ nào của UFC (chỉ kém các ngôi sao như Khabib hay Conor). Có lẽ đã đến lúc trả thù lao thỏa đáng cho các võ sĩ. Chẳng có gì bất ngờ khi họ đều muốn đánh Boxing."
"Ông luôn nói sẽ tổ chức các trận đấu thỏa mãn người hâm mộ, vậy hãy để Jon Jones đấu với Francis Ngannou, hãy để họ nhận mức thù lao công bằng, 10 triệu đô kèm tiền bản quyền truyền hình."
"Vì sao các võ sĩ UFC trả lương thấp như vậy, so với Boxing.?" - Paul lên án Dana White với lập luận của mình.
Nhờ việc thi đấu Boxing, có được các hợp đồng với những công ty có tiếng như Triller, hay gần đây là Showtime Boxing, Jake Paul thực sự đã có những con số để "nói chuyện" với Dana White.
Tính tới năm 2020, mức thù lao các võ sĩ nhận được tại UFC chỉ rơi vào khoảng 150 triệu đô la, chiếm 16% tổng doanh thu 900 triệu đô của giải đấu. So sánh với các môn thể thao nổi tiếng tại Mỹ như bóng bầu dục, bóng rổ hay bóng chày lên tới gần 50%, tỉ lệ này được cho là quá thấp.
Cơ chế hoạt động của UFC cũng khác biệt so với Boxing. UFC là công ty, võ sĩ là nhân viên được đại diện bởi các quản lý. Trong khi đó, với Boxing, võ sĩ là một bên riêng, còn những tổ chức như WBC, WBA, IBF hay WBO đóng vai trò quản lý các danh hiệu.
Sự khác biệt này dẫn tới việc UFC nắm giữ quyền quyết định rất lớn tới khả năng tìm kiếm hợp đồng quảng cáo của võ sĩ, cũng như có thể hạn chế võ sĩ sử dụng hình ảnh của mình cho các mục đích thương mại. Điển hình nhất, vụ việc UFC cắt nguồn tài trợ từ trang phục võ sĩ lên sàn, bằng bản hợp đồng bắt buộc với hãng thời trang Reebook năm 2014 là một ví dụ.
Những sự việc trên đã nảy sinh nhiều bất đồng của dàn võ sĩ với giải đấu. Ban đầu, chỉ có một số những tên tuổi chưa thực sự lớn như Jon Fitch, Cung Lê lên tiếng về vấn đề này.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều ngôi sao lớn bắt đầu phản ứng với hệ thống chi trả, Đáng chú ý, Jon Jones - nhà cựu vô địch hạng bán nặng đã nghỉ thi đấu 18 tháng, hoãn việc lên hạng nặng vì vấn đề thù lao. Các võ sĩ như Jorge Masvidal, hay gần nhất là Francis Ngannou, cũng đều lên tiếng về sự việc này.
Đối với UFC, cơ chế chi trả là câu chuyện "nội bội" mà Dana White cùng ban lãnh đạo, những ông chủ từ WME-IMG phải đối mặt.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Jake Paul cũng được cho là ý kiến thu hút đáng kể sự chú ý, khi càng nhiều võ sĩ của giải đấu bắt đầu lên tiếng về vấn đề này.