Mức thu nhập khó tin của Á quân 17 tuổi người dân tộc Dao tại giải Kickboxing quốc gia 2020
Tại giải Vô địch Kickboxing quốc gia 2020 tại Bình Định, Hà Giang tiếp tục là đơn vị “dẫn đầu” về hành trình tham dự giải xa nhất so với các đơn vị khác trên cả nước.
Lần thứ 2 liên tiếp vượt hơn ngàn cây số cả đường bộ, đường không đến với vùng đất võ, thầy trò HLV Vũ Anh Tuấn kết thúc giải đấu với tấm Huy chương bạc duy nhất ở hạng cân 63,5kg nội dung Full Contact nam của tay găng Tẩn Văn Phúc.
Sinh năm 2003, đây là lần thứ 2 Tẩn Văn Phúc tham dự giải ở lứa tuổi trưởng thành sau Cúp CLB toàn quốc hồi tháng 6. So với đối thủ ở chung kết Tạ Đức Dũ – người từng giành HCB giải trẻ thế giới 2016 và đấu ít hơn một trận, trận thua sớm của Phúc cùng vị trí thứ 2 không có gì khó hiểu.
Nếu so sánh với các đơn vị khác, thành tích này của Hà Giang không mấy ấn tượng so với lực lượng 10 võ sĩ tham giam. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào thực trạng của toàn đội và cụ thể hơn là cá nhân Tẩn Văn Phúc, chúng ta phần nào có thể thấy được sự nỗ lực của á quân trẻ này.
Mới thành lập được khoảng 3 năm, đây là lần thứ hai Hà Giang gửi quân tham dự giải Vô địch toàn quốc. Để có thể mang về được tấm HCB, bản thân Phúc và các đồng đội cũng đã trải qua rất nhiều trở ngại.
Tại địa phương vùng núi như Hà Giang, việc phát triển thể thao đã khó, và với những môn thể thao mới, yêu cầu trang thiết bị tập luyện đặc thù như Kickboxing lại càng khó hơn.
“Nói riêng tới vấn đề tập luyện hàng ngày, các vận động viên cũng phải chịu thiệt thòi khi trang thiết bị chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu chuyên môn.” – Anh Vũ Anh Tuấn, HLV trưởng đội tuyển Kickboxing Hà Giang chia sẻ với Webthethao.vn.
Một mình nhận nhiệm vụ phát triển đội tuyển Kickboxing Hà Giang, HLV Vũ Anh Tuấn hiểu được việc thúc đẩy những nỗ lực của học trò là điều cần thiết nhất khi tình hình đội vẫn còn khó khăn từ huấn luyện viên cho tới điều kiện cơ sở vật chất, hoặc cụ thể hơn là đãi ngộ cho các võ sĩ.
Hiện tại ở đội Kickboxing Hà Giang nói riêng, phụ cấp hàng ngày cho các vận động viên chỉ dừng lại ở mức 90.000 đồng/ngày. Tức nếu tính tổng cộng trong 1 tháng, một võ sĩ chỉ nhận về khoảng 2,7 triệu đồng một tháng sinh hoạt phí cho các hoạt động ở đội tuyển.
Ngoài ra, số tiền này được tăng lên 220.000 đồng/ngày cả ăn, ở, tập luyện trong thời gian diễn ra giải đấu như những ngày vừa qua. Đối với các võ sĩ trẻ, mới lên đội tuyển mà nói, đây là con số rất khiêm tốn và đơn vị phải tính toán rất kĩ trong từng hoạt động chi tiêu cho các vận động viên.
Riêng với Tẩn Văn Phúc, dù giành vị trí Á quân tại giải Vô địch toàn quốc, ngoài 4 triệu đồng tiền thưởng, võ sĩ trẻ không được hưởng tiền kiện tướng như nhiều đơn vị khác do chế độ của địa phương. Đây cũng là thiệt thòi lớn khi chế độ kiện tướng được xem là động lực cho các võ sĩ thi đấu và tập luyện trong năm.
Tương tự một số đơn vị vùng cao, HLV Vũ Anh Tuấn cũng cho biết, chế độ bảo hiểm cho các vận động viên chỉ dành cho các đợt thi đấu giải. Ngoài ra vào thời gian trong năm, các em phải hoàn toàn tự túc dù quá trình tập luyện vẫn có rất nhiều rủi ro chấn thương.
Với các đơn vị mới, kinh tế còn nhiều khó khăn và chưa đạt nhiều thành tích, việc mạnh dạn đầu tư cho các môn thể thao – đặc biệt là võ đối kháng như Kickboxing là điều địa phương phải cân nhắc rất kĩ.
Nhưng khi nhìn lại, trong những năm gần đây, các tỉnh miền núi liên tiếp tìm ra những “viên ngọc thô” cho làng võ nói riêng và thể thao nói chung. Gần nhất trước Tẩn Văn Phúc, nữ võ sĩ Thái Nguyên Bàng Thị Mai cũng gây sốc với 4 tấm HCV ở 4 môn võ liên tiếp.
Hay xa hơn, cặp đôi sơn nữ Lừu Thị Duyên và Vương Thị Vỹ đã mang về vinh quang cho Việt Nam tại SEA Games, cũng đều là các cô gái vùng cao quyết tâm theo đuổi nghiệp thi đấu. Đó chính là tiềm năng đáng để những nhà phát triển lưu tâm nếu muốn thể thao miền núi tiếp tục ghi đấu tại Việt Nam.