Mô hình và những dự định trong tương lai của Liên đoàn MMA Việt Nam sẽ như thế nào?
Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động. Đi cùng với những niềm vui đó cũng là những nỗi băn khoăn, thắc mắc về những hoạt động của Liên đoàn trong khoảng thời gian đầu. Thư ký liên đoàn, ông Mai Thanh Ba đã giải đáp một số vấn đề về hoạt động của liên đoàn trong thời gian sắp tới.
Võ đài của MMA Việt sẽ mang hình dạng gì?
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã cho phép MMA từ rất sớm, nhưng tuyệt nhiên lại cấm sử dụng lồng đấu mà chỉ cho phép tổ chức MMA trên các võ đài vuông truyền thống. Trong đó, tiêu biểu đến những quốc gia du nhập MMA từ sớm như Thái Lan hay cả cái nôi MMA thế giới Nhật Bản cũng không cho phép việc thi đấu MMA trong lồng sắt nhằm đảm bảo duy trì được bản sắc võ thuật của họ.
Trước những khúc mắc đó, ông Mai Thanh Ba cho biết các trận đấu MMA sắp tới tại Việt Nam vẫn sẽ được đấu trong lồng. Ông chia sẻ: “Đương nhiên là sẽ đấu trong lồng cho giống với thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã có những dự trù nếu không được phép đấu trong lồng thì sẽ dùng võ đài chuyên biệt được rào bên dưới.”
Đối với người xem, việc đấu lồng hay đấu võ đài có thể không gây ảnh hưởng quá nhiều đến cảm hứng theo dõi, nhưng đối với võ sĩ và các HLV, thi đấu MMA trong lồng hoặc trên võ đài có thể gây ảnh hưởng ít nhiều đến các chiến thuật grappling kiểm soát.
Việc Liên đoàn cho phép thi đấu MMA trong lồng sắt cũng là một điểm tốt giúp MMA Việt dễ hòa nhập với MMA thế giới hơn, nhưng đối với các sân chơi trong khu vực, các vđv Việt Nam trong tương lai cũng có thể bị ảnh hưởng ít nhiều.
Vấn đề tuyển chọn võ sĩ
Vì còn là một bộ môn mới, việc tuyển chọn võ sĩ trong thời gian đầu sẽ khó khăn hơn. Chủ yếu là chiêu mộ từ các đơn vị tập luyện võ thuật khác kết hợp với săn tìm các võ sĩ có tố chất tốt từ khắp nơi.
Nói về vấn đề này ông Mai Thanh Ba cũng chia sẻ: “Thật ra vấn đề này khá giống với đội Tán Thủ Việt Nam ngày trước thuở mới thành lập. Các võ sĩ của những môn khác khi đó chuyển sang Tán Thủ rồi cứ thế mà tự tập luyện rồi tự làm quen với bộ môn và rồi sau này hình thành một hệ thống riêng, phát triển và vươn ra thế giới."
Chuyện trọng tài
Ngoài ra, ông Mai Thanh Ba còn cho biết, vấn đề đang được liên đoàn quan tâm đó là vấn đề về trọng tài. Vì bởi hình thức thi đấu MMA và cả hình thức thi đấu grappling khóa siết nhìn chung vẫn còn khá mới ở Việt Nam, chưa kể đến việc các đòn khóa siết cổ hoặc những đòn bẻ tay, bẻ chân nếu không có kinh nghiệm về grappling, người xem rất khó để nhận ra các tình huống nguy hiểm mà võ sĩ đang gặp phải.
Do đó, việc tìm kiếm và đào tạo trọng tài MMA là một nhiệm vụ quan trọng của liên đoàn MMA Việt Nam trong thời gian này. Ông Mai Thanh Ba cũng cho biết, rất có thể trong thời gian tới, liên đoàn sẽ mời các chuyên gia, các trọng tài nước ngoài về để đào tạo nghiệp vụ trọng tài MMA trong nước.
"Ở Việt Nam, do bộ môn Nhu Thuật, MMA và các môn grappling khác còn khá mới mẻ nên khả năng nhận thức các tình huống khóa siết nguy hiểm trên võ đài của trọng tài cũng hạn chế. Vì vậy, để khắc phục điều này, Liên đoàn cũng lên kế hoạch để mời các trọng tài chuyên nghiệp, các chuyên gia về để đào tạo trọng tài MMA trong nước nhằm đảm bảo an toàn cho võ sĩ thi đấu." Ông Mai Thanh Ba chia sẻ.
Luật lệ
Về luật thi đấu, ông Mai Thanh Ba cũng cho biết Liên đoàn MMA Việt Nam sẽ thi đấu dựa trên bộ luật MMA nghiệp dư thế giới. Đương nhiên, với những hệ thống giải đấu trong nước với những quy mô tổ chức khác nhau cũng sẽ có những điều chỉnh về luật đấu khác nhau, nhưng luật MMA trong nước chú trọng nhất là đảm bảo khả năng phát triển lâu dài của bộ môn và tạo ra sân chơi cho cộng đồng.